Ông Định thông tin, theo kết quả quan trắc của Sở TN&MT, từ ngày 13/9, chất lượng không khí của Hà Nội, ở nhiều thời điểm trong ngày, nằm ở mức kém, trong đó, chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM2.5. Thành phố đã xác định được 12 nguồn chính gây ô nhiễm không khí Hà Nội là phát thải từ việc gia tăng khí thải ô tô, xe máy; phá dỡ và vận chuyển vật liệu xây dựng không đúng quy định; hệ thống thoát nước thải bốc mùi hôi; nước thải, khí thải chăn nuôi; thu gom rác thải chưa tốt, hoạt động đốt rơm rạ các huyện ngoại thành; ô nhiễm bùn thải các ao hồ; chuyển mùa...
Ông Vũ Đăng Định - Chánh Văn phòng UBND TP.Hà Nội thông tin với báo chí |
Ông Định cho biết, để khắc phục tình trạng này, TP.Hà Nội tập trung bổ sung lắp đạt mạng lưới quan trắc; thay đổi từ thu gom rác thủ công bằng máy móc hiện đại; xử lý ô nhiễm ao hồ; xây dựng kế hoạch hành động chấm dứt sử dụng bếp than tổ ong; thay đổi công nghệ xử lý rác thải bằng đốt phát điện; thắt chặt kiểm tra che chắn các công trình xây dựng; giao thanh tra giao thông kiểm tra, xử lý xe chở vật liệu xây dựng vi phạm quy định an toàn môi trường trong vận chuyển...
Còn ông Mai Trọng Thái - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) cho biết, thành phố khuyến cáo người dân khi tham gia giao thông cần đeo khẩu trang hợp quy chuẩn để bảo vệ sức khỏe. Đối với người già, trẻ em - đối tượng dễ bị tổn thương bởi ô nhiễm không khí nên hạn chế ra đường và tổ chức dã ngoại. Thành phố phấn đấu lắp đặt 20 trạm quan trắc môi trường, đây sẽ là cơ sở quan trọng để giám sát diễn biến chất lượng của thành phố để có những cảnh báo kịp thời tới nhân dân. Ông Thái cho biết, dự báo đến 3/10 khi thời tiết có mưa, chất lượng không khí của Hà Nội sẽ dần được cải thiện.
Thông tin thêm về quản lý, xử lý môi trường, ông Định cho hay, đến nay, TP.Hà Nội đã khởi công nhà máy xử lý rác thải 4.000 tấn/ngày đêm tại Sóc Sơn. Tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom, vận chuyển trong ngày đạt 100% ở đô thị và 89 - 90% ở nông thôn.
Về quản lý đất đai, ông Định cho biết, tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư đạt 99,6%; người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở đạt 91,24%; người mua nhà tái định cư đạt 97,44%; hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp đạt 99,21%; các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đạt 52,08%; đất dịch vụ đạt 73, 58%.
Hiện tại, thành phố đã hoàn thành giai đoạn 1 Nhà máy nước mặt sông Đuống (300.000m3/ngày đêm). Đôn đốc nhà đầu tư mở rộng mạng cấp nước, đến nay, một số dự án đã hoàn thành, có thêm 20.000 hộ dân được cấp nước sạch, nâng tỷ lệ cấp nước sạch nông thôn lên 60%. Ông Định thông tin, dự kiến, có thêm 11 dự án phát triển mạng cấp nước, tỷ lệ cuối năm 2019 đạt 73 - 75%.