Hà Tĩnh: Lợi dụng cải tạo rừng, 'tuồn' tài nguyên đất đi tiêu thụ

Nhiều xe tải chở đất trái phép ra ngoài khu vườn của ông Trần Huy Giáp tại xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đi tiêu thụ, với sự giám sát của nhiều cảnh giới nhằm che mắt lực lượng chức năng.

Những ngày gần đây, phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường có mặt tại tiểu khu 132c, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, sau phản ánh của người dân nơi đây về việc một chủ rừng lợi dụng cải tạo vườn để khai thác đất đưa ra ngoài tiêu thụ.

“Trộm đất” dưới vỏ bọc cải tạo vườn

Sáng 15/8, có mặt tại khu vực nói trên, chúng tôi bất ngờ bởi hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép để mang đi tiêu thụ, dưới vỏ bọc cải tạo vườn. Sự việc diễn ra cả ngày lẫn đêm nhưng vẫn không bị lực lượng chức năng phát hiện xử lý triệt để.

Hà Tĩnh: Lợi dụng cải tạo rừng, 'tuồn' tài nguyên đất đi tiêu thụ - Ảnh 1
Khai thác đất lậu dưới vỏ bọc cải tạo vườn tại tiểu khu 132c, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Ảnh: Tiến Đạt.

Được biết, khu đất rừng tại tiểu khu 132C, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc với diện tích hơn 11,84 ha, được giao cho ông Trần Huy Giáp với mục đích sử dụng là đất lâm nghiệp. Trong đó, 30% diện tích được chuyển đổi cải tạo trồng cây ăn quả, làm vườn, nuôi thủy sản…

Hiện nay, khu đất đang được cải tạo. Lợi dụng việc cải tạo trồng vườn, san gạt ở một số vị trí trong khu đất được giao, chủ rừng đã đưa đất ra ngoài trái phép để tiêu thụ.

Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, cánh cổng vào khu vườn này luôn trong tình trạng cửa khóa then cài với sự canh gác của cảnh giới 24/24. Những cánh cổng này chỉ được mở ra khi xe tải vào "ăn hàng", rồi ngay lập tức được đóng lại.

Hà Tĩnh: Lợi dụng cải tạo rừng, 'tuồn' tài nguyên đất đi tiêu thụ - Ảnh 2
Xe tải chở đầy đất đưa ra ngoài trang trại. Ảnh: Tiến Đạt.

Cụ thể, sáng 15/8, những xe tải mang BKS 38C – 084.01, 38C – 102.11, 38C – 136.46, 38H – 003.36…, sau khi được “ăn hàng” tại đây liền di chuyển theo tỉnh lộ ĐT548. Các xe này tiếp tục hướng về Quốc lộ 1A, di chuyến đến một nhà máy đóng gạch tại xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc. Quy trình trên được lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày.

Trao đổi với PV Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Trần Đình Việt, Trưởng phòng TN&MT huyện Can Lộc khẳng định, phía chủ vườn chỉ được cải tạo đất tại chỗ, việc đưa đất ra ngoài khu vực là vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên môi trường.

“Chở đất ra ngoài rất nhiều”

Vẫn theo ông Trần Đình Việt, Trưởng phòng TN&MT huyện Can Lộc, khu vực phóng viên phản ánh, phía chủ hộ đang cải tạo trong diện tích 30% đất được chuyển đổi để trồng cây ăn quả, làm vườn.

“Để tôi cho anh em kiểm tra lại. Trước đó, chủ vườn tại đây đã lợi dụng chở đất ra ngoài rất nhiều, lực lượng chức năng cũng đã xử lý. Song, nhiều lần tôi đi kiểm tra nhưng họ không cho tôi vào”, ông Việt chia sẻ.

Chúng tôi đã liên hệ với ông Trần Huy Giáp (chủ khu rừng), nhằm thực hư việc tự ý đưa đất trái phép ra ngoài trang trại, nhưng không nhận được phản hồi.

Hà Tĩnh: Lợi dụng cải tạo rừng, 'tuồn' tài nguyên đất đi tiêu thụ - Ảnh 3
Nhiều xe tải có dấu hiệu quá khổ, quá tải di chuyển theo tỉnh lộ ĐT548 hướng về Quốc lộ 1A vào sáng 15/8. Ảnh: Quỳnh Nguyên.

Quá trình đeo bám những chiếc xe tải nói trên, chúng tôi cũng ghi nhận tình trạng có dấu hiệu quá khổ, quá tải, vật liệu (đất) được chất cao hơn thành thùng, che chắn không cẩn thận làm rơi vãi vật liệu xuống đường gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất an toàn giao thông.

Ông chủ chuỗi nhà hàng, khách sạn

Quá trình tác nghiệp, nhóm phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã vào cuộc xác minh thông tin liên quan đến khu đất rừng cũng như chủ sở hữu.

Được biết, ông Trần Huy Giáp có hộ khẩu thường trú tại TP.Hà Tĩnh, được nhiều người biết đến là ông chủ của hệ sinh thái nhà hàng khách sạn tại TP.Hà Tĩnh. Ông Giáp đang sở hữu các khách sạn như: Hoàng Ngân 1,2,3,4 tại TP.Hà Tĩnh và các chuỗi nhà hàng kinh doanh ăn uống khác nhau.

Hà Tĩnh: Lợi dụng cải tạo rừng, 'tuồn' tài nguyên đất đi tiêu thụ - Ảnh 4
Liên tục bị chính quyền địa phương “nhắc nhở”, nhưng chủ khu đất rừng tại xã Mỹ Lộc không những không chấp hành mà còn tiếp tục vi phạm. (Ảnh: Tiến Đạt).

Trước đó, tháng 4/2020, cũng tại khu đất rừng tại tiểu khu 132C, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) của ông Trần Huy Giáp, chính quyền địa phương cùng các Sở, ban, ngành đã vào cuộc để xử lý vi phạm, sau khi phát hiện một “khu sinh thái” mọc lên trên đất rừng tại đây.

Nhiều hạng mục được xây dựng bê tông kiên cố, khu vực bến thuyền, cùng máy móc, vật liệu..., được tập kết tại khu vực này để xây dựng “khu sinh thái”. Việc xây dựng này chưa được cấp có thẩm quyền nào phê duyệt.

Ngày 8/5/2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành văn bản chỉ đạo UBND huyện Can Lộc cùng các Sở, ngành liên quan xử lý việc xây dự án trên đất rừng tại khoảnh 3a, Tiểu khu 132C, xã Mỹ Lộc, huyên Can Lộc. UBND tỉnh cũng ban hành quyết định đình chỉ các hoạt động vi phạm đối với ông Trần Huy Giáp (chủ đầu tư xây dựng khu sinh thái trái phép) theo quy định pháp luật.

Liên tục bị chính quyền địa phương “nhắc nhở”, UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành vào cuộc kiểm tra, xử phạt và buộc tháo dỡ các hạng mục vi phạm trên đất rừng lâm nghiệp, nhưng chủ khu đất rừng tại xã Mỹ Lộc này không những không chấp hành mà còn tiếp tục vi phạm. Hàng trăm khối tài nguyên đất mỗi ngày tại nơi đây vẫn “chảy máu” ra khỏi khu rừng nhưng chưa bị xử lý triệt để.

Việc tài nguyên khoáng sản tại Hà Tĩnh vẫn “chảy máu” thời gian qua đã khiến nhiều đồi núi, cây trồng bị tàn phá, hệ sinh thái bị ảnh hưởng, cho thấy việc quản lý của cơ quan chức năng tỉnh này còn nhiều “lỗ hổng”.

Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Trước tình hình đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số số 715/PC-VPCP giao Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, xử lý và trả lời kiến nghị của TW Hội Kinh tế Môi trường (VIASEE) gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giám sát, xử lý sai phạm trong khai thác khoáng sản.

Thực hiện chỉ đạo, Bộ Tài nguyên Môi trường đã có Công văn số 3892/BTNMT-ĐCKS gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh, đề nghị giải quyết dứt điểm, triệt để tình trạng nêu trên và ngăn ngừa hoạt động khai thác khoáng sản tái diễn tại khu vực này.

Quỳnh Nguyên
Theo Tạp chí KTMT

Xem thêm

Liên kết