Hạn hán ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên

Ngày 13/11, tại tỉnh Gia Lai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị sơ kết sản xuất vụ hè thu, vụ mùa năm 2019 và triển khai kế hoạch vụ đông xuân 2019 - 2020 tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Ngành nông nghiệp Lào bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiên taiHạn hán tại miền nam châu Phi đe dọa cuộc sống của 45 triệu ngườiHạn hán gây tổn thất về nông sản gần 30 tỉ USD trên toàn cầu
han han anh huong nghiem trong den san xuat nong nghiep cac tinh duyen hai nam trung bo va tay nguyen
Người dân xã Bảo Quang, thành phố Long Khánh (Ðồng Nai) phát triển đàn lợn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Nguyễn Đăng

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, tổng diện tích gieo trồng vụ hè thu, vụ mùa năm 2019 tại các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ là hơn 450.000 ha lúa và khoảng 675.000 ha rau màu. Tuy nhiên, nắng nóng khô hạn xảy ra sớm và gay gắt trên diện rộng đã khiến hơn 17.000 ha cây trồng bị hạn nặng; sản lượng lúa hè thu 2019 giảm 34.600 tấn so với vụ hè thu năm 2018 do hạn hán.

Dự báo tình hình khô hạn cũng có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sản xuất vụ đông xuân trong vùng, nhất là tại Tây Nguyên khi có tới 70% diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngoài khu vực có công trình thủy lợi. Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Cục Trồng trọt và Tổng cục Thủy lợi theo dõi kịp thời nguồn nước tưới của từng địa phương để cân đối, bố trí kế hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước. Ðồng thời, những khu vực nguồn nước thiếu hụt thì phải chuyển đổi sang loại cây trồng cần ít nước tưới hơn. Hướng tới vụ đông xuân 2019 - 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất các địa phương nên sử dụng giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao.

Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, trong nửa cuối tháng 11/2019, nhiều loại hình thiên tai có khả năng đồng thời xuất hiện gây thời tiết xấu trên cả đất liền và biển Ðông. Khoảng từ ngày 17 đến 18/11, trên khu vực Bắc biển Ðông có khả năng xuất hiện một vùng áp thấp hoặc áp thấp nhiệt đới. Cùng thời điểm này, có đợt không khí lạnh rất mạnh (đợt ngày 18/11) ảnh hưởng nên vùng áp thấp/áp thấp nhiệt đới có xu hướng dịch chuyển nhanh về phía tây tây nam. Diễn biến về cường độ và đường đi của cơn áp thấp/áp thấp nhiệt đới rất phức tạp vì có sự tương tác với không khí lạnh mạnh. Từ khoảng ngày 20 đến 21/11, không khí lạnh liên tục được bổ sung ở tầng thấp, trên cao xuất hiện đới gió đông mạnh, đồng thời vùng áp thấp/áp thấp nhiệt đới có khả năng kết hợp và tác động với các điều kiện nêu trên, các tỉnh Trung Bộ sẽ xảy ra một đợt mưa lớn, trọng tâm mưa ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên.

Miền Bắc sẽ chịu ảnh hưởng hai đợt không khí lạnh diễn ra liên tiếp trong các ngày từ 13 đến 22/11. Nền nhiệt tại các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ giảm xuống ở ngưỡng 16 - 19 độ C, miền núi dao động trong khoảng 13 - 16 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 10 độ C. Các đợt không khí lạnh dù chỉ gây ra đợt rét ngắn ngày nhưng sẽ gây gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 9 cho toàn khu vực bắc và giữa Biển Ðông, vịnh Bắc Bộ và ngoài khơi Trung Bộ.

Tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên, mưa kéo dài khiến mực nước nhiều hồ chứa thủy điện, thủy lợi dâng cao. Sáng 13/11, nhiều hồ chứa đang phải xả tràn phòng chống lũ, bảo đảm an toàn hồ đập và vùng hạ du. Số liệu cho thấy, tại khu vực Nam Trung Bộ, dung tích bình quân các hồ chứa thủy lợi đạt từ 60% đến 80%. Có bốn hồ đang xả: Vạn Hội xả 6 m3/giây, Cẩn Hậu xả 11 m3/giây, Hòn Lập xả 6 m3/giây (Bình Ðịnh); Suối Vực xả 17 m3/giây (Phú Yên). Khu vực Tây Nguyên, dung tích các hồ chứa thủy lợi đạt bình quân từ 80 đến 90%. Có năm hồ đang xả tràn: Ðắk Uy xả 16 m3/giây (Kon Tum); Ayun Hạ 6 m3/giây (Gia Lai); Krông Buk Hạ xả 59 m3/giây, Ea Kao xả 15 m3/giây, Buôn Yông 15 m3/giây (Ðắk Lắk).

Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai cho biết, các hồ chứa thủy điện cũng đang trong tình trạng cần theo dõi sát. Tại khu vực Tây Nguyên, có sáu hồ vận hành theo quy trình liên hồ, xả điều tiết qua tràn. Tại khu vực ven biển Nam Trung Bộ, có bốn hồ chứa vận hành theo quy trình liên hồ, xả điều tiết hồ chứa qua tràn; năm hồ chứa vận hành theo quy trình đơn hồ, xả điều tiết hồ chứa qua tràn. Tại khu vực Bắc Trung Bộ, có một hồ chứa vận hành theo quy trình liên hồ, xả điều tiết hồ chứa qua tràn.

Sau cơn bão số 6, nhiều hộ dân ở thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên thấp thỏm lo âu khi triều cường xâm thực mạnh khiến đất đai, nhà cửa bị xói lở, hư hỏng nặng. Ðể chống đỡ, người dân phải xúc đất cát về lấp lại hố sụt, tạo hàng rào cát bảo vệ nhà. Tỉnh Phú Yên đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí xây đoạn kè biển về phía nam xã An Chấn, dài khoảng 200 m với kinh phí khoảng 20 tỉ đồng.

Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình vừa khởi công xây dựng 58 nhà bè vượt lũ cho hộ nghèo, cận nghèo ở xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa. Tổng kinh phí hỗ trợ xây dựng các nhà bè là 1,3 tỉ đồng, trong đó, 12 hộ nghèo được hỗ trợ 30 triệu đồng mỗi hộ, 46 hộ cận nghèo được hỗ trợ 20 triệu đồng mỗi hộ.

Tổng Công ty CP Thành Trung đã chuyển đến Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên số tiền 500 triệu đồng hỗ trợ đồng bào trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại trong hai cơn bão số 5, số 6 vừa qua.

Ngày 13/11, giá lợn hơi ở miền bắc tiếp tục xác lập những kỷ lục mới khi cục bộ vài nơi lên 77.000 đến 78.000 đồng/kg; trong khi giá lợn hơi ở miền nam đã tiệm cận mức giá 70.000 đồng/kg. Tại tỉnh Ðồng Nai, giá lợn hơi đã chính thức chạm ngưỡng 70.000 đồng/kg. Theo các thương lái, số lượng lợn nuôi trong dân gần như đã cạn, trong khi nguồn cung thịt lợn hơi từ các công ty ra thị trường mỗi ngày được bán cầm chừng vì số lượng lợn có hạn.

Ngày 13/11, Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh phối hợp các sở, ngành liên quan đã cập nhật và điều chỉnh giá bán thịt lợn. Theo đó, giá bán thịt lợn được điều chỉnh tăng từ 8.000 đồng đến 35.000 đồng/kg tùy theo mặt hàng, áp dụng từ ngày 13/11. Cụ thể, thịt đùi là 118.000 đồng/kg, thịt vai 117.000 đồng/kg, thịt cốt-lết 119.000 đồng/kg, sườn già 125.000 đồng/kg... Ðể ổn định thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Tý, TP Hồ Chí Minh tập trung theo dõi sát thị trường thịt lợn và thực phẩm thay thế, gồm: thịt gia cầm, rau củ quả.

Tại tỉnh Hòa Bình, trước tình hình giá thịt lợn đang biến động mạnh khó lường, ngành nông nghiệp khuyến khích phát triển các loại thực phẩm khác như thủy sản, gia cầm, trứng... Trong đó, mô hình nuôi gà của Hợp tác xã gà Lạc Thủy là một trong 56 mô hình trang trại hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển chăn nuôi gia cầm của tỉnh. Trung bình mỗi thành viên hợp tác xã hiện nuôi khoảng 5.000 đến 7.000 con. Giá gà hiện đang ở mức 85.000 đồng/kg hơi, cao hơn so cùng kỳ năm trước từ 10 đến 15%. Với giá này bà con thu lãi 40 đến 50 triệu đồng/1.000 con.

Tại xã Phúc Ðồng, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, bệnh lở mồm long móng xảy ra trên đàn gia súc với số lượng 24 con mắc bệnh (15 con bò và chín con trâu). Vùng dịch được xác định tại khu vực thôn 1 và thôn 3 của xã Phúc Ðồng. Ðến thời điểm hiện nay, dịch đã khiến ít nhất bảy con trâu, bò bị chết và tiếp tục diễn biến phức tạp. Hiện, chính quyền xã đang triển khai các biện pháp chống dịch, ngăn dịch lây lan trên diện rộng.

Theo Báo Nhân Dân