Hạn hán gây tổn thất về nông sản gần 30 tỉ USD trên toàn cầu

Theo các nhà khoa học, mỗi khi Trái đất nóng lên 1 độ C, các loại nông sản chính như gạo, ngô, lúa mỳ sẽ mất khoảng 10-25% năng suất. Trong khi đó, tình hình hạn hán đang ngày càng diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, gây ra tổn thất về nông sản trên toàn cầu ước tính gần 30 tỉ USD.
Doanh nghiệp thất hứa, dân khốn khổChế biến nông sản Việt: Nỗ lực vươn tầm khu vựcGiá lợn tăng cao, nông sản xuất khẩu gặp khó

Chiều 7/11, tại Hà Nội, Viện Y học ứng dụng Việt Nam (trực thuộc Tổng hội Y học Việt Nam) phối hợp cùng Tổ chức Croplife Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Công nghệ sinh học với việc cải thiện nguồn cung thực phẩm và sức khỏe”.

han han gay ton that ve nong san gan 30 ti usd tren toan cau
Toàn cảnh Hội thảo.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực y khoa, nông nghiệp, công nghệ sinh học như PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên - Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam; PGS.TS Phạm Văn Hoan - Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam; GS.TS Lê Huy Hàm - Chủ tịch Hội đồng Khoa học, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam...

Tại Hội thảo, các nhà khoa học cho rằng, tình hình hạn hán đang ngày càng diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, gây ra tổn thất về nông sản trên toàn cầu ước tính gần 30 tỉ USD.

Các nhà khoa học đã dẫn số liệu chỉ ra rằng, mỗi khi Trái đất nóng lên 1 độ C, các loại nông sản chính như gạo, ngô, lúa mỳ sẽ mất khoảng 10-25% năng suất. Trong khi đó, đất nông nghiệp trên thế giới cũng đang ngày càng bị thu hẹp, kéo theo là sản lượng nông nghiệp cũng dần giảm sút. Nguyên nhân của tình trạng này không chỉ do dân số toàn cầu ngày một tăng nhanh, mà còn bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên cây trồng...

Do đó, dự kiến đến năm 2050, để chống chọi với những áp lực nêu trên, sản lượng của các loại nông sản chính buộc phải tăng lên 119% so với hiện nay. Giải pháp tối ưu để bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm, ổn định kinh tế và môi trường bền vững là áp dụng các công nghệ sinh học vào gieo trồng, chăm sóc nông sản.

Liên quan đến Hiện trạng ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp trên toàn cầu, bà Rhodora R. Aldemita - Giám đốc trung tâm SEAsia, Giám đốc Trung tâm Kiến thức toàn cầu về công nghệ sinh học, Tổ chức Quốc tế về Tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong Nông nghiệp (ISAAA) khẳng định, công nghệ sinh học là một trong các lựa chọn để đảm bảo an ninh lương thực, ổn định kinh tế và môi trường bền vững.

“Công nghệ sinh học tiếp tục đóng vai trò quan trọng để đảm bảo mục tiêu đạt 50% nhu cầu thực phẩm vào năm 2050, có thể giúp giải quyết các thách thức được chỉ ra bởi FAO, UN như: Quá trình tăng dân số, đô thị hoá, già hoá; Biến đổi khí hậu; Năng suất nông nghiệp và sự đổi mới; Sâu bệnh xuyên biên giới; Dinh dưỡng và sức khoẻ; Tổn thất thực phẩm và chất thải”, bà Rhodora R. Aldemita cho biết.

han han gay ton that ve nong san gan 30 ti usd tren toan cau
PGS. TS Phạm Văn Hoan trình bày tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, PGS. TS Phạm Văn Hoan, Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam đã đưa ra các thông tin cập nhật về An ninh lương thực, thực phẩm, thực phẩm biến đổi gen và vấn đề An toàn vệ sinh thực phẩm. PGS. TS Phạm Văn Hoan nhấn mạnh: “Công nghệ sinh học đã được ứng dụng rộng rãi vào các ngành sản xuất và đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, y dược, thực phẩm và môi trường. Trong đó, nổi bật hơn cả là lĩnh vực y dược, tạo hiệu quả cao trong phục vụ chẩn đoán và điều trị. Riêng lĩnh vực dược phẩm, công nghệ sinh học được ứng dụng để sản xuất Cytokine, Enzyme, Hormone, Yếu tố đông máu, Vaccine, Kháng thể đơn dòng, Chất ức chế enzyme, Chất ức chế miễn dịch…”.

Cũng tại Hội thảo, TS Nguyễn Xuân Cảnh - Phó Trưởng khoa Công nghệ sinh học (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) chia sẻ: “Cho tới nay, đã có 26 quốc gia trồng 191,7 triệu ha cây trồng công nghệ sinh học (tăng gần 113 lần so với năm 1996). Như vậy, công nghệ sinh học có tiềm năng và triển vọng vô cùng lớn đối với sự phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, cần có các biện pháp đánh giá, quản lý nguy cơ và rủi ro của cây trồng công nghệ sinh học đối với con người và môi trường”.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã thống nhất nhiều quan điểm về áp dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam. Trong đó, đặc biệt chú ý các biện pháp đánh giá, quản lý nguy cơ và rủi ro của cây trồng áp dụng công nghệ sinh học với môi trường, con người. Đồng thời, xây dựng hệ thống quản lý, sản xuất cây trồng biến đổi gen an toàn, hiệu quả và bền vững, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Năm 2018, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các loại nông sản ứng dụng công nghệ sinh học đang ngày càng trở nên phổ biến. Ấn Độ hiện là nước có tỉ lệ trồng bông biến đổi gen cao nhất khu vực này, cụ thể là 11,6 triệu héc-ta (chiếm 95% tổng sản lượng bông).

Ở Việt Nam trong khoảng 10 năm trở lại đây, cây trồng biến đổi gien nói chung, thực phẩm biến đổi gien nói riêng đang ngày càng phổ biến. Năm 2018 vừa qua, các giống ngô biến đổi gien trồng ở nước ta ước tính đạt 49 nghìn ha (chiếm 5% tổng sản lượng ngô).

Xuân Đoàn
Theo (Tạp chí KTMT)