Trong đợt hạn mặn cuối năm 2015 và đầu năm 2016, Long Phú là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất của Sóc Trăng, với hơn 4.700ha bị thiệt hại trên tổng số hơn 6.400ha lúa xuân hè được xuống giống, gây tổn thất lớn cho nông dân. Vì vậy, ngay sau khi được địa phương thông tin về mức độ nghiêm trọng hạn hán, xâm nhập mặn của mùa khô năm nay, ông Trịnh Thanh Hùng nông dân ở ấp Ngã Tư, xã Tân Thạnh, huyện Long Phú liền bỏ trống tất cả diện tích lúa của gia đình có nguy cơ bị ảnh hưởng, không sản xuất để tránh thiệt hại.
Sóc Trăng khẩn trương trữ ngọt ứng phó hạn mặn. |
Ông Hùng, nói: "Năm nay thực hiện kế hoạch, chỉ đạo của địa phương là không sản xuất lúa vụ 3, đại đa số người dân chấp hành sản xuất lúa 2 vụ để giảm sâu bệnh, tăng chất lượng lúa, gạo và có một vài hộ chuyển sang trồng dưa, trồng ớt...”.
Long Phú là một trong những địa phương có diện tích sản xuất lúa Xuân Hè lớn của tỉnh Sóc Trăng lên đến hàng ngàn ha. Đây cũng là địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng nặng bởi mặn xâm nhập. Những năm gần đây, áp lực tưới tiêu, rất nhiều hộ đã chuyển diện tích lúa sang trồng các loại cây khác. Mùa khô năm nay, xâm nhập mặn được dự báo là hết sức nghiêm trọng, huyện khuyến cáo nông dân không sản xuất lúa để hạn chế thiệt hại.
Ông Lâm Văn Vũ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Long Phú cho biết: "Phòng nông nghiệp có kế hoạch đề xuất gia cố bờ bao, cống đập để ngăn mặn, đảm bảo sản xuất cho bà con, thứ 2 tiếp tục tuyên truyền vận động người dân làm thủy lợi nội đồng, tôn cao bờ bao để ngăn mặn, dự trữ nước ngọt, thứ 3 rà soát lại các khu vực thường xuyên xảy ra hạn mặn có kế hoạch để phòng, chống, ứng phó và thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, thông báo kịp thời cho người dân để chủ động lấy nước bơm tưới phục vụ sản xuất".
Tránh thiệt hại do hạn mặn, Sóc Trăng khuyến cáo người dân sản xuất 2 vụ lúa ăn chắc. |
Ông Huỳnh Ngọc Vân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng phân tích, là địa phương giáp biển, Sóc Trăng phải chịu 2 tác động, đó là nước mặn xâm nhập và nước ngọt từ thượng nguồn về hạn chế. Do đó, tỉnh đã có bước chuẩn bị ứng phó với hạn mặn bằng cả hai giải pháp. Theo đó, đối với giải pháp công trình tập trung vận hành hệ thống cống, tích trữ nước ngọt, ngăn mặn; quản lý chặt chẽ nguồn nước trong giai đoạn hạn, mặn diễn biến gay gắt. Thường xuyên đo độ mặn để cảnh báo và thông tin kịp thời đến người dân. Riêng với giải pháp phi công trình, tập trung khuyến cáo người dân bằng việc chỉ sản xuất hai vụ lúa ăn chắc đối với những vùng có nguy cơ cao mặn xâm nhập.
Ông Huỳnh Ngọc Vân cho biết thêm: "Những vùng nào mặn có khả năng xâm nhập, vùng nào nguy cơ thì chúng tôi mỗi vùng có một cái giải pháp. Thí dụ như những vùng mà những năm bị thiệt hại do mặn thì chúng tôi khuyên bà con chuyển qua sản xuất hai vụ ăn chắc, những vùng mà nguy cơ cao thì chúng tôi khuyên bà con nên điều chỉnh lịch thời vụ để né mặn. Đồng thời chúng tôi đưa ra những giống chất lượng cao chống chịu được mặn để bà con sử dụng cho an toàn".
Nhờ chủ động xây dựng lịch xuống giống mùa vụ sớm hơn mà vụ Thu Đông 2019-2020 của tỉnh Sóc Trăng phát triển rất thuận lợi, đủ lượng nước ngọt trong sản xuất. Riêng vụ Đông Xuân thì toàn tỉnh đã xuống giống hơn 100.000ha; trong đó, tại khu vực vùng Dự án Long Phú - Tiếp Nhật có khoảng 34.000 ha và vùng hở Dự án Kế Sách khoảng 19.000ha có nguy cơ thiếu nước ngọt trong thời gian tới. Tuy nhiên, ngành chức năng đã lên kế hoạch để chủ động ứng phó, đảm bảo cho người dân có vụ sản xuất thành công.