Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với ThS.Phan Chí Hiếu – Phó Chủ tịch TƯ Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) về vấn đề này.
PV: Việc xóa bếp than tổ ong trong sinh hoạt (như nấu ăn hàng ngày) không quá khó, nhưng với những gia đình phải dựa vào nó để mưu sinh thì quả thực không dễ dàng. Liệu rằng việc cố thực hiện cho bằng được mục tiêu “khai tử” đúng hạn, có thể dẫn đến hệ lụy không, thưa ông?
- ThS.Phan Chí Hiếu: Theo số liệu của Sở TN&MT Hà Nội, đến tháng 6/2020, mỗi quận huyện vẫn còn tới gần vài nghìn chiếc bếp than tổ ong đang sử dụng. Hơn nữa, mùa đông sắp đến, nhu cầu đun nấu, giữ ấm tăng lên, thì việc giảm sử dụng loại bếp này lại càng khó. TP Hà Nội quyết tâm “khai tử” bếp than tổ ong ngay trong năm nay, song thực tế, không hề dễ dàng để xóa ngay được. Có tình trạng người dân vẫn lén lút sử dụng bếp than tổ ong, chỉ im ắng sau mỗi đợt kiểm tra rồi đâu lại vào đó. Điều này lại càng nguy hiểm, không xóa dứt điểm được.
ThS.Phan Chí Hiếu - Phó Chủ tịch TƯ Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE). |
Có thể thấy, chủ trương xóa bỏ bếp than tổ ong đến hết năm 2020 của thành phố là hoàn toàn đúng bởi đây là một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường, góp phần làm không khí Thủ đô thời gian qua lên đến mức ô nhiễm báo động, thuộc nhóm hàng đầu thế giới.
Với mức độ ô nhiễm của môi trường không khí ở đô thị ngày càng nghiêm trọng, những giải pháp mạnh tay để ngăn chặn hoặc giảm thiểu nguồn phát thải gây ô nhiễm là rất cần thiết và phải làm quyết liệt để đạt được mục tiêu đề ra.
Tôi cho rằng, để những quyết định đó đạt hiệu quả thực chất và bền vững, thay vì chỉ cố đạt tiến độ bằng mọi giá, chính quyền đô thị cần có những phương án thay thế, hướng dẫn cụ thể để người dân hiểu và đồng lòng thay đổi xóa bỏ bếp than tổ ong.
PV: Muốn chấm dứt sự tồn tại của khoảng 15.000 bếp than tổ ong còn lại thì chúng ta nên làm gì trong giai đoạn nước rút này để có thể “về đích” sớm, thưa ông?
- ThS.Phan Chí Hiếu: Để làm được điều đó đòi hỏi sự quyết tâm của chính quyền cơ sở trong việc tuyên truyền, xử lý hộ dân cố tình không chấp hành quy định của thành phố. Kèm theo đó là các giải pháp mềm dẻo, thích hợp để người dân dần thay đổi. Quan trọng nhất là người dân cần nâng cao nhận thức xóa bỏ bếp than tổ ong để chung tay bảo vệ môi trường Thủ đô và cũng là bảo vệ chính mình.
Hiện nay, rất nhiều hộ gia đình, hộ bán hàng ăn, trà đá trên các tuyến phố đã sử dụng bếp gas, bếp điện để đun nấu. Việc thay đổi thói quen này sẽ bớt đi hình ảnh nhem nhuốc và độc hại cho chính người sử dụng. Dù vậy, do các nguồn đốt này có chi phí rẻ, phù hợp với số đông người có thu nhập thấp nên họ vẫn chấp nhận sử dụng. Thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tới từng đối tượng cụ thể và chuẩn bị sẵn các kịch bản riêng mới hiệu quả.
Hàng nghìn người dân ở Hà Nội vẫn đang đun nấu và mưu sinh gắn với việc sử dụng bếp than tổ ong. (Ảnh minh họa) |
Đơn cử như mới đây, Phường Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nổi lên là một trong những “điểm sáng” về việc xóa bỏ sử dụng bếp than tổ ong. Phường có 50 hộ dùng than tổ ong, lãnh đạo Phường cử người trực tiếp xuống vận động 38 hộ về tác hại của khí than đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Hiểu ra vấn đề, bà con tự giác chấp hành. Còn 12 hộ chính sách còn lại, qua khảo sát thấy đời sống bà con thực sự khó khăn, cần có sự trợ giúp, Phường đã kêu gọi cộng đồng hỗ trợ, trích kinh phí mua bếp từ, bếp gas đổi lấy bếp than tổ ong cho các gia đình này.
Như vậy, có thể thấy nếu gần dân, sát dân, được người dân tin tưởng thì những việc khó đều có cách giải quyết hợp tình, hợp lý.
PV: Việc xử lý những chiếc bếp than không sử dụng nữa như là nguồn rác thải sẽ như thế nào?
- ThS.Phan Chí Hiếu: Các bếp than cũ bị đập bỏ, hoặc một số nơi có thể tái sử dụng làm thành các chậu hoa đặt tại trường học để học sinh nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, các bếp than cũ trước khi đưa ra bãi rác thì nên thu gom phần vỏ sắt làm sắt vụn, đập bỏ lớp vữa xi măng ở trong cùng. Còn lớp ở giữa là bông thủy tinh cần được thu gom và xử lý cẩn thận, vì loại bông thủy tinh này có khả năng khuếch tán trong môi trường không khí, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Khi tiếp xúc với bông thủy tinh, chúng ta có thể sẽ hít phải những sợ bông thủy tinh nhẹ bay trong không khí, đi sâu vào phổi hoặc tiếp xúc trực tiếp với bông thủy tinh gây kích ứng da.
Đến nay, việc xử lý loại “rác” này vẫn chưa có được phương án giải quyết triệt để. Đừng để bếp than cũ một lần nữa lại trở thành loại rác thải nguy hại khôn lường cho môi trường.
PV: Giải pháp tối ưu nào cho sự thay thế than tổ ong, thưa ông?
- ThS.Phan Chí Hiếu: Hiện nay, nhiều quốc gia đang nghiên cứu công nghệ tiên tiến trong kiểm soát phát thải ô nhiễm, đẩy mạnh quy trình sản xuất than sạch. Đây cũng là diễn đàn dành cho các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý và xây dựng chính sách về ô nhiễm không khí do hoạt động đốt than ở nước ta có thể chia sẻ kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm quản lý, đưa ra những ý tưởng khoa học nhằm hoạch định các chiến lược và phát triển công nghệ kiểm soát, giảm thiểu chất ô nhiễm...
Dừng đốt than để giảm thiểu ô nhiễm không khí, bảo vệ sức khỏe của gia đình, cộng đồng. (Ảnh minh họa) |
Một số quốc gia còn áp dụng các mô hình bếp cải tiến, viên nén nhiên liệu được phân phối tại các trạm xăng với mạng lưới rộng khắp nên người dân có thể mua rất thuận tiện, dễ dàng.
Ở nước ta, các chuyên gia kĩ thuật môi trường đang tính đến các loại bếp khí hóa sử dụng phụ phẩm nông nghiệp (như rơm rạ, trấu, lõi ngô...) khi vừa hạn chế được rác thải gây ô nhiễm môi trường, vừa cung cấp nhiên liệu để phục vụ nhu cầu đun nấu của người dân. Riêng trong khu vực nội thành, các loại bếp viên nén bằng vỏ bào, mùn cưa... sẽ có tính ứng dụng cao.
Để các loại bếp đun sạch, bếp cải tiến này được sử dụng rộng rãi hơn trong cộng đồng, ngoài công tác tuyên truyền, thành phố Hà Nội cần thực hiện các chương trình nghiên cứu, đánh giá bài bản về nồng độ phát thải, cũng như có giá thành sản phẩm phù hợp với mặt bằng chung, mở rộng mạng lưới cung ứng nhiên liệu, tạo sự thuận tiện cho người dân.
Thống kê của Sở TN&MT Hà Nội, 1 trong 9 nguồn khí độc gây bụi mịn PM2.5 và PM10 chính là khí từ bếp than tổ ong. Khi đốt than tổ ong sẽ phát sinh ra bụi (trong đó có bụi mịn PM2.5) và khí/hơi thải khác (CO2, CO, SO2, PAHs...). Những độc tố này không làm người sử dụng phát bệnh ngay lập tức mà sau thời gian dài mới mắc bệnh. Các chất ô nhiễm phát sinh từ quá trình đốt than tổ ong chủ yếu gây ra các bệnh về hô hấp, tim mạch và ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn. Người tham gia đốt than có thể phơi nhiễm với CO và PM2.5 thông qua 3 con đường là hít thở, tiếp xúc và tiêu hóa. Vì sự cấp thiết để bảo vệ môi trường và sức khỏe của người dân, Hà Nội đã phải ra chủ trương vào năm 2021 sẽ cấm toàn bộ bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ngoài ra, bếp than này khi được sử dụng trong không gian kín, trong nhà thì nồng độ phơi nhiễm chất độc hại từ than tổ ong tăng lên 7 - 10 lần. Đặc biệt, những người sử dụng than tổ ong có nguy cơ mắc ung thư khá ca |
Minh Phương (Thực hiện)