Hoàn thiện dự thảo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia

Thứ trưởng Bộ TN&MT đề nghị các đơn vị liên quan tiếp thu chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo chất lượng và thống nhất với quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch khác.
Cần có cách tiếp cận toàn cầu giải quyết thách thức về biến đổi khí hậu, đa dạng sinh họcLần đầu tiên Việt Nam nghiên cứu Chỉ số đa dạng sinh học đa chiềuĐa dạng sinh học: 'Chung tay xây dựng một tương lai cho mọi sự sống'UNESCO: Sáng kiến ​​'eDNA' giúp bảo tồn đa dạng sinh học

Đa dạng sinh học là cơ sở của sự sống, sự thịnh vượng và bền vững của loài người trên trái đất. Đa dạng sinh học mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người và đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc gia. Việt Nam là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học cao trên thế giới. Nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, Chính phủ Việt Nam đã ban hành hệ thống văn bản pháp luật và chính sách về bảo tồn đa dạng sinh học.

Bảo tồn đa dạng sinh học là một trong những nội dung được nhấn mạnh trong các văn bản của Đảng và Nhà nước. Nhà nước đã ban hành khung pháp lý tương đối đầy đủ liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học. Luật Đa dạng sinh học 2008 quy định việc lập quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước. Trong đó, thực hiện Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 09/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho các Bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 174/QĐ-TTg ngày 03/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp hội đồng thẩm định cấp Bộ nhiệm vụ Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hoàn thiện dự thảo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia tầm nhìn đến năm 2050 - Ảnh 1
Việt Nam là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học cao trên thế giới.

Theo đó, Dự thảo báo cáo quy hoạch sẽ tiến hành quy hoạch 257 khu bảo tồn, 13 hành lang đa dạng sinh học, 41 khu vực đa dạng sinh học cao, 23 cảnh quan sinh thái quan trọng, 11 vùng đất ngập nước quan trọng.

Dự thảo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia nhằm định hướng việc bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học trong thời gian tới; bảo đảm các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài và nguồn gen nguy cấp, quý hiếm được bảo tồn và phát triển bền vững; tăng cường hợp tác hiệu quả giữa các ngành trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Dự thảo Báo cáo Quy hoạch được xây dựng với quan điểm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; phù hợp với quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về đa dạng sinh học và pháp luật khác có liên quan; kết hợp hài hòa giữa bảo tồn với sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, chú trọng duy trì và phát triển các dịch vụ hệ sinh thái nhằm giảm tối đa mức độ suy thoái, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và phục vụ phát triển bền vững. Dự thảo cũng tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học ngoài phạm vi các khu bảo tồn thiên nhiên; áp dụng cách tiếp cận hệ sinh thái trong xây dựng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; huy động mọi nguồn lực của cộng đồng vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học; bảo đảm các nguyên tắc về chia sẻ công bằng, hài hòa lợi ích của các bên có liên quan.

Đáng chú ý, từ nay đến năm 2030, dự thảo Quy hoạch đặt mục tiêu mở rộng và nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên. Cụ thể, diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên đất liền đạt 9% diện tích lãnh thổ; diện tích các vùng biển, ven biển được bảo tồn đạt từ 3% diện tích vùng biển tự nhiên của quốc gia. Đồng thời, bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư; không có thêm loài hoang dã bị tuyệt chủng; các nguồn gen hoang dã và giống cây trồng, vật nuôi được lưu giữ và bảo tồn đạt mục tiêu thu thập, lưu giữ tối thiểu 100.000 nguồn gen.

Theo các chuyên gia, trong báo cáo cần thống nhất tên gọi giữa các vùng trong quy hoạch; cần làm rõ các điểm mới của quy hoạch so với quy hoạch trước đó; bổ sung phần đánh giá chung về công tác bảo tồn đa dạng sinh học, nêu rõ kết quả đạt được và hạn chế, nguyên nhân; bổ sung các tác động tích cực, có lợi khi quy hoạch bảo tồn đa dạng quốc gia; nêu rõ vai trò quan trọng khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia đã được quốc tế ghi nhận và cần có cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển các khu vực này. Đồng thời, cần rà soát lại, trích dẫn các số liệu mới nhất để đưa ra các dự báo; cần nhấn mạnh vai trò của chính quyền, địa phương và cộng đồng bản địa.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nhân ghi nhận và đánh giá cáo ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và yêu cầu Tổng cục Môi trường và đơn vị tư vấn tiếp thu chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo chất lượng, phù hợp và thống nhất với quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch khác liên quan.

Theo GS.TS Nguyễn Quảng Trường, Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (IEBR), thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên thông qua các chính sách, giải pháp cụ thể như thành lập hàng loạt khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển…. cũng như có một loạt các chương trình bảo vệ các loài voi, linh trưởng, rạn san hô.

Tuy nhiên chúng ta đang phải đối diện với nhiều thách thức suy giảm hệ sinh thái trước áp lực phát triển kinh tế, việc săn bắt, sử dụng trái phép động vật hoang dã và biến đổi khí hậu… Đáng lo ngại là mức độ đe doạ cũng tăng lên theo thời gian. Theo Sách đỏ năm 2007, số lượng các loài đe doạ tuyệt chủng có khoảng 900 loài nhưng hiện nay ước tính tăng lên khoảng 1200 loài. Trong đó có một số loài chính thức bị tuyệt chủng như tê giác một sừng.

Lan Anh

Lan Anh