Lần đầu tiên Việt Nam nghiên cứu Chỉ số đa dạng sinh học đa chiều

Chỉ số đa dạng sinh học của Việt Nam sẽ góp phần giúp dự án toàn cầu phát triển phương pháp đo lường có thể áp dụng rộng rãi với nhiều quốc gia khác. Đồng thời đưa ra các quyết định cắt giảm các mối đe dọa từ hoạt động kinh doanh lên đa dạng sinh học.
Đa dạng sinh học: 'Chung tay xây dựng một tương lai cho mọi sự sống'UNESCO: Sáng kiến ​​'eDNA' giúp bảo tồn đa dạng sinh họcThế giới cam kết tài trợ nhiều hơn cho bảo tồn đa dạng sinh họcChuyển đổi khám phá và giám sát đa dạng sinh học biển

Mới đây, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Hội thảo tham vấn các bên liên quan về hoạt động thí điểm nghiên cứu xây dựng Chỉ số đa dạng sinh học đa chiều cho Việt Nam.

Có thể thấy lần đầu tiên, chỉ số đo lường một cách toàn diện các khía cạnh cốt lõi của đa dạng sinh học, bao gồm hiện trạng đa dạng sinh học và đóng góp của đa dạng sinh học cho con người được đưa vào nghiên cứu xây dựng tại Việt Nam.

Được biết, suy thoái đa dạng sinh học hiện vẫn đang là một thách thức lớn, mặc dù Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực để giải quyết vấn đề này thông qua nỗ lực thực hiện các cam kết với quốc tế, xây dựng và thực thi các văn bản pháp luật, chính sách, chiến lược quốc gia và các dự án nghiên cứu khoa học. Tuy vậy, bài toán cần phải làm gì để làm chậm lại quá trình mất đa dạng sinh học hiện vẫn chưa có lời giải, một phần là do tính chất phức tạp và sự liên quan của đa dạng sinh học đến nhiều thành phần, lĩnh vực kinh tế, môi trường, xã hội và sức khỏe của con người.

Lần đầu tiên Chỉ số đa dạng sinh học đa chiều được nghiên cứu xây dựng tại Việt Nam - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Trên cơ sở đó, giải quyết sự thiếu thống nhất trong nhận thức và thu hút được sự quan tâm đúng mức của các nhà hoạch định chính sách, cá nhân và tổ chức trong các hoạt động bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học đang rất cần một chỉ số tổng thể để cung cấp một bức tranh toàn cảnh về nhiều khía cạnh khác nhau của đa dạng sinh học, bao gồm hiện trạng đa dạng sinh học và đóng góp của đa dạng sinh học cho con người. Việc phát triển chỉ số này cũng được kỳ vọng đóng vai trò như một thước đo giúp các nhà hoạch định chính sách đo lường mục tiêu sống hài hòa với thiên nhiên của con người. Đặc biệt trong bối cảnh mọi nỗ lực đang được thực hiện để thực thi Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu Việt Nam sẽ cơ bản đầy lùi mất đa dạng sinh học để phát triển bền vững vào năm 2030.

Theo TS Khưu Thùy Dương, Quản lý hoạt động nghiên cứu xây dựng chỉ số đa dạng sinh học (đa dạng sinh học) đa chiều tại Việt Nam thuộc WWF-Việt Nam, hiện nay, các khung chính sách về đa dạng sinh học dựa vào nhiều chỉ số để đo lường hiện trạng đa dạng sinh học nhưng những chỉ số này chưa phản ánh được đầy đủ các khía cạnh của đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, chưa chỉ ra được mối tương quan giữa đa dạng sinh học và con người, cũng như mối liên kết giữa bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững.

Vì vậy, theo TS Dương, "Để làm rõ hơn vai trò quan trọng của đa dạng sinh học và đóng góp của đa dạng sinh học đối với phát triển bền vững, chúng ta cần đánh giá đa dạng sinh học dựa trên trên bối cảnh sinh thái, xã hội và kinh tế của từng quốc gia để đo lường hiện trạng đa dạng sinh học, cũng như những đóng góp của đa dạng sinh học đối với con người. Từ đó, mới có thể thu hút sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách và lồng ghép vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học vào các chính sách quốc gia, nhằm huy động sự tham gia của toàn xã hội cùng hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững".

Cùng với đó, sự đa dạng về thành phần các nước tham dự sẽ giúp nhận biết khung chỉ số đa dạng sinh học đa chiều có thể đáp ứng và đại diện cho các bối cảnh sinh thái, xã hội và kinh tế khác nhau ở mức độ như thế nào, từ đó sẽ tiếp tục được điều chỉnh và sử dụng trong bất kỳ lĩnh vực đánh giá nào trong tương lai.

Đặc biệt là ở Việt Nam, quốc gia có tăng trưởng kinh tế nhanh, nhưng trong thập kỷ tới sẽ phải đối mặt với thách thức về việc cân bằng lại nhu cầu gia tăng của con người về của cải, vật chất liên quan đến đa dạng sinh học, cách sử dụng tài nguyên bền vững để đảm bảo nguồn cung cho tương lai.

"Chỉ số đa dạng sinh học đa chiều có thể là một công cụ quan trọng giúp các nhà hoạch định chính sách nhận biết những chi phí về mặt sinh thái và xã hội của việc không hành động để bảo tồn đa dạng sinh học”, TS Carolina A. Soto-Navarro, Quản lý Dự án thuộc UNEP-WCMC cho hay.

Phát biểu tại Hội thảo, TS Kim Thị Thúy Ngọc, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết: “Sau khi hoàn thành xây dựng, chỉ số này sẽ cung cấp thông tin về hiện trạng đa dạng sinh học và mối liên quan giữa đa dạng sinh học và con người, từ đó đánh giá được tính hiệu quả của các chính sách về đa dạng sinh học và bảo tồn đa dạng sinh học và đảm bảo cân bằng trong phát triển kinh tế và bảo tồn đa dạng sinh học ở cấp quốc gia và địa phương.”

Đặc biệt, chỉ số đa dạng sinh học của Việt Nam sẽ góp phần giúp dự án toàn cầu phát triển phương pháp đo lường đa dạng sinh học có thể áp dụng rộng rãi với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Chỉ số cũng giúp xác định cơ hội cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước nhận biết họ đang ở đâu, có thể đóng góp gì và chịu trách nhiệm như thế nào đối với hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, cũng như đưa ra các quyết định cắt giảm các mối đe dọa từ hoạt động kinh doanh lên đa dạng sinh học.

Việt Nam là một trong 16 quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới, và cũng là quốc gia thứ 2 trong khu vực Đông Á về số lượng các loài bị đe dọa tuyệt chủng.

Với chủ đề “Xây dựng một tương lai chung cho mọi sự sống”, Ngày quốc tế Đa dạng sinh học (22/5) năm nay được Liên hợp quốc (UN) phát động nhằm hướng đến việc tạo động lực và hỗ trợ cho khung đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020 sẽ được thông qua tại phần hội Hội nghị Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc (COP15) vào cuối năm nay. Đồng thời, nâng cao tầm quan trọng việc cùng hành động xây dựng một tương lai chung, áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực, hướng tới mục tiêu toàn cầu đến năm 2050 là “Sống hài hòa với thiên nhiên”.

Lan Anh

Xem thêm

Liên kết