Ngày 16/5, dự án "hồi sinh" sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản chính thức được khởi động. Chuyên gia Nhật Bản cho rằng, với công nghệ này chỉ sau 3 ngày mùi hôi thối của sông Tô Lịch sẽ giảm và sau vài tháng dòng sông này sẽ "hồi sinh".
Đánh giá về tính khả thi và triển vọng của dự án "giải cứu" sông Tô Lịch, PGS.TS Trương Mạnh Tiến -nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có những chia sẻ thẳng thắn: "Chúng ta phải đánh giá cao và rất cảm ơn các bạn Nhật Bản đã chung tay cùng Việt Nam giải quyết tình trạng ô nhiễm nặng của sông Tô Lịch. Thực tế là giải pháp công nghệ phía Nhật Bản đưa ra đã được áp dụng thành công tại một số nơi".
Theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến, đoạn sông được lắp đặt máy chạy công nghệ Nano - Bioreactor chắc chắn có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, về lâu dài, để có thể làm sạch toàn bộ sông Tô Lịch thì sẽ rất khó.
"Sông Tô Lịch dài hơn 14km, tình trạng ô nhiễm diễn ra nhiều năm và đã ở mức độ rất báo động. Kỳ vọng có thể sớm xử lý ô nhiễm trên toàn dòng sông là một bài toán khó" - PGS.TS Tiến nhấn manh.
PGS.TS Trương Mạnh Tiến nhấn mạnh cần phải giải quyết vấn đề xả thải ở sông Tô Lịch |
Cũng theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến, nguồn gốc gây ô nhiễm trên sông Tô Lịch là hệ thống nước xả đang hằng ngày xả thải trực tiếp ra sông mà không có xử lý ban đầu.
Hiện, có khoảng 300 cống xả dọc theo dòng sông, hằng ngày ước tính sông Tô Lịch phải nhận 150.000 m3/ngày, đêm. Trong số đó, không chỉ có nước thải sinh hoạt, thậm chí có cả nước xả công nghiệp ở một số làng nghề hoặc hộ sản xuất nhỏ lẻ.
PGS.TS Trương Mạnh Tiến cho rằng, khi chưa có giải pháp đồng bộ để xử lý nguồn nước trước khi xả ra sông, thì việc giải bài toán ô nhiễm sông Tô Lịch một cách triệt để gần như là "bất khả thi".
Để xử lý hoàn toàn tình trạng ô nhiễm trên sông Tô Lịch, quan trọng nhất là các giải pháp xử lý nguồn nước trước ống (nước xả thải trước khi đổ vào các cống xả ra môi trường). Chỉ cần các nguồn xả này có thể đạt được mức độ B (nước dùng cho nuôi trồng, tưới tiêu) ở giai đoạn trước ống thì tình trạng ô nhiễm sẽ được giải quyết.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/5, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đánh giá giải pháp của Nhật Bản chỉ là tạm thời. Bởi theo ông, nguồn ô nhiễm ở sông Tô Lịch vẫn là việc nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp, nên muốn giải quyết triệt để phải xử lý tận gốc vấn đề nước thải này. Ông Lê Công Thành cho biết, đây mới là đề xuất thử nghiệm nên cần chờ kết quả xem mức độ hiệu quả ra sao, sau đó mới quyết định. Chúng ta vẫn cần phải có giải pháp căn cơ cho việc ô nhiễm ở con sông này. |
"Ở một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc đã xây dựng bể chứa xử lý nước thải tập trung trước khi xả thải, ở Việt Nam cũng đã có dự án tương tự. Nếu có thể thực hiện dự án này, gốc của vấn đề ô nhiễm trên sông Tô Lịch nói riêng và các kênh, mương có vai trò thoát nước ở Hà nội như sông Sét, sông Kim Ngưu… nói chung cũng sẽ được giải quyết" - PGS.TS Trương Mạnh Tiến nói.
GS.TS.NGND Trần Hiếu Nhuệ. |
Đồng quan điểm, GS.TS.NGND Trần Hiếu Nhuệ - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cũng đánh giá cao giải pháp công nghệ Nano - Bioreactor của Nhật Bản. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng để làm sạch sông Tô Lịch cần nhiều hơn thế.
GS Nhuệ cho biết: "Trước hết phải khẳng định là công nghệ của Nhật rất tốt. Đây giống như là nhà máy lọc ngay dưới lòng sông".
Tuy nhiên, GS Nhuệ cũng lưu ý về những vấn đề có thể phát sinh trong dự án "hồi sinh" sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản. Để áp dụng dự án này trên toàn dòng sông, phải tính đến số lượng máy cần thiết, lượng điện cần thiết để hoạt động. Đấy là vấn đề kinh tế. Còn về vấn đề công nghệ, phải có một đội ngũ duy trì, bảo dưỡng. Hệ thống có thể chạy ổn định, lâu dài như thế nào, ta phải tính đến.
GS Trần Hiếu Nhuệ nói thêm: "Máy móc, công nghệ của các bạn Nhật đã mang đến một giải pháp có tính thời điểm, nhưng ko được ỷ lại mà bỏ qua các giải pháp lâu dài và bền vững.
"Xây dựng hệ thống cống ngầm, đưa nước thải tập trung về nhà máy xử lý nước. Đó là các giải pháp lâu bền để làm sạch sông Tô Lịch" - GS Trần Hiếu Nhuệ nhấn mạnh.
Một ngày sau khi công nghệ Nano - Bioreactor được đưa xuống sông Tô Lịch, theo ghi nhận của PV, 4 chiếc máy sục khí vẫn hoạt động và sục lên bọt trắng trên sông. Anh Đào Hải Minh - người dân ở gần đoạn sông này cho biết, màu đen của nước sông chưa có nhiều chuyển biến nhưng mùi hôi thối đã đỡ rất nhiều. Anh Minh vẫn tỏ ý ngần ngại về dự án này: "Tôi nghĩ sẽ khó đạt được kỳ vọng khi mà nước xả, rác thải vẫn hằng ngày tuôn ra sông". |