Lấy nước sông Hồng làm sạch sông Tô Lịch liệu có khả thi?

Sông Tô Lịch từ nhiều năm nay luôn trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, bốc mùi hôi thối, là điểm đen về ô nhiễm. Mới đây, công ty thoát nước Hà Nội xây dựng phương án điều tiết nước từ hồ Tây qua hai cửa xả để cải thiện nguồn nước sông Tô Lịch, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia môi trường, vấn đề này cần phải xem xét kỹ lưỡng.
Hà Nội phải ưu tiên giải quyết môi trường ở hồ, ao, sông ngòiNăm mới người Hà Nội mong sông Tô Lịch sẽ được hồi sinhHồi sinh sông Tô Lịch: Cần những biện pháp dài hơi

Ông Bùi Ngọc Uyên – Phòng Đối ngoại Truyền thông (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) cho biết, công ty đã xây dựng dự án “Đầu tư xây dựng trạm bơm bổ cập nước Hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch” và trình UBND TP Hà Nội.

Theo đề xuất, công ty sẽ xây dựng trạm bơm chìm với công suất cấp nước 156.000 m3/ngày đêm, bơm nước sông Hồng vào hồ Tây tạo lưu thông, đến khi hồ Tây sạch thì dẫn nước từ hồ vào hai cửa xả trên phố Trích Sài và đường Lạc Long Quân đến sông Tô Lịch để làm sạch nguồn nước ô nhiễm của sông.

lay nuoc song hong lam sach song to lich lieu co kha thi

Công nhân vớt rác tại sông Tô Lịch.

Đánh giá về đề xuất trên, GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, đề xuất này không giải quyết được tận gốc vấn đề. Theo ông Võ, việc lấy nước sạch để thau rửa sông Tô Lịch về kỹ thuật thì không khó, tuy nhiên, chỉ giải quyết được phần ngọn, vì nguồn gốc ô nhiễm là nước thải sinh hoạt đổ vào con sông này.

“Để giải quyết tận gốc vấn đề phải thu gom được nguồn nước thải sinh hoạt thành đường riêng, đưa về trạm xử lý, vì hiện nay, cơ bản nước thải sinh hoạt của người dân, quán xá vẫn xả thẳng ra sông. Chưa kể, nhiều nơi họp chợ, người dân thiếu ý thức vứt rác thẳng xuống sông. Do đó, việc làm sạch sông Tô Lịch phải tính làm từ gốc đã, làm sao cho sông hết ô nhiễm, mới tính đến phương án thau rửa. Nếu chỉ thau rửa nước bề mặt không thôi thì chỉ vài ngày, vài tuần sau, tình trạng ô nhiễm sẽ tiếp tục tái diễn” – GS Đặng Hùng Võ cho hay.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Trương Mạnh Tiến – Chủ tịch Câu lạc bộ Hồ Hà Nội cho rằng, muốn làm sạch sông Tô Lịch cần có giải pháp mang tính chất tổng thể, toàn diện.

“Chính quyền Hà Nội đã nhận ra vấn đề và có những nỗ lực nhất định tập trung kinh phí, nhưng chỉ như muối bỏ bể. Cơ quan chức năng cố gắng kè hồ, cải tạo dòng sông Tô Lịch, nhưng chưa nói đến việc ngăn nước thải xuống sông… Vì vậy, dù bằng công nghệ gì, quan trọng nhất vẫn là xử lý nước thải từ nguồn, không cho nước thải tiếp tục bổ cập vào sông mới giải quyết được tận gốc vấn đề ô nhiễm” – ông Tiến đề xuất.

Theo Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội, do chưa có hệ thống thu gom nước thải dọc tuyến sông Tô Lịch, nên toàn bộ nước thải sinh hoạt (hơn 150.000 m3/ngày đêm) chưa qua xử lý đổ thẳng vào sông. Mặc dù được cải tạo, nạo vét và kè bờ đều đặn hàng năm, tình trạng ô nhiễm của sông Tô Lịch vẫn được đánh giá là nghiêm trọng với nồng độ các chất ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép.
Phúc Lâm
Theo Báo Tin tức