Tổng cục Thống kê vừa công bố Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2022. Theo đó, tính chung 10 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 2.357,2 nghìn lượt người, gấp 18,8 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 83,7% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Riêng trong tháng 10, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 484,4 nghìn lượt người, tăng 12,1% so với tháng trước và gấp 45,9 lần so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại.
Hàn Quốc vẫn là thị trường cung cấp lượng khách du lịch lớn nhất tới Việt Nam với 130.185 người, tăng 5.665,1% so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp theo là thị trường Mỹ với 41.568 lượt người. Khách đến từ các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Campuchia, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines vẫn duy trì mức tăng trưởng đều, trong đó khách đến từ Thái Lan cao nhất, ước đạt 31.650 lượt người.
Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Ấn Độ là một trong 10 quốc gia có lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam lớn nhất từ đầu năm đến nay. Trong đó lượng tìm kiếm về hàng không đầu tháng 4/2022 tăng 400% so với cùng kỳ và tiếp tục tăng đột biến trên 3.000% vào tháng 5. Đây thật sự là "cơ hội vàng" để Việt Nam khai thác thị trường đầy tiềm năng này.
Bên cạnh đó, tín hiệu khả quan của lượng khách quốc tế đến là nhờ việc Việt Nam đã mở cửa du lịch hoàn toàn, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại 10 tháng năm 2022.
Trong tổng số hơn 2,35 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam 10 tháng đầu năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt 2,09 triệu lượt, chiếm 88,8% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 24,9 lần so với cùng kỳ năm trước, bằng đường bộ khoảng 262.000 lượt người, chiếm gần 11,2% và gấp 6,5 lần, bằng đường biển có 745 lượt người, chiếm 0,03% và tăng 49,3%.
Báo cáo của Tổng cục thống kê cũng cho thấy, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 10 tháng năm 2022 ước đạt 467,1 nghìn tỷ đồng, tăng 51,8% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có mức tăng mạnh gồm Cần Thơ tăng 126,1%; TP.HCM tăng 110,8%; Đồng Nai và Đà Nẵng cùng tăng 78%; Hà Nội tăng 55,3%; Quảng Ninh tăng 48,2%.
Doanh thu du lịch lữ hành 10 tháng năm 2022 ước đạt 19,7 nghìn tỷ đồng, gấp 3,9 lần so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương có doanh thu du lịch tăng cao gồm: Đà Nẵng tăng 741,4%; Cần Thơ tăng 647,4%; Hà Nội tăng 365%; Hải Phòng tăng 236%; TP.HCM tăng 173,6%; Quảng Ninh tăng 47,7%.
Cũng trong tháng 10, hoạt động vận tải tăng trưởng tích cực cả về vận tải hành khách và hàng hóa so với cùng kỳ năm trước, trong đó vận chuyển hành khách gấp 2,7 lần và luân chuyển hành khách gấp 3,8 lần; vận chuyển hàng hóa tăng 32,9% và luân chuyển hàng hóa tăng 40,1%.
Tính chung 10 tháng năm 2022, vận chuyển hành khách tăng 44,9% và luân chuyển tăng 68,8% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 23,7% và luân chuyển tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo dự báo của VnDirect, lượng khách quốc tế của Việt Nam có thể phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch trong năm 2024 (bằng 105,2% mức 2019) và có thể đạt 118,9% mức 2019 trong năm 2025.
Hiện có hơn 30 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam đang khai thác 96 đường bay quốc tế kết nối Việt Nam với 21 quốc gia/vùng lãnh thổ. Trong 9 tháng năm 2022, Hàn Quốc là quốc gia có lượng khách du lịch đến Việt Nam cao nhất với mức tăng gấp 21 lần, tiếp theo là Mỹ và các nước Đông Nam Á.
Trong kịch bản cơ sở, hàng không giữa Việt Nam và Đông Nam Á sẽ phục hồi mạnh mẽ từ quý 3 năm 2022 do xúc tiến du lịch đã được triển khai, tiếp theo là Hàn Quốc, Châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Ấn Độ trong quý 4 năm 2022. Quảng bá du lịch Đài Loan và Nga có thể được thực hiện trong quý 1 năm 2023 Quảng bá du lịch Trung Quốc có thể được thực hiện trong quý 3 năm 2023.
Lan Anh