Cách trung tâm TP. Huế chừng 5 km về phía Tây, được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 11 (1830) và là một bộ phận cấu thành của quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới từ năm 1993, khu di tích Hổ Quyền - Voi Ré tọa lạc trên vùng đồi Long Thọ, phường Thủy Biều. Đây được xem là công trình “độc nhất vô nhị”, bởi đến nay có lẽ cả châu Á còn trường đấu hổ duy nhất ở Việt Nam.
Di tích Hổ Quyền hiện tại nhìn từ bên ngoài |
Hổ Quyền được dùng để tổ chức những trận tử chiến giữa voi và hổ cho nhà vua, đình thần và dân chúng xem; đồng thời luyện tập cho voi quen với không khí chiến đấu lúc lâm trận. Đây là một công trình lộ thiên hình vành khăn có kiến trúc hoành tráng thời bấy giờ. Vòng thành trong cao 5,9 m; vòng thành ngoài cao 4,75 m. Chu vi tường ngoài Hổ Quyền là 145 m, đường kính lòng chảo là 44 m. Vật liệu xây dựng bằng gạch vồ, đá thanh và vôi vữa tốt. Trận đấu cuối cùng tại Hổ quyền diễn ra vào năm 1904 dưới thời vua Thành Thái. Kể từ đó, đấu trường không còn hoạt động và bị bỏ hoang cho đến ngày nay.
Sau khi có chuyến kiểm tra thực tế và nghe báo cáo đề xuất của UBND TP. Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Phan Ngọc Thọ thống nhất phạm vi giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án chỉnh trang đến khoanh vùng 2 bảo vệ di tích; trước mắt ưu tiên khẩn trương tổ chức giải tỏa nhà dân nằm tiếp giáp vị trí Hổ Quyền. Giao UBND TP. Huế phối hợp Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức thực hiện, đảm bảo hoàn thành và chỉnh trang khu vực trước Festival Huế diễn ra vào cuối tháng 8. Bên cạnh đó, có phương án nghiên cứu tái tạo hình ảnh đấu trường bằng giải pháp công nghệ để phục vụ du khách.
Lãnh đạo Thừa Thiên Huế kiểm tra đấu trường hổ. |
Đối với tuyến đường vào di tích hướng chính là đường Bùi Thị Xuân có quy mô mặt cắt đường đảm bảo đủ 2 làn xe, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất mở không gian kết nối từ đường Huyền Trân Công chúa đến di tích nhằm phục vụ nhu cầu bãi đổ xe, các dịch vụ phụ trợ đi kèm và dành quỹ đất tái định cư cho phạm vi dự án giải phóng mặt bằng.
Phối cảnh Hổ Quyền sau khi hoàn thành công tác bảo tồn. |
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu đường vào Hổ Quyền – Voi Ré phải là đường đi bộ, có khoảng cách các bãi đổ xe vào cụm di tích khoảng 300-400m, thuận tiện cho việc di chuyển cũng như tham quan của du khách.
Được biết thời gian qua, Hồ Quyền đã được trùng tu và phục hồi với nhiều hạng mục. Việc khai thác có hiệu quả di tích này sẽ phát huy được các giá trị văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh, thể hiện sự quan tâm của chính quyền đối với các giá trị di sản, làm hồi sinh một di tích có ý nghĩa rất lớn về văn hóa, kiến trúc và lịch sử, góp phần làm phong phú thêm cho quần thể di tích Cố đô Huế...