Trong một thời gian dài phát triển công nghiệp, nhiều nước phương Tây đã phải trả giá đắt cho sự thái quá của mình: Môi trường sống bị tàn phá do công nghiệp hóa, đô thị hóa.
Nhưng thật may, họ đã kịp thời tỉnh ngộ, hướng đến một cuộc sống bền vững, gắn bó, hài hòa với thiên nhiên hơn. Các công trình xây dựng xanh, đô thị xanh xuất hiện ngày một nhiều. Công nghệ mới tiết kiệm năng lượng theo đó được đầu tư nghiên cứu và sản xuất. Nhiều nước, các dạng năng lượng bền vững, tái tạo và bảo vệ môi trường được chú trọng đặc biệt như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, sóng biển, năng lượng tái sinh từ rác thải…
Trong công cuộc phát triển ấy, rất nhiều nước đi sau cũng “tự rút ra bài học” để tránh những hệ lụy. Thế nhưng, với Việt Nam, trong khi chúng ta chưa định hình, xây dựng một nền công nghiệp hiện đại cho rõ hình hài thì các quốc gia khác đã nhanh chóng rẽ lối đi khác theo hướng bền vững, hài hòa hơn.
Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam có thế mạnh là nguồn cung khối lượng lớn cái ăn, cái mặc và một phần cái ở… cho cả thế giới, nhưng còn ở mức độ “thô”, giá trị và hiệu quả thấp. Ngành du lịch cũng có bước phát triển ấn tượng nhưng còn ở mức độ “sơ khai”. Không phải chỉ dừng lại ở việc đếm có bao nhiêu khách đến mà là bài toán căn cơ mỗi khách đến tiêu bao nhiêu tiền và lần sau họ có đến nữa không? Cần đầu tư chiều sâu các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch nghỉ dưỡng kết hợp làm đẹp, chữa bệnh, mua sắm các sản vật đặc sắc và các sản phẩm thời trang của Việt Nam.
Những ngành sản xuất đang lớn mạnh như may mặc, giày dép, trang trí nội thất, cần phải chuyển mạnh từ vị thế gia công sang vị thế người chủ sáng tạo, sản xuất và bán sản phẩm thời trang, bán sự sành điệu.
Ngành nông sản và thủy sản cần phát triển những sản phẩm đặc sản (kể cả sản phẩm tươi sống và sản phẩm chế biến tinh) có đặc tính hoàn toàn tự nhiên, an toàn và tốt cho sức khỏe, những sản phẩm như vậy có giá trị thương mại rất cao trên thị trường trong nước và quốc tế.
Song song với việc xây dựng các ngành sản xuất xanh, dịch vụ xanh là một hệ thống đồng bộ nghiên cứu thị trường, quảng bá, tiếp thị, bán hàng trên khắp thế giới, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia dựa trên chuỗi giá trị này và tạo ra hiệu ứng hình ảnh bùng nổ toàn cầu về các giá trị xanh hấp dẫn, độc đáo của Việt Nam trong thời đại mới.
Đã có nhà nghiên cứu chỉ ra rằng: Xu hướng tương lai của người tiêu dùng toàn cầu là chăm sóc sức khỏe, ăn sạch, ở sạch, được sống trong môi trường trong lành và an ninh. Xu hướng tiêu dùng cũng chính là xu hướng của nền kinh tế vì phát triển kinh tế để phục vụ nhu cầu của con người. Điều đó trùng với quan điểm phát triển nền kinh tế xanh dựa trên rất nhiều lợi thế của Việt Nam.
Chúng ta không thể ào ạt lấy đất nông nghiệp làm khu đô thị, chia rừng, chia mặt biển làm khu nghỉ dưỡng, làm resort; dùng tiền ngân sách ào ạt nhập công nghệ mới trên giấy mà thực chất lại là những công nghệ cũ, lạc hậu, biến đất nước thành một “bãi rác công nghệ” cho cả thế giới. Chúng ta không thể sống xanh khi những lựa chọn, quyết định chỉ nhăm nhe cho lợi ích cá nhân hay một vài nhóm lợi ích nào khác! Bài học về những khu đô thị với nhà cao tầng san sát lơ thơ mảng xanh, những bãi biển bị khoanh vùng chia lô… vẫn còn đó.
Chúng ta không nên tốn tiền lao vào cuộc tranh giành lợi thế với ai, chỉ cần đầu tư đúng các lợi thế riêng sẽ tạo được thay đổi rất lớn cho đất nước. Bởi lẽ, các dự án công nghiệp nặng, công nghiệp chế tạo, xây dựng công nghiệp phụ trợ để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu… là cuộc đua rất tốn kém, mệt mỏi, để lại hậu quả khó lường về môi trường, và không tạo được lợi thế so sánh lâu dài.