Chính phủ luôn kịp thời đưa ra các biện pháp phòng chống dịch, hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát. |
Chống dịch và ổn định nền kinh tế là hai nhiệm vụ trọng tâm vô cùng quan trọng ở hiện tại và ưu tiên hàng đầu trong mọi “sách lược” mà Chính phủ đề ra kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam.
Quan điểm được quán triệt sâu sắc từ Quốc hội, Chính phủ đến các cấp, ngành, địa phương là “chống dịch như chống giặc”, không quá lo lắng nhưng tuyệt đối không lơ là, chủ quan, trong đó, quân đội cần tiếp tục có kế hoạch chủ động ứng phó với khả năng dịch có thể bùng phát mạnh hơn.
Để ứng phó với đại dịch bất ngờ ập đến, mỗi quốc gia có những đối sách riêng. Việt Nam đã lựa chọn chiến lược phù hợp với hoàn cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Thủ tướng Chính phủ đã nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với thông điệp giữ vững tinh thần “chống dịch như chống giặc”; “sẵn sàng hi sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất sức khỏe và tính mạng của nhân dân”.
Ngày 7/3, Việt Nam xác nhận ca nhiễm Covid-19 thứ 17 trở về từ châu Âu có liên quan tới ổ dịch lớn Lambardy (Italy) nơi số ca nhiễm ngang ngửa Trung Quốc, và vượt số ca tử vong. Ngay trong đêm, Hà Nội đã phong toả, cách ly cả phố Trúc Bạch, xác lập phạm vi cách ly tập trung toàn bộ người tiếp xúc trực tiếp (F1), cách ly tại nhà người tiếp xúc gần F1 (F2-3)… Việc cách ly được thực hiện cẩn trọng, quyết tâm không bỏ lọt mầm bệnh, cũng như đảm bảo chăm sóc y tế, thực phẩm đầy đủ cho người bị cách ly, tạo niềm tin, tránh hoang mang cho người dân.
Những ngày sau đó Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quay cuồng chống dịch khi số ca nhiễm tăng liên tục ở Hà Nội, TP.HCM, Ninh Thuận… chủ yếu liên quan đến các chuyến bay từ châu Âu. Một chiến dịch truy tìm, cách ly diện rộng với toàn bộ hành khách trên chuyến bay có ca bệnh, sàng lọc và cách ly ngay tại sân bay, để khoanh vùng tránh lây lan ra cộng đồng.
Trước dòng người hồi hương về tránh dịch, những chuyến bay cuối cùng vẫn được triển khai để đón công dân về nước, viện trợ vật tư y tế hỗ trợ nước bạn chống dịch… Đặc biệt, Chính phủ tuyên bố xét nghiệm, điều trị miễn phí cho công dân Việt Nam dù điều kiện y tế, nguồn lực còn hạn chế, đã thể hiện tinh thần, trách nhiệm đề cao sức khoẻ con người.
Dự lường những ảnh hưởng, thiệt hại nghiệm trọng nếu để dịch bùng phát như ở châu Âu, hay Vũ Hán, Daegu, Việt Nam đã thực thi những biện pháp chống dịch chưa từng có, dù tác động ngay lập tức đến kinh tế. Cụ thể, Việt Nam ngừng cấp thị thực cho người nước ngoài trong 1 tháng, ngưng tất cả chuyến bay quốc tế đến hết ngày 30/4 để kiểm soát dịch; sau đó dừng bay tất cả các hãng bay nội địa khi số ca nhiễm vượt 134 người. Những điểm kinh doanh, hàng quán, khu vui chơi lớn, bar… đồng loạt đóng cửa từ ngày 24/3…
Điều này đồng nghĩa các doanh nghiệp hàng không, du lịch, khách sạn, nhà hàng gần như “đóng băng”, hộ kinh doanh sẽ có những ngày dài không doanh thu, nhân viên nghỉ việc, giảm lương. Con số thiệt hại của ngành hàng không ước tính lên tới 30 nghìn tỉ đồng, còn du lịch sẽ bị ảnh hưởng tới 7 tỉ USD. Trải qua 2 tháng dịch bệnh, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 16,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động sản xuất, kinh doanh bị gián đoạn, do phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu, tiêu thụ vào thị trường Trung Quốc – “ổ dịch Covid-19” lớn nhất thế giới, cũng đang đình trệ sản xuất.
Song tất cả người dân, doanh nghiệp đều đồng thuận, chia sẻ với Chính phủ trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh.
Những biện pháp mạnh tay, quyết liệt lúc này là cần thiết để kiểm soát tình hình, bởi sự chủ quan, lây nhiễm rộng sẽ có thể dẫn tới “vỡ trận” như ở Italy, Mỹ, Tây Ban Nha… Từ vài trường hợp bệnh nhân “siêu lây nhiễm” như số 17, số 34 có thể trở thành ổ dịch nguy hiểm.
“Dịch bệnh làm khó khăn gấp đôi, chúng ta cần cố gắng gấp ba”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chỉ đạo các Bộ ngành, cơ quan liên quan để có chương trình tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp một cách toàn diện, có chọn lọc, không cào bằng, không dàn đều.
Bám sát diễn biến dịch bệnh trên thế giới, Chính phủ đã liên tục đưa ra những chiến lược, giải pháp ứng phó kịp thời nhằm “giải cứu” doanh nghiệp, giúp duy trì tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô. Ngày 4/3, Chính phủ ban hành Chỉ thị 11 về giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội với trọng tâm là gói tín dụng 250.000 tỉ đồng và gói hỗ trợ tài khoá 30.000 tỉ đồng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo đó, ngân hàng kịp thời bố trí nguồn vốn, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp khó khăn do dịch. Báo cáo cho thấy, các tổ chức tín dụng đã hỗ trợ cho trên 44.000 khách hàng với dư nợ khoảng 222.000 tỉ đồng. Ngành thuế đã gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp cho doanh nghiệp.
Ngày 16/3, Ngân hàng Nhà nước quyết định hạ một loạt lãi suất điều hành, thay vì “bơm tiền” ra thị trường gây áp lực lên lạm phát, vẫn có hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát.
Nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ngày 24/3, Chính phủ quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo, đồng thời Tổng cục Dự trữ nhà nước khẩn trương mua đủ gạo dự trữ để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu đột xuất, cấp bách.
Từ những hành động quyết liệt và mang tính nhân văn, Chính phủ đã kêu gọi toàn dân ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 trên cả nước, qua đó, hội tụ được sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc và trách nhiệm với cộng đồng. Mọi đóng góp, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, giới văn nghệ sĩ… đã san sẻ bớt gánh nặng với Nhà nước trong cuộc chiến sớm đẩy lùi bệnh dịch.