Khách quốc tế tăng mạnh, du lịch phục hồi mạnh mẽ

Thị trường du lịch quốc tế có sự phát triển mạnh mẽ sau khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn từ ngày 15/3. Việt Nam đã đón hàng nghìn lượt khách quốc tế, trong đó nhiều nhất là khách Hàn Quốc và Mỹ, với lượng khách trong tháng 5 gấp 12,8 lần cùng kỳ năm trước.
Việt Nam có chỉ số năng lực phát triển du lịch lọt top 3 nước tăng cao nhất thế giớiKiến nghị bổ sung tiêu chuẩn quy định cho đô thị công nghiệp, du lịch, sinh tháiThị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng - Vai trò, những nút thắt và định hướng phát triểnHộ chiếu vaccine - Cơ hội ‘vàng’ phục hồi ngành du lịch

365.000 lượt khách quốc tế trong 5 tháng đầu năm

Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 5 đạt 172.900 lượt người, tăng 70,6% so với tháng trước và gấp 12,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Đó là tín hiệu tích cực sau khi Việt Nam công bố mở cửa hoàn toàn du lịch từ 15/3, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại và nhiều đoàn khách quốc tế đến Việt Nam tham dự SEA Games 31.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 365.300 lượt người, gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 95% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Khách quốc tế tăng mạnh, du lịch phục hồi mạnh mẽ - Ảnh 1
Ảnh: Tổng cục Thống kê

Trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam 5 tháng, lượng khách đến từ châu Úc và châu Mỹ tăng mạnh nhất, lần lượt là 17.806 và 49.675 lượt người, tương ứng mức tăng 2.918% và 2.192%; tiếp sau đó là khách đến từ châu Âu với 65.253 lượt người, tăng hơn 975%. Khách đến châu Á đạt gần 231.000 lượt, tăng 222% và châu Phi 1.583 lượt, tăng 168%.

Hàn Quốc và Mỹ có lượng khách đến nhiều nhất. Khách Hàn Quốc đạt 28,6 nghìn lượt, tăng 195,1% so với cùng kỳ. Khách Mỹ đạt 23,1 nghìn lượt, tăng 2.106,4%.

Ở Đông Nam Á, Campuchia đạt 10.300 lượt, tăng rất mạnh (4.255%), Lào: 6.800tăng 76%. Trong khi đó, Singapore sau khi dỡ bỏ các hạn chế đi lại với Việt Nam, lượng khách tăng rất nhanh, riêng tháng 4 đạt 5,3 nghìn lượt tăng gần 10 lần so với tháng trước, 4 tháng đạt 6.300 lượt.

Các thị trường từ châu Âu dù số lượng khách chưa đông nhưng tốc độ tăng trưởng rất cao. Pháp, Anh, Đức có lượng khách nhiều nhất.

Bên cạnh đó, vận tải hành khách tháng 5 khôi phục mạnh mẽ với số lượt hành khách vận chuyển tăng 34% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển tăng 45,7%. Vận tải hàng hóa tiếp tục phát triển tích cực với tốc độ tăng 22,8% về vận chuyển và tăng 22,4% về luân chuyển so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, vận chuyển hành khách giảm nhẹ 0,3% so với cùng kỳ năm trước (do 2 tháng đầu năm nay số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh, người dân hạn chế đi lại), luân chuyển hành khách tăng 4,2% và vận chuyển hàng hóa tăng 11,3%, luân chuyển hàng hóa tăng 16,4%.

Khách quốc tế tăng mạnh, du lịch phục hồi mạnh mẽ - Ảnh 2
Ảnh: Tổng cục Thống kê

Theo Dữ liệu phân tích thị trường của Google, du lịch Việt Nam đang có sự gia tăng rất nhanh lượng tìm kiếm về, khi Việt Nam chính thức mở cửa du lịch quốc tế từ 15/3.

Trong tháng 5, khi Việt Nam đăng cai Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31), số lượng khách quốc tế còn tăng nhiều hơn. Các điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất là: TP.HCM, Hà Nội, Phú Quốc (Kiên Giang), Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Phan Thiết (Bình Thuận), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Huế (Thừa Thiên - Huế), Quy Nhơn (Bình Định).

Mở rộng chính sách, khai thác tốt mùa cao điểm du lịch quốc tế

Trên toàn cầu, Việt Nam giữ vị thế là một trong vài quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất, đạt trên 75%. Các thị trường tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam là Mỹ, Úc, Singapore, Pháp, Nhật Bản, Đức, Canada, Ấn Độ, Anh, Thái Lan,... Trong đó, lượng tìm kiếm về hàng không đến Việt Nam từ đầu tháng 3/2022 tăng vọt, nếu ngày 1/3 tăng 283% so với cùng kỳ năm 2021 thì đến 15/3 tăng lên 386%; đến đầu tháng 4/2022 tăng vọt lên 600% và tới trung tuần tháng 4 thì đạt tới mức tăng 800% so với cùng kỳ năm ngoái

Sự khởi sắc của du lịch Việt Nam được nhìn thấy rõ hơn ở thị trường nội địa. Trong tháng 4 và 5/2022, có 2 kỳ nghỉ lễ dài ngày là Giỗ Tổ Hùng Vương, nghỉ lễ 30/4 và 1/5, tạo thuận lợi cho hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ. Riêng trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, cả nước có khoảng 5 triệu lượt khách du lịch nội địa, trong đó có 2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại cơ sở lưu trú du lịch. Ngoài ra, lượng tìm kiếm thông tin du lịch nước ngoài của khách Việt tăng trở lại, đầu tháng 4 tăng 250%, đến cuối tháng 4 tăng 525% so với cùng kỳ…

Từ 0 giờ ngày 15/5, Việt Nam tạm dừng yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh, xem như “chốt khóa” cuối cùng đã được mở, kỳ vọng giúp du lịch tăng tốc bứt phá.

Chia sẻ tại hội thảo “Du lịch Việt Nam - Cơ hội và thách thức hè 2022” do Sở Du lịch TP.HCM tổ chức mới đây, ông Bùi Đức Tuệ, Giám đốc điều hành Travelner, nhận định đến thời điểm này, Việt Nam đã hội tụ đủ điều kiện để du lịch phục hồi và tạo đà phát triển trong thời gian tới.

Có thể nói, kế hoạch mở cửa du lịch quốc tế đến Việt Nam từ ngày 15/3 là một quyết định mạnh mẽ, kịp thời và đáp ứng đòi hỏi của ngành. Tuy nhiên, theo các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp, để mở cửa hoàn toàn du lịch, chính sách miễn thị thực (visa) quan trọng hàng đầu.

Khách quốc tế tăng mạnh, du lịch phục hồi mạnh mẽ - Ảnh 3
Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng Giám đốc lữ hành Saigontourist.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng Giám đốc lữ hành Saigontourist cho rằng, chính sách visa chưa hồi phục như trước có thể là rào cản lớn nhất khiến cho quá trình hồi phục của doanh nghiệp bị đứt đoạn. “Chúng tôi đang kỳ vọng hè này sẽ phục hồi khách thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và sang tháng 10 đẩy mạnh đón khách quốc tế. Hiện quá trình chào bán sản phẩm, quảng bá cũng đi theo quy trình này, nhưng nếu vẫn giữ các quy định nhập cảnh hiện nay thì thị trường sẽ khó phục hồi như kỳ vọng”, ông Yên nhìn nhận.

Cùng quan điểm, theo PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa Du lịch học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Visa "cởi mở" sẽ mang lại nguồn thu lớn.

Khách quốc tế tăng mạnh, du lịch phục hồi mạnh mẽ - Ảnh 4
PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa Du lịch học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Bởi Việt Nam xác định du lịch là ngành mũi nhọn để phục hồi kinh tế khi dịch Covid-19 được kiểm soát. “Chúng ta mở cửa hoàn toàn du lịch với kỳ vọng sẽ kích hoạt tăng trưởng một loạt ngành nghề liên quan như hàng không, thương mại, lữ hành, hệ thống lưu trú, xuất khẩu…”.

Tuy nhiên, đón khách quốc tế lại không đạt được như kỳ vọng bởi nhiều yếu tố, quan trọng nhất là chính sách thị thực vẫn còn bất cập, ưu đãi về miễn thị thực chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đủ cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Xu thế bây giờ phải tạo môi trường hấp dẫn để khách chọn đến và chi tiêu nhiều nhất. Nếu cởi mở về visa hơn, chắc chắn du khách sẽ chọn Việt Nam làm điểm đến, tăng doanh thu cho ngành. Việt Nam phải xác định chính sách miễn thị thực hướng đến những thị trường đã mở cửa, đặc biệt là châu Âu vì có các quốc gia rất phát triển, nguồn khách lớn. Bên cạnh đó, miễn visa cũng nên hướng đến những thị trường tiềm năng khác như Ấn Độ. Vấn đề visa đôi khi còn là chính sách song phương, có tầm ảnh hưởng lẫn nhau, do đó cần cân nhắc sớm vấn đề này. Nếu Chính phủ điều hành theo hướng mở rộng diện miễn visa thì đây sẽ là biện pháp kích cầu tốt nhất.

Theo đề xuất của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), chính sách thị thực cần cởi mở hơn. Bởi lẽ, tuy Chính phủ đã khôi phục lại chính sách thị thực cho 24 nước như trước khi có dịch xảy ra, song số lượng 24 nước được miễn thị thực là quá ít so với các nước khác trong khu vực. Phần lớn các quốc gia được hưởng chế độ miễn thị thực 15 ngày trong khi thực tế là những du khách từ thị trường xa (Châu Âu, Bắc Mỹ, Nga, Australia...) thường đi du lịch Việt Nam trong 18 - 21 ngày.

“Chính sách miễn thị thực là chính sách đầu tiên và quan trọng hàng đầu. Doanh nghiệp mong chính sách thị thực thuận lợi hơn để đón được nhiều khách. Chính sách này còn quan trọng hơn cả chính sách thuế khóa và tài chính”, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký TAB nhận định.

Lan Anh