Kiến nghị bổ sung tiêu chuẩn quy định cho đô thị công nghiệp, du lịch, sinh thái

Tổng hội Xây dựng Việt Nam kiến nghị xem xét bổ sung các tiêu chuẩn quy định cho các đô thị du lịch, công nghiệp, giáo dục đào tạo, sinh thái để khuyến khích các đô thị có tính chuyên sâu, nổi bật.
Thị trường bất động sản khu công nghiệp tiếp tục chào đón nguồn cung mớiKiến nghị sửa đổi cùng lúc cả ba bộ luật để "gỡ vướng" cho thị trường bất động sảnKhơi dòng vốn cho thị trường bất động sảnPhát triển đô thị thông minh, công nghệ không phải yếu tố quan trọngGiao thông xanh - ‘Chìa khóa’ giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường đô thị

Tính hợp lý của việc phân loại đô thị theo vùng miền

Theo thông tin được biết, Tổng hội Xây dựng Việt Nam (THXDVN) vừa có văn bản gửi Ủy ban Pháp luật Quốc hội khóa XV về việc góp ý, bổ sung Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 nhằm góp phần bảo đảm cho các quy định của pháp luật về phân loại đô thị phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quy hoạch, phát triển của các đô thị trên cả nước.

Về, nội dung đầu tiên, về tính hợp lý của việc phân loại đô thị theo vùng miền như quy định tại dự thảo Nghị quyết: Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung lần này theo hướng quy định rõ mức áp dụng khác nhau về một số tiêu chí, tiêu chuẩn như quy mô dân số, mật độ dân số đối với 06 vùng kinh tế - xã hội là phù hợp, vì căn cứ thực tiễn quá trình thực hiện phân loại đô thị, căn cứ mức độ phát triển kinh tế - xã hội, đặc điểm phân bố dân cư, lao động ở các vùng miền rất khác nhau.

Về tính phù hợp của các tiêu chuẩn, tiêu chí áp dụng, theo THXDVN cần làm rõ cơ sở khoa học của việc lựa chọn các chỉ tiêu đề xuất là 50%, 60%, 70% và 80% so với điều kiện tiêu chuẩn để áp dụng cho các vùng miền, bao gồm cả mức giảm và vùng miền áp dụng mức giảm. Cần làm rõ đây là giảm tiêu chí hay giảm tiêu chuẩn vì cả quy mô dân số và mật độ dân số đều là tiêu chí quy định khung cho từng loại đô thị, tiêu chuẩn là dùng để tính điểm. Ở đây nên nói rõ là điều chỉnh giảm tiêu chí, không giảm tiêu chuẩn.

Cùng với đó, xem xét áp dụng thêm điều kiện về tiêu chí tỷ lệ lao động phi nông nghiệp và nhóm tiêu chuẩn về cơ cấu và mức độ phát triển kinh tế - xã hội, mức độ phát triển cơ sở hạ tầng như theo đề nghị tại tờ trình của Chính phủ. Nói rõ hơn về khoản đ điều 9 sửa đổi. Các vùng miền không áp dụng điều chỉnh thì không cần quy định trong Nghị định sửa đổi.

Mặt khác, nghiên cứu nên có bảng phụ lục hướng dẫn bổ sung quy định cách tính điểm đối với các đô thị nằm lân cận với vùng kinh tế phát triển hoặc là trung tâm của vùng để bảo đảm sự công bằng với các đô thị khác trong cùng vùng miền được điều chỉnh giảm.

Kiến nghị bổ sung tiêu chuẩn quy định cho đô thị công nghiệp, du lịch, sinh thái - Ảnh 1
Xem xét áp dụng thêm điều kiện về tiêu chí tỷ lệ lao động phi nông nghiệp và nhóm tiêu chuẩn về cơ cấu và mức độ phát triển kinh tế - xã hội, mức độ phát triểncơ sở hạ tầng như theo đề nghị tại tờ trình của Chính phủ. (Ảnh minh họa)

nội dung thứ hai, về sự cần thiết và hợp lý của việc áp dụng quy định đặc thù trong phân loại đô thị đối với các đô thị này: dự thảo Nghị quyết sửa đổi lần này bổ sung thêm đô thị di sản văn hóa, di sản thiên nhiên thế giới, đô thị thuộc địa bàn miền núi, vùng cao, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc chịu tác động từ biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai thuộc danh mục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định, điều chỉnh tách riêng đô thị có đường biên giới quốc gia là cần thiết và phù hợp đáp ứng đúng thực tế phân bố dân cư và đặc điểm điều kiện tự nhiên, đặc thù về phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, lịch sử.

Ngoài các, yếu tố đặc thù nói trên, THXDVN đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung các tiêu chuẩn quy định cho các đô thị du lịch, công nghiệp, giáo dục đào tạo, sinh thái để khuyến khích các đô thị có tính chuyên sâu, nổi bật. Trong đó, nên bổ sung phần định nghĩa, khái niệm về đô thị đặc thù trong phần phụ lục.

Riêng đối với các đô thị có đường biên giới với đô thị thuộc nước láng giềng, cần có các quy định về tiêu chí để đảm bảo sự tương đồng với đô thị bên quốc gia láng giềng, đồng thời góp phần bảo vệ vững chắc QPAN vùng biên giới.

Việc xem xét nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 cần được xem xét đồng bộ với nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13. Vì đây là hai văn bản pháp luật có mối liên hệ chặt chẽ về các tiêu chuẩn đô thị.

Ví dụ, trong 1210 sửa đổi quy định quy mô dân số của đô thị loại V có đường biên giới quốc gia tối thiểu đạt 50% mức quy định, trong khi thị trấn (tương đương đô thị loại V) có đường biên giới quốc gia trên đất liền áp dụng mức 30% quy định mức quy định tại điểm a” (điểm a, khoản 1, Điều 20 Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 “Thị trấn có từ 5.000 người trở xuống...”), như vậy chỉ về quy mô dân số đô thị có đường biên giới đất liền đã có sự không phù hợp, quy định này sẽ gây khó khăn trong quá trình xem xét phân loại đô thị và phân loại đơn vị hành chính đô thị.

Song song đó, nhằm đảm bảo chất lượng đô thị khu vực mới được chuyển từ khu vực nông thôn trở thành đô thị không có sự chênh lệch quá lớn so với đô thị hiện hữu, cũng như chất lượng sống dân cư được đảm bảo tốt hơn khi còn là khu vực làng xã, cần cân nhắc mức độ điều chỉnh giảm chỉ tiêu của nhóm các tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội và tiêu chí trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị. THXDVN đề xuất là 70% thay cho 50% như dự thảo.

Kiến nghị bổ sung tiêu chuẩn quy định cho đô thị công nghiệp, du lịch, sinh thái - Ảnh 2
THXDVN đề xuất sửa đổi quy định quy mô dân số của đô thị loại V có đường biên giới quốc gia tối thiểu đạt 70% mức quy định. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Nội dung thứ ba, cho ý kiến về thời hạn tối đa (Bộ Xây dựng đề xuất là 10 năm) để địa phương có thể hoàn thiện 100% các tiêu chuẩn cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, tiêu chí trình độ phát triển hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị kể từ khi được công nhận loại đô thị. Về mức hoàn thiện 100% các tiêu chuẩn cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, tiêu chí trình độ phát triển hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị quy định tại khoản 4 điều 13a dự thảo Nghị quyết có thể được hiểu:

Địa phương đã hoàn thành đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn ở mức tối thiểu và đạt số điểm là 75 điểm để công nhận loại đô thị, cần tiếp tục hoàn thiện tiêu chuẩn để đạt 100 điểm đảm bảo chất lượng của đô thị; Địa phương đã hoàn thành một số tiêu chí, tiêu chuẩn và đạt số điểm là 75 điểm để công nhận loại đô thị, còn một số tiêu chí tiêu chuẩn chưa đạt ở mức tối thiểu cần tiếp tục hoàn thiện để đạt 100% ở mức tối thiểu trở lên.

Thực tế, thời gian để địa phương hoàn thành đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn còn thiếu sau khi đô thị được phân loại phụ thuộc rất nhiều vào số tiêu chí, tiêu chuẩn được thiếu, mức độ thiếu, tiềm lực tài chính của địa phương và cả vai trò của các cấp chính quyền. Tuy nhiên việc quy định 10 năm là quá dài làm ảnh hưởng đến chất lượng của đời sống đô thị. THXDVN đề xuất thời gian là 5 năm, đồng thời đề nghị bổ sung điều kiện khi đề nghị công nhận đô thị bậc cao hơn, địa phương phải được xác nhận đạt 100% tiêu chí, tiêu chuẩn của loại đô thị đã được công nhận.

Kiến nghị bổ sung tiêu chuẩn quy định cho đô thị công nghiệp, du lịch, sinh thái - Ảnh 3
THXDVN đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung các tiêu chuẩn quy định cho các đô thị du lịch, công nghiệp, giáo dục đào tạo, sinh thái để khuyến khích các đô thị có tính chuyên sâu, nổi bật. Trong ảnh: Dự án nhà ở xã hội do Becamex đầu tư xây dựng. (Ảnh: Internet)

Nội dung thứ tư, cho ý kiến về thời hạn tối đa để các địa phương có thể hoàn thiện các tiêu chí phân loại đô thị và tổ chức phân loại đô thị đối với các trường hợp đã thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính nông thôn vào đô thị cùng cấp. Tương tự nội dung 3, đề đảm bảo sự đồng bộ về chất lượng sống, dịch vụ đô thị và sự bình đẳng giữa các khu vực khi sắp xếp đơn vị hành chính nông thôn vào đô thị cùng cấp thì thời gian tối đa để các địa phương hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị và tổ chức phân loại đô thị là 5 năm kể từ khi sắp xếp.

Cho ý kiến về việc có nên quy định về việc định kỳ rà soát, tổ chức phân loại đô thị lại đối với tất cả các đơn vị hành chính đô thị đã được công nhận loại đô thị gắn với thời hạn tổng kết việc phân loại đô thị hay không? Đối với các đô thị thuộc nội dung 3,4 nêu trên thì cần có định kỳ rà soát hàng năm. Thống nhất rà soát, tổ chức phân loại đô thị lại đối với tất cả các đơn vị hành chính đô thị đã được công nhận loại đô thị gắn với thời hạn tổng kết việc phân loại đô thị (thời gian là 10 năm như theo đề xuất của Bộ Xây dựng).

Nội dung thứ năm, cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung bãi bỏ 7 tiêu chuẩn để thay thế bằng các tiêu chuẩn mới và bổ sung thêm 10 tiêu chuẩn mới có phù hợp với thực tiễn phát triển đô thị ở nước ta hay không? Về vấn đề này hiện THXDVN không nhận được giải trình về luận cứ của việc thay thế, loại bỏ hay bổ sung các tiêu chí, tiêu chuẩn vì vậy chúng tôi không có ý kiến về nội dung này. Trích dẫn số tiêu chuẩn loại bỏ, thay thế chỉ có 6 chứ không phải là 7.

Cùng với đó, cho ý kiến có cần thiết sửa đổi hoặc bổ sung thêm những tiêu chuẩn nào khác hay không? Theo THXDVN, đối với nhóm tiêu chuẩn cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế, dự thảo lần này bổ sung thêm 01 tiêu chuẩn để đưa vào tính điểm là “tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)”.

Có thể thấy, trong hệ thống chỉ tiêu thống kê Quốc gia ban hành theo Quyết định 54/2016/TTg của Thủ tướng Chính phủ, các chỉ tiêu như mức (tốc độ) tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hay tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, thu nhập bình quân đầu người không được quy định tính cho cấp huyện trở xuống. Vì vậy theo Tổng hội, việc đưa các tiêu chuẩn này vào quy định tính điểm cho các đô thị loại I trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở xuống theo dự thảo Nghị quyết sửa đổi không khả thi, gây khó khăn trong việc tính toán.

Kiến nghị bổ sung tiêu chuẩn quy định cho đô thị công nghiệp, du lịch, sinh thái - Ảnh 4
THXDVN cho rằng nên bổ sung phần định nghĩa, khái niệm về đô thị đặc thù trong phần phụ lục... Trong ảnh: Khu Đại học Quốc gia TP.HCM đang điều chỉnh quy hoạch trên diện tích 643,7 ha thuộc TP. Thủ Đức và TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Internet)

Nội dung thứ sáu, cho ý kiến về sự hợp lý và cần thiết của các tiêu chuẩn về hạ tầng kỹ thuật được đề nghị sửa đổi, bổ sung áp dụng đối với khu vực dự kiến thành lập phường. Theo báo cáo tại tờ trình của Chính phủ, đối với khu vực dự kiến thành lập phường áp dụng 13 tiêu chuẩn (tăng 1 tiêu chuẩn so với quy định hiện hành), trong đó có sửa đổi 3 tiêu chuẩn và bổ sung thêm một tiêu chuẩn (không phải là bổ sung 04 tiêu chuẩn, hủy bỏ 03 tiêu chuẩn như báo cáo). Việc điều chỉnh nội dung tên gọi của các tiêu chuẩn và bổ sung thêm 01 tiêu chuẩn là cần thiết và hợp lý. Tuy nhiên một số tiêu chuẩn được điều chỉnh giảm so với quy định hiện hành cần có giải trình cụ thể.

Cho ý kiến về sự hợp lý và cần thiết của các tiêu chuẩn về hạ tầng kỹ thuật được đề nghị sửa đổi, bổ sung áp dụng đối với khu vực dự kiến thành lập quận. Theo báo cáo tại tờ trình của Chính phủ, đối với khu vực dự kiến thành lập quận áp dụng 25 tiêu chuẩn (tăng 4 tiêu chuẩn so với quy định hiện hành). Việc điều chỉnh nội dung tên gọi của các tiêu chuẩn và bổ sung thêm 04 tiêu chuẩn theo THXDVN là cần thiết và hợp lý.

THXDVN đồng thuận quan điểm trên để khuyến khích các đô thị có các giải pháp đổi mới sáng tạo trong việc ứng dụng KHCN để cải thiện chất lượng sống đô thị cũng như nâng cao năng lực quản lý của chính quyền đô thị các cấp.

Nội dung cuối cùng, về tiêu chí về vị trí, chức năng, vai trò của đô thị trong quy định hiện hành và sửa đổi lần này chủ yếu luận chứng đánh giá trên cơ sở các chủ trương, định hướng, quy hoạch đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, phạm vi bao phủ rộng, thiếu tiêu chuẩn định lượng, khó đánh giá cho điểm, đặc biệt đối với các đô thị có chức năng nổi trội về kinh tế, có giá trị đặc biệt về di sản, văn hóa và du lịch, đô thị là tỉnh lị, huyện lị, đô thị hình thành từ việc phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất.

Ví dụ cùng là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhưng vai trò, vị trí, chức năng của đô thị là tỉnh lị khác với đô thị thông thường khác. Vì vậy các đô thị là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia hay của tỉnh, huyện, cần được xem xét bổ sung khi tính điểm để xác lập loại đô thị.

THXDVN cho rằng, cần xem xét bổ sung nội dung tại điều 2, dự thảo NQ sửa đổi : Đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch, quy hoạch đô thị và phát triển quản lý đô thị (Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị, Nghị quyết Quốc hội về phân loại đô thị, phân loại hành chính đô thị, quy chuẩn, tiêu chuẩn).

Bổ sung các tiêu chuẩn quy định cho đô thị khu vực

Ngoài những nội dung trrên, cũng cần làm rõ các tiêu chí về quy mô dân số và mật độ dân số khu vực trung du và các đô thị vùng núi cao, không nên để chung trong một quy định, bởi điều kiện tự nhiên, văn hoá, xã hội, khả năng phát triển kinh tế - xã hội của các vùng này rất khác biệt nhau.

Song song đó, THXDVN đề nghị bổ sung quy định “đối với khu vực ngoại thành, ngoại thị phải có tối thiểu 70% các đơn vị hành chính đạt tiêu chí đô thị nông thôn mới, đặc biệt là các khu vực ven đô, các khu vực có tiềm năng phát triển trở thành đô thị theo quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị được duyệt”. Lý do là để đảm bảo cơ sở cho việc chuyển mô hình từ nông thôn sang đô thị và giảm sự cách biệt về chất lượng sống giữa khu vực đô thị và nông thôn.

Có một số chi tiết về kỹ thuật và nội dung cụ thể, trong đó tên Điều 9 THXDVN đề nghị sửa lại là “Quy định phân loại đô thị theo yếu tố vùng miền và tính chất đặc thù” phù hợp với nội hàm quy định hơn là: “Áp dụng phân loại đô thị”;

Tại điểm c, khoản 2, điều 10: Đề nghị sửa cụm từ “vệ sinh môi trường” thành “môi trường đô thị” và bổ sung tiêu chí về bảo vệ môi trường thiên nhiên”;

Đề nghị bổ sung cụm từ Hồ sơ trong tiêu đề của khoản 2, điều 12 sẽ là “Hồ sơ đề án phân loại đô thị…”

Tại khoản 1, điều 12: Đề nghị sửa lại là “Trách nhiệm tổ chức lập đề án phân loại đô thị”.

Tại điểm b, khoản 4, điều 12: Đề nghị bổ sung cụm từ (Nếu thấy cần thiết) sau cụm từ “các chuyên gia đô thị có liên quan”, nhằm tạo sự thuận lợi cho các đô thị nhỏ ở các vùng có điều kiện khó khăn;

Điều 13: Đề nghị làm rõ “Báo cáo phân loại đô thị” được quy định cho đối tượng nào, lập báo cáo khi nào…?

Trước đó, THXDVN có nhận được công văn số: 667/UBPL15 ngày 31/3/2022 của Ủy ban Pháp luật Quốc hội khóa 15 đề nghị đóng góp ý kiến đối với các nội dụng dự kiến được sửa đổi, bổ sung trong Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 nhằm góp phần bảo đảm cho các quy định của pháp luật về phân loại đô thị phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quy hoạch, phát triển của các đô thị trên cả nước.

Bùi Hằng