Cần Thơ là 'điểm nóng' về sụt lún
Số liệu khảo sát cho thấy ĐBSCL đang sụt lún 1 cm/năm, với tốc độ trung bình lên tới 5,7 cm/năm tại một số địa điểm. Cụ thể, số liệu sụt lún tại các mốc chuẩn độ cao của Bộ TN&MT ghi nhận từ năm 2005 - 2017, độ lún tích lũy trung bình của 4 tỉnh, thành Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bến Tre trong giai đoạn này là gần 10,1 cm; trong đó Cần Thơ cao nhất với 15,49 cm, thấp nhất là Bến Tre với 4,97 cm.
Báo cáo của Sở TN&MT TP.Cần Thơ, thành phố đã đặt 16 trạm quan trắc mặt nước dưới đất trên địa bàn các quận, huyện. Đối với huyện Cờ Đỏ, lượng khai thác nước ngầm cao nhất trên địa bàn thành phố, việc khai thác để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân khu vực nông thôn. Cần Thơ khai thác nguồn nước ngầm có 4 mục đích gồm: cung cấp nước sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp và mục đích khác. Trong thời gian qua, thành phố quản lý và kiểm soát chặt việc khai thác nước ngầm trên địa bàn.
Theo thống kê về thực trạng quản lý nước ngầm và vấn đề sụt lún tại Cần Thơ, sụt lún đất đang xảy ra tại Cần Thơ thể hiện qua các tác động đến cơ sở hạ tầng của thành phố ở mức độ mà người dân có thể nhận thấy những thay đổi. Tốc độ sụt lún do Bộ TN&MT đo lường tăng lên 4,37 cm/năm từ năm 2005-2017.
Khảo sát của InSAR (Ra đa khẩu độ tổng hợp giao thoa) từ năm 2015-2019 cho thấy, Cần Thơ là điểm nóng về sụt lún với tốc độ vượt quá 5cm/năm ở hầu hết các khu vực.
Phát biểu tại Hội thảo Quản trị tình trạng sụp lún đất và quản lý nước ngầm tại khu vực ĐBSCL, TS Hà Quang Khải, Trường Đại học bách khoa TP.HCM cho biết, tình trạng khai thác nước ngầm được cảnh báo từ nhiều năm trước, việc khai thác nước ngầm quá mức gây ra nhiều hệ lụy sụt lún, ô nhiễm tầng chứa nước. Số liệu thống kê năm 2010 đã có hơn 2 triệu m3 nước được khai thác/ngày, thực tế con số có thể hơn 2 triệu m3 nước được khai thác ở ĐBSCL.
TS Hà Quang Khải cho rằng, nhu cầu sử dụng nước ngầm ở Cần Thơ ngày càng tăng, tình trạng mặn đã xuất hiện ở một số giếng khoan và vấn đề sụt lún đất đáng quan tâm của Cần Thơ. Nếu không có giải pháp thì sụt lún đất sẽ diễn ra nghiêm trọng hơn.
"Khai thác nước ngầm ở Cần Thơ là rất thuận lợi, nhưng kèm theo những rủi ro về xâm nhập mặn, rủi ro về sụt lún mặt đất. Do vậy, để quản lý khai thác nước ngầm cho phù hợp, chúng ta có thể tìm nguồn nước khác thay thế hoặc chúng ta có thể tìm giải pháp để duy trì, hạn chế mực nước hạ thấp mực nước ngầm thông qua bổ sung nhân tạo hoặc giảm khai thác nước ngầm"- TS Hà Quang Khải cho biết.
Vẫn loay hoay tìm giải pháp
Trao đổi với Báo Lao Động về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về ĐBSCL cho biết, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120, mở ra những cách tiếp cận, giải quyết vấn đề mới cho ĐBSCL. Tuy nhiên, vùng ĐBSCL vẫn còn đối mặt với những trở ngại, đặc biệt là quán tính tư duy cũ.
Theo ông Thiện, hình dung chúng ta đang đứng ở ngã ba đường. Thay vì đầu tư cho con đường mới, quán tính tư duy cũ là muốn đầu tư dặm vá con đường cũ để tiếp tục đi theo con đường đó. Theo cách này thì chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều vấn đề cần phải “vật lộn” để duy trì cho được lối đi cũ. Trong trường hợp của ĐBSCL bài toán là làm sao giải quyết cho được chuyện hạn, chuyện mặn, để tiếp tục sản xuất ra số lượng lớn lúa gạo, trái cây. Làm sao canh tác liên tục 3 vụ, làm sao để bao đê chống lũ cho ruộng đồng khô ráo, làm sao đắp bít sông ngòi để trữ nước ngọt mùa khô cho nông nghiệp… và làm sao tiếp tục khai thác nước ngầm mà không bị sụt lún để đồng bằng không bị chìm dưới mực nước biển. Đây toàn là các bài toán nan giải mà chính ta đang tự trói ta.
Cũng theo ông Thiện, thời gian dài phát triển nông nghiệp chạy theo sản lượng và loay hoay chống chọi với thiên nhiên suốt năm, mùa lũ chống lũ, mùa hạn chống hạn năm này sang năm khác thì chúng ta đã tạo ra một hệ thống công trình điều tiết nước khổng lồ trên toàn đồng bằng. Nếu chúng ta rẽ sang lối đi mới, thích ứng thay vì chống chọi, thì hàng loạt những chuyện đang là vấn đề sẽ không còn là vấn đề nữa và số vấn đề cần giải quyết sẽ ít hơn…
Để quản lý tốt hơn tình trạng khai thác nước ngầm, Chính phủ đã ban hành Nghị định 167/2018-NĐ-CP quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất. Theo kế hoạch, đến tháng 2/2022, các tỉnh thành ĐBSCL phải hoàn tất phương án khoanh định phân rõ từng vùng được phép khai thác nước ngầm và quy mô khai thác. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định việc khoanh định vùng hạn chế khai thác nước ngầm theo từng địa phương là chưa đủ.
TS Tô Quang Toản, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, cho rằng khai thác nước ngầm không phải phân theo địa giới hành chính mà là tính theo lưu vực nên cần có sự tính toán, quản lý, quy hoạch theo vùng, chứ không phải “chuyện riêng” của từng tỉnh, thành.