Khánh Hòa: Bao nhiêu ha rừng ‘ngã xuống’ để đổi lấy 2 dự án thủy điện Sông Giang? (Kỳ 1)

Hàng trăm ha rừng, trong đó có cả rừng phòng hộ phải "ngã xuống" để đổi lấy thủy điện Sông Giang 1 và Sông Giang 2. Nhưng từ năm 2011 đến nay, dự án Thủy điện Sông Giang 1 vẫn chỉ là hai khối bê tông ‘vô hồn’.
Dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng: Đâu là sự thật trong việc đổ thải sai quy định?Phát triển thuỷ điện nhỏ phải thích ứng với biến đổi khí hậuThủy điện - 'Nỗi ám ảnh' của người dân vùng lũBộ trưởng Trần Tuấn Anh: Sẽ siết chặt hoạt động thủy điện

Lời tòa soạn:

Mối quan hệ giữa thủy điện - phá rừng - sạt lở, lũ lụt đã được nhiều Đại biểu Quốc hội và các chuyên gia ngành môi trường cảnh báo. Tuy nhiên, trên địa bàn cả nước vẫn có rất nhiều cánh rừng phải “ngã xuống” để nhường đất cho các công trình thủy điện vừa và nhỏ. Và từ đó, vô số hệ lụy đã xảy ra từ cơn tức giận của "mẹ thiên nhiên".

Tại tỉnh Khánh Hòa, theo tìm hiểu, thủy điện Sông Giang 1 và Sông Giang 2 do Công ty Cổ phần Khai thác Thủy điện Sông Giang làm chủ đầu tư. Hai dự án này nằm trên sông Giang thuộc địa phận xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa.

Dù được cấp phép đầu tư từ năm 2011 và dự kiến hòa lưới điện năm 2013, nhưng sau một thập kỷ, dự án thủy điện Sông Giang 1 vẫn “treo” dù đã và đang phải đánh đổi bằng hàng trăm ha đất rừng. Trong khi đó, thủy điện Sông Giang 2 đã đi vào hoạt động còn tồn tại rất nhiều bất cập.

Nhiều người đã đặt câu hỏi đối với việc chuyển đổi, chặt hạ hàng trăm ha đất rừng cho hai dự án thủy điện trên, đến nay tỉnh Khánh Hòa đã thu lại được những gì.

Chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Giang 1 và Sông Giang 2 là Công ty Cổ phần Khai thác thủy điện Sông Giang vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương xin điều chỉnh quy hoạch. Hiện Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa rà soát lại hai dự án này để làm căn cứ cho việc có chấp thuận cho chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch hay không. Tuy nhiên, ít người biết rằng, để có được hai dự án này, tỉnh Khánh Hòa đã phải "đánh đổi" hàng trăm ha rừng, trong đó có cả rừng phòng hộ. 

Những cánh rừng “chảy máu”

Thị trấn Khánh Vĩnh (huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) cách TP.Nha Trang khoảng hơn 30 km. Từ thị trấn Khánh Vĩnh, để lên được thủy điện Sông Giang 1 và Sông Giang 2 (xã Khánh Trung), chúng tôi xác định phải đi bằng xe gắn máy. Bởi lối lên thủy điện là những cung đường đồi núi quanh co, đá rải lởm chởm. Mùa mưa thì trơn trượt bùn lầy, mùa đông thì bụi mù mịt.

Phải rất khó khăn chúng tôi mới nhận được sự đồng ý của một “thổ địa” nhận lời chở bằng xe máy lên hai dự án thủy điện. Sau hơn 1 riếng rưỡi đồng hồ đánh vật với chiếc xe máy cà tàng trên những cung đường một bên là đồi núi, một bên là vực, chúng tôi mới đặt chân đến dự án thủy điện Sông Giang 1. Khu vực này nằm cuối tỉnh Khánh Hòa và khá sát với ranh giới tỉnh Đắk Lắk.

tm-img-alt
Thủy điện Sông Giang 1 đến nay vẫn chỉ là hai khối bê tông năm 2 bên bờ sông Giang. Ảnh: V.Chương.

Dự án Sông Giang 1 có giấy chứng nhận đầu tư do UBND tỉnh Khánh Hòa cấp lần đầu ngày 19/5/2011. Theo đó, tiến độ thực hiện từ năm 2011 đến năm 2013, mục tiêu hòa vào lưới điện quốc gia với quy mô công suất khai thác lắp máy 12 MW. Diện tích sử dụng đất của dự án này lên đến 210 ha với tổng mức đầu tư hơn 463 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, đến nay, dự án thủy điện Sông Giang 1 vẫn chỉ là hai khối bê tông "vô hồn" nằm hai bên bờ sông Giang.

Sáng 31/3/2021, ghi nhận của phóng viên tại dự án thủy điện Sông Giang 1 là cảnh đìu hiu, vắng vẻ. Trên đại công trường thủy điện không thấy một bóng công nhân. Nhiều máy móc nằm bất động trong những bụi cỏ cao quá đầu người. Xung quanh dự án này là những quả đồi trọc với chằng chịt những “vết chém” và dòng sông Giang cạn trơ đáy.

tm-img-alt
Công trường thi công thủy điện Sông Giang 1 không một bóng người. Ảnh: V.Chương.

Anh H. một người bản địa nói với chúng tôi: “Trước đây khu vực này đều là rừng, nhiều cây cối, nhìn xanh mướt. Khi dự án thủy điện sắp mọc lên cũng là lúc cây cối bị đốn hạ để lấy mặt bằng cho dự án. Tuy nhiên, đến nay, không hiểu vì sao dự án này lại không tiếp tục thi công. Hình như hôm qua họ đưa máy móc từ thủy điện ra ngoài rồi”.

Bao nhiêu cây rừng đã “ngã xuống” để phục vụ một dự án “treo”?

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án thủy điện Sông Giang 1 đã nhiều lần phải thay đổi giấy chứng nhận đầu tư. Lần thay đổi giấy chứng nhận đầu tư thứ nhất ngày 29/6/2015 thì thời hạn hoàn thành bị đẩy tới năm 2018. Trong năm 2017, Công ty Cổ phần Khai thác Thủy điện Sông Giang lại đề nghị giãn tiến độ. Đề nghị này được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa chấp thuận.

tm-img-alt
Máy móc nằm im lìm trong những bụi cỏ.  Ảnh: Văn Chương.

Theo quyết định của Sở Kế hoạch và Đầu tư, thời hạn thực hiện dự án sau khi được chấp thuận giãn tiến độ là hoàn thành thi công xây dựng toàn bộ dự án, đưa vào hoạt động trước ngày 30/9/2021. Như vậy, so với tiến độ lần đầu (hòa lưới điện năm 2013) thì dự án này chậm tiến độ đến 8 năm. Nhưng với thực trạng thi công hiện tại, ai dám chắc đến 30/9/2021 dự án này có đi vào hoạt động hay không hay tiếp tục giãn tiến độ.

Phát biểu tại Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nêu nghịch lý các dự án thủy điện nhỏ ồ ạt được xây dựng cùng với mưu sinh của người dân và nhu cầu phát triển hạ tầng làm hàng chục nghìn ha rừng đầu nguồn mất đi. Các vùng bị lũ dữ, sạt lở đất, ngoài những yếu tố về địa chất thì phần lớn xảy ra ở những nơi đồi núi trọc, rừng nghèo, tỷ lệ rừng giàu tự nhiên rất thấp. ĐBQH Hoàng Đức Thắng nhấn mạnh: "Mất rừng, mất đất tất yếu mất khả năng điều tiết. Thủy điện có thể không làm tăng lũ nhưng thủy điện làm mất rừng là tác nhân khiến lũ dữ hơn và tàn phá nặng nề hơn".

Điều khiến nhiều người quan tâm nhất là việc để thực hiện dự án thủy điện Sông Giang 1, tỉnh Khánh Hòa đã phải chuyển mục đích sử dụng 134,943 ha rừng, trong đó có đến 17,4 ha rừng phòng hộ, hơn 117 ha rừng sản xuất.

Trong văn bản số 257 của Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa ngày 1/3/2021 gửi UBND tỉnh Khánh Hòa báo cáo về việc điều chỉnh quy hoạch dự án thủy điện Sông Giang 1 và Sông Giang 2, phần kiến nghị của Sở Công Thương có nêu: Ý kiến của Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Trần Hương, tổng diện tích đất thu hồi để thực hiện dự án thủy điện Sông Giang 1 là 210 ha. Trong đó, diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác là 134,943 ha rừng tự nhiên (rừng phòng hộ 17,4 ha, rừng sản xuất 117,543 ha). Diện tích đất chưa có rừng là 75,062 ha. Dự án thủy điện Sông Giang 1 có công suất 12 MW với diện tích dự án là 210 ha là chiếm dụng khá nhiều đất rừng khoảng 17,5 ha/1 MW.

“Do đó, đề nghị UBND tỉnh xem xét lại việc cho thuê đất đối với dự án”, Sở Công Thương kiến nghị.

tm-img-alt
Nhiều người nghi ngại về tiến độ tháng 9/2021 hoạt động của dự án nhà máy thủy điện Sông Giang 1. Ảnh: V.Chương.

17,5 ha đất rừng đổi lấy 1 MW chắc chắn là con số khiến nhiều người phải giật mình. Bởi phải mất bao nhiêu năm mới có thể trồng được 17,5 ha rừng. Đó là còn chưa kể đến việc mất rừng nói chung, rừng phòng hộ nói riêng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Đã có rất nhiều vụ sạt lở, lũ quét xảy ra vì tình trạng phá rừng làm dự án. 

Nhìn về những quả đồi trọc, anh H. thở dài chia sẻ: “Rất nhiều ha rừng đã đã bị chặt hạ nhưng từ năm 2011 đến nay, thủy điện Sông Giang 1 vẫn chưa hoạt động và không đem lại bất cứ lợi ích nào cho người dân và xã hội. Đây thực sự là điều vô cùng lãng phí”.

Mới đây, chủ đầu tư 2 dự án thủy điện Sông Giang 1 và Sông Giang 2 bất ngờ xin điều chỉnh quy hoạch.

Theo đó, ngày 8/9/2020, Bộ Công Thương nhận được Tờ trình số 255/2020/TTr-ESG của Công ty Cổ phần Khai thác thủy điện Sông Giang đề nghị điều chỉnh quy hoạch Dự án thủy điện Sông Giang 1 và Sông Giang 2. Sau đó, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 7100/BCT-ĐL ngày 22/9/2020 đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa nghiên cứu Hồ sơ quy hoạch và có ý kiến đối với đề nghị của Chủ đầu tư dự án. Trong đó, Bộ Công Thương đã đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức rà soát kiểm tra kỹ các vấn đề liên qua đến cụm dự án này. Cụ thể, đối với DATĐ Sông Giang 1: Có ý kiến chi tiết về diện tích chiếm đất các loại và ảnh hưởng của dự án đến dân cư, công trình hạ tầng, nhu cầu dùng nước phía hạ lưu … các quy hoạch khác có liên quan đối với phương án điều chỉnh quy hoạch.

Kỳ 2:  Những “xác cây rừng” trong hồ chứa nước thủy điện Sông Giang 2

V.Chương
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết