Phát triển thuỷ điện nhỏ phải thích ứng với biến đổi khí hậu

Hiện nay, công tác quản lý, vận hành thủy điện nhỏ là vấn đề được xã hội hết sức quan tâm, nhất là sau hàng loạt các đợt mưa bão liên tiếp vừa qua ở miền Trung.
Nhiều doanh nghiệp lớn nỗ lực chung tay chống biến đổi khí hậuMưa lũ bất thường ở miền Trung: Thủy điện không thể vô canThủy điện - 'Nỗi ám ảnh' của người dân vùng lũ

Do đó, làm sao để vận hành thuỷ điện nhỏ một cách hiệu quả, thích ứng được với những biến đổi bất thường của khí hậu, vừa đáp ứng an ninh năng lượng, vừa đảm bảo an toàn cho người dân là vấn đề cần phải làm rõ.

Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với ThS, Nhà báo Phan Chí Hiếu – Phó Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) về vấn đề này.

Sự phát triển ồ ạt của các công trình thủy điện nhỏ

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã được thông qua, trong đó có nội dung thực hiện sàng lọc dự án đầu tư theo các tiêu chí về môi trường. Nhìn từ thực trạng phát triển thuỷ điện nhỏ như hiện nay, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Có thể thấy, những hồ chứa thủy điện đã giữ nước và cung cấp cho sản xuất, sinh hoạt trong mùa kiệt, qua đó giúp cho mức thiệt hại khi hạn hán ở mức tối thiểu, nhiều nơi không bị thiệt hại. Tuy nhiên, hệ thống thủy điện nhỏ mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng để lại vô số những hệ lụy.

Nhiều nhà máy thủy điện nhỏ do tư nhân làm có chất lượng kém, không bảo đảm an toàn công trình, có nguy cơ vỡ đập khi lũ lớn. Hồ chứa thủy điện chính là hạng mục quan trọng, có tác động đến môi trường và tính an toàn địa chất, vì vậy cần xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định cho phép đầu tư ở các dự án thủy điện sau này.

Ngoài ra, để xây dựng được các công trình thủy điện nhỏ sẽ phải lấy đi một diện tích rừng khá lớn và để lại những hệ lụy xấu cho môi trường như sạt lở, xói mòn đất, đe doạ cuộc sống của người dân xung quanh. Do đó, việc sàng lọc các dự án đầu tư về thuỷ điện nhỏ theo các tiêu chí về môi trường là rất quan trọng, vì nó không chỉ quyết định sự phát triển bền vững của thuỷ điện nhỏ mà còn liên quan đến sự sống của người dân quanh khu vực.

Sự cố lũ lụt, sạt lở đất ở miền Trung vừa qua được xem là hồi chuông cảnh tỉnh trong vấn đề phát triển các dự án thủy điện nhỏ (dưới 30 MW) và trở thành nỗi ám ảnh không thể nào quên. Việc vận hành các hồ chứa thuỷ điện hết sức quan trọng, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thiên tai diễn ra ngày càng cực đoan như hiện nay. Bởi vậy, Chính phủ cần sớm sửa đổi, bổ sung khung pháp lý cụ thể hơn nữa về cấp phép thủy điện nhỏ; Xem xét kỹ vấn đề phát triển thủy điện nhỏ để hạn chế phá rừng và bảo vệ môi trường.

tm-img-alt

Những năm vừa qua, thuỷ điện nhỏ phát triển ồ ạt trên cả nước với hàng loạt dự án. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại không những chưa tương xứng với tiềm năng thuỷ điện sẵn có mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

- Hiện nay, các dự án thủy điện nhỏ và vừa là do địa phương cấp phép, cũng có rất nhiều bất cập. Theo quy định ban hành năm 2015, trong giai đoạn 2015 - 2019, những dự án thủy điện có công suất dưới 10 MW không cần phải có bản đánh giá tác động môi trường. Đó cũng là thời điểm hàng loạt các công trình thủy điện nhỏ xuất hiện. Đến năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận thấy rằng, dự án thủy điện từ 2 MW trở lên là cần thiết phải có đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, phải đến năm 2019 mới cụ thể hóa điều này trong Nghị định. Điều này chính là lỗ hổng khiến hàng loạt dự án thuỷ điện nhỏ gây nhiều hệ luỵ cho môi trường trong những năm trước đây.

Không thể phủ nhận việc đóng góp ngân sách và điện năng của các công trình thuỷ điện trong việc phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, những cảnh báo về môi trường dân sinh của các công trình thuỷ điện vừa và nhỏ lại chưa được coi trọng, có những cảnh báo đã trở thành hiện thực. Việc nó hoạt động như thế nào để đảm bảo an toàn cho người dân và cả môi trường khu vực xung quanh là điều chỉ được nhìn nhận khi hậu quả đã trót xảy ra.

Làm thế nào để cân bằng lợi ích giữa các bên (nhà đầu tư – người dân – ngành điện) là điều mà nhiều địa phương còn hạn chế.

tm-img-alt
Thủy điện Rào Trăng 3 tan hoang sau sự cố sạt lở ngày 11/10. (Ảnh: PLO)

Bài toán chuyển dịch năng lượng trước thực trạng biến đổi khí hậu

Thuỷ điện nhỏ vốn được xem là nguồn điện sạch trong bối cảnh lưới điện quốc gia không “phủ” được hết, nhất là những vùng sâu vùng xa. Nhưng giờ đây, thuỷ điện nhỏ cũng dần “thoái trào” khi vốn đầu tư lớn, chưa kể công suất điện thấp hơn rất nhiều so với điện mặt trời. Theo ông, nên hay không việc chuyển dịch đầu tư cho điện mặt trời thay vì thuỷ điện nhỏ như hiện nay?

- Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về chiến lược quốc gia năng lượng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã xác định tinh thần phát triển có chọn lọc về thủy điện vừa và nhỏ, đẩy mạnh nguồn điện năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang nỗ lực phát triển nguồn năng lượng tái tạo thân thiện môi trường như điện mặt trời, điện gió để thay thế và cung cấp cho nguồn năng lượng điện quốc gia. Vì thế, mỗi dự án công trình thủy điện mới càng cần được các địa phương xem xét, đánh giá thật kỹ trước khi đặt bút phê duyệt.

Cụ thể, để xây dựng một nhà máy thuỷ điện nhỏ cần vốn đầu tư lên đến 30 tỉ đồng, trong khi cùng công suất của một dự án thủy điện nhỏ thì vốn đầu tư dự án điện mặt trời chỉ bằng một nửa.

So với việc đầu tư các dự án thuỷ điện nhỏ với số vốn lớn thì việc đầu tư cho năng lượng điện gió, điện mặt trời ở nước ta sẽ hạn chế nhiều rủi ro hơn, nhất là về tác động môi trường và an toàn cho con người. Hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đã chủ trương phát triển điện mặt trời, nhất là các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài các dự án có quy mô lớn, nhiều mô hình nhỏ cũng được áp dụng và bước đầu đem lại hiệu quả cao như: Điện mặt trời áp mái kết hợp sản xuất nông nghiệp, không những đem lại lợi ích về kinh tế - xã hội mà còn giảm thiểu tác hại về môi trường.

Biến đổi khí hậu với những hiện tượng thời tiết cực đoan có thể xảy ra nhiều hơn nữa trong tương lai. Từ đó, đòi hỏi việc quản lý, vận hành thủy điện nhỏ phải vừa thích nghi với biến đổi khí hậu, vừa đảm bảo an ninh năng lượng và an toàn hồ chứa. Vậy chúng ta có nên xem lại quy hoạch thuỷ điện nhỏ, thưa ông?

- Hiện nay, vận hành các nhà máy thủy điện, đặc biệt là những thủy điện quan trọng đang được điều hành bởi nhiều luật như: Luật Bảo vệ tài nguyên nước, Luật Thủy lợi, Luật Đê điều và Luật Điện lực, Luật Phòng chống thiên tai,… Ngoài ra còn có Thông tư 47 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về giám sát, sử dụng tài nguyên nước.

Đối với những dự án thủy điện trong quy hoạch, theo tôi được biết, Bộ Công Thương vẫn thường xuyên rà soát, đánh giá các ảnh hưởng tiêu cực (nếu phát sinh), từ đó điều chỉnh quy mô, thông số để đảm bảo không ảnh hưởng lớn đến môi trường - xã hội. Trường hợp không có phương án điều chỉnh sẽ bị loại khỏi quy hoạch và đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi dự án. Đây là một hành động cấp thiết, quan trọng để có thể quản lý chặt chẽ các công trình thuỷ điện nhỏ đang phát triển ồ ạt như hiện nay.

Các thủy điện nhỏ xây dựng ở vùng sâu vùng xa nên nhà đầu tư thường tính toán để giảm tối đa chi phí đầu tư, khiến nhiều công trình không đảm bảo an toàn khi vận hành. Do đó, đảm bảo an toàn hồ đập phải từ khâu chuẩn bị đầu tư, khảo sát, lập thiết kế dự toán, thực hiện dự án, đến khi kết thúc đầu tư và vận hành thuỷ điện.

Những vụ sạt lở đất gây thiệt hại lớn về người và tài sản là hồi chuông cảnh báo nhức nhối, khiến tất cả những người làm chính sách, nhà đầu tư và chính quyền địa phương phải nghiêm túc nhìn lại, có giải pháp khắc phục hay thậm chí, từ bỏ những dự án thủy điện không phù hợp, nguy cơ gây ra những thảm họa như sạt lở tại thuỷ điện Rào Trăng 3 vừa qua.

Phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra sáng kiến trồng 1 tỉ cây xanh trong 5 năm tới và sẽ xem xét tình hình quy hoạch, quản lý rừng, hồ đập thủy điện để có các biện pháp chấn chỉnh. Vậy ông có đề xuất gì để phát huy tối đa hiệu quả quản lý, vận hành thủy điện trong bối cảnh biến đổi khí hậu phức tạp như hiện nay?

- Theo tôi, vấn đề mấu chốt là phải nghiên cứu, đánh giá mức độ cần thiết để xây dựng những công trình thủy điện nhỏ. Cần xây dựng quy hoạch hệ thống thủy điện phù hợp với đặc điểm, địa lý, nhu cầu từng địa phương gắn chặt với đánh giá tác động môi trường, hệ lụy lâu dài. Phải đặt vấn đề an toàn hồ đập lên hàng đầu, không thể đánh đổi lợi ích kinh tế để tàn phá môi trường, đe doạ tính mạng người dân.

Bên cạnh đó, việc vận hành hồ đập thủy điện phải giải quyết mâu thuẫn lợi ích giữa nhà đầu tư, người dân và ngành điện. Làm sao để các thuỷ điện nhỏ hoạt động có hiệu quả với công suất tối ưu nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho vùng hạ du, nhất là những hộ dân xung quanh khu vực đặt nhà máy thuỷ điện. Các nhà máy thủy điện phải xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, thông báo trước cho người dân khi nào hồ chứa xả lũ, xả bao nhiêu, nguy cơ thế nào.

Mặt khác, cần diễn tập phòng chống thiên tai thường xuyên cho người dân xung quanh khu vực thuỷ điện để ứng phó với các trường hợp sạt lở đất, lũ lụt,… tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Không phủ nhận các dự án thủy điện có liên quan đến việc ô nhiễm môi trường, mất rừng đầu nguồn, thảm thực vật, biến đổi địa chất. Song, trước diễn biến bất thường của thời tiết, cần đưa ra những dự báo sát hơn, có bản đồ cảnh báo sạt lở... để ứng phó tốt hơn với thực trạng biến đổi khí hậu trong tương lai. Việc xây dựng công trình thủy điện phải đặt lợi ích của quốc gia lên hàng đầu, lợi ích của người dân, rồi đến lợi ích nhà đầu tư.

Vậy trong thời gian tới, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam sẽ có những hoạt động cụ thể gì để hưởng ứng sáng kiến của Thủ tướng đã đưa ra, thưa ông?

- Những năm qua, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã thường xuyên tổ chức chương trình trồng cây ở nhiều địa phương trên cả nước, nhằm kêu gọi người dân ý thức bảo vệ môi trường như: Trồng cây Bồ đề có nguồn gốc từ đất Phật tại nhiều ngôi chùa linh thiêng, cùng nhiều hội nghị, hội thảo về định hướng phát triển nền kinh tế xanh bền vững,…

tm-img-alt
Những năm qua, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã thường xuyên tổ chức chương trình trồng cây ở nhiều địa phương trên cả nước, nhằm kêu gọi người dân ý thức bảo vệ môi trường. (Ảnh: An Bình)

Thời gian tới, TW Hội cũng sẽ chung tay, góp sức để tuyên truyền, kêu gọi cộng đồng cùng hưởng ứng chiến dịch 1 tỉ cây xanh của Chính Phủ. Đặc biệt, tại Giải Bóng đá Kinh tế Môi trường lần thứ I vừa được tổ chức thành công, chúng tôi đã quyên góp được gần 300 triệu đồng từ các “mạnh thường quân” ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả lũ lụt. Chúng tôi dự định sẽ dùng số tiền này để tham gia xử lý môi trường (như trồng thêm cây xanh, sửa sang công trình phụ của hệ thống trường học bị thiệt hại bởi lũ lụt…) – những công việc gắn với chuyên môn, chức năng nhiệm vụ của TW Hội hiện nay.

Bên cạnh đó, TW Hội sẽ phối hợp với các doanh nghiệp thành viên của mình cùng bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu bằng nhiều hoạt động khác như: Hạn chế sử dụng túi nilon, tiết kiệm điện năng… 

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Luận (Thực hiện)
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường