Khoảng 71 tỉ USD tài sản than của Nhật Bản có thể gặp rủi ro do năng lượng tái tạo rẻ hơn (Ảnh minh họa) |
Báo cáo với tên gọi “Vùng đất mặt trời mọc và gió ngoài khơi” đã sử dụng các mô hình tài chính dự án để phân tích tính kinh tế của các nhà máy than mới và hiện có ở Nhật Bản.
Theo đó, công suất than theo dự tính và hiện tại của Nhật Bản có thể gặp rủi ro do tỉ lệ sử dụng thấp và năng lượng tái tạo rẻ hơn, cụ thể là gió trên bờ, gió ngoài khơi và quang điện (PV) mặt trời quy mô lớn.
Gió ngoài khơi, PV mặt trời và gió trên bờ có thể rẻ hơn các nhà máy than mới vào năm 2022, 2023 và 2025.
“Ngoài ra, gió ngoài khơi và PV mặt trời quy mô lớn có thể rẻ hơn chi phí biên dài hạn của các nhà máy than hiện tại vào năm 2025 và 2027 cho gió trên bờ”, báo cáo cho biết.
Để đạt được mục tiêu thống nhất trên toàn cầu là hạn chế nhiệt độ gia tăng đến 2 độ C trong thế kỷ này, công suất than theo kế hoạch và vận hành sẽ cần phải ngừng hoạt động và người tiêu dùng Nhật Bản có thể phải đối mặt với giá điện cao hơn 71 tỉ USD khi chi phí tài sản than bị mắc kẹt được thông qua.
Theo báo cáo, trong số tiền này, 29 tỉ USD có thể tránh được nếu chính phủ Nhật Bản xem xét lại việc phát triển kế hoạch và phụ thuộc khả năng xây dựng trực tiếp.
“Chúng tôi không bình luận về báo cáo, nhưng Nhật Bản có kế hoạch giảm các nhà máy nhiệt điện than không hiệu quả hết mức có thể trong khi tăng cường phát triển công nghệ thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon”, ông Katsushi Takehiro - Trưởng phòng Than, Vụ Năng lượng và Tài nguyên thiên nhiên, Bộ Kinh tế và Thương mại Nhật Bản nói với Reuters.
Trong chiến lược giảm phát thải dài hạn được thông qua vào tháng 6, Nhật Bản cho biết quốc gia này đặt mục tiêu cắt giảm sự phụ thuộc vào sản xuất điện đốt than xuống mức thấp nhất có thể.
Sản xuất than - tác nhân gây ô nhiễm
Sản xuất điện đốt than là tác nhân chính gây ra khí CO2 và các chất ô nhiễm khác làm gia tăng sự nóng lên toàn cầu, gây ra sóng nhiệt, nước biển dâng, hạn hán và các sự kiện thời tiết khắc nghiệt khác.
Chính phủ Nhật Bản cho biết năng lượng tái tạo nên là nguồn năng lượng chính và nước này nên đặt mục tiêu trung hòa carbon càng sớm càng tốt, có thể vào sau năm 2050 để đáp ứng thỏa thuận khí hậu toàn cầu ở Paris (Pháp).
“Tuy nhiên, thảm họa nhà máy hạt nhân Fukushima hồi năm 2011 và việc dừng hoạt động các lò phản ứng của Nhật Bản đã làm tăng sự phụ thuộc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch lên gần 95% vào năm 2016, từ 80% vào năm 2010 và làm gia tăng 1/4 lượng khí thải carbon từ sản xuất điện”, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết.
Theo khảo sát của Reuters, Nhật Bản sẽ xây dựng gần 12,6 gigawatt (GW) công suất than mới trong thập kỷ tới.
Theo giám sát lưới điện của Nhật Bản, tổng công suất phát điện than của nước này khoảng 43 GW vào cuối tháng 3 và dự báo sẽ đạt 52 GW vào năm 2023.