LTS: Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, áp lực của việc tăng dân số, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra hết sức mạnh mẽ. Điều này đã gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường tại các dòng sông, suối. Khái niệm “dòng sông chết” ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại các dòng sông, suối còn là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm các nguồn nước ngầm.
Chính vì thế, vấn đề trả lại sự trong, sạch cho các dòng sông, suối là vấn đề luôn được xã hội quan tâm. Để rộng đường dư luận, Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường khởi đăng tuyến bài viết: “Những dòng sông, suối kêu cứu ở Thái Nguyên”, phản ánh tình trạng ô nhiễm của các dòng sông, suối nhằm mục đích kêu gọi cùng hành động chung tay bảo vệ môi trường nói chung và các dòng sông, suối nói riêng. Cùng với đó, tuyến bài đặt ra vấn đề là chính quyền các cấp cùng các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn đã đang và sẽ làm gì để "cứu" các dòng sông đang bị “bức tử” ? Giải pháp nào để khắc phục tình trạng ô nhiễm nói trên?...
Bài 1: "Thành phố Thép"... ngộp thở vì nước thải
Từ nhiều năm nay, người dân thành phố Thái Nguyên phản ánh tình trạng các dòng Suối Mỏ Bạch, suối Túc Duyên và suối Xương Rồng chảy trên địa bàn thành phố bốc mùi nồng nặc, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Cả thành phố nhiều khi "ngụp lặn" trong mùi xú uế bốc lên từ những con sông, con suối này...
Thái Nguyên là một tỉnh có mạng lưới sông suối khá dầy đặc và phân bố tương đối đều, trong đó có các hệ thống sông lớn như Sông Cầu, Sông Công, Sông Rong... Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên còn nhiều sông nhỏ khác phân bố đều khắp và một số hồ chứa tương đối lớn tạo ra nguồn nước mặt khá phong phú, phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân trong tỉnh.
Thành phố Thái Nguyên có nhiều con sông, suối lớn chảy qua. Tuy nhiên qua thời gian, nhiều con sông, dòng suối đã mất đi tác dụng của mình trở thành khởi nguồn những bức xúc của người dân.
Theo đó, thời gian gần đây, người dân tại phường Quang Vinh, thành phố Thái Nguyên dọc theo dòng suối Mỏ Bạch đang phải sống chung với mùi hôi thối từ dòng suối bốc lên. Dòng suối này là phụ lưu của kênh Núi Cốc và kết nối với nhiều suối nhỏ ở khu vực phường Thịnh Đán, Tân Thịnh, Quang Trung, Quyết Thắng, Quang Vinh…
Anh Trần Lương Thiện, tổ 8, phường Quang Vinh (TP.Thái Nguyên) cho biết: “Bao nhiêu năm chúng tôi phải sống chung với mùi hôi từ suối bốc lên, rác thải sinh hoạt, xác động vật cứ đổ trực tiếp xuống suối bảo sao không ô nhiễm. Vào mùa khô thì nước đọng lại đen sì, mùa mưa thì rác ngập lênh láng”.
Vào tháng 11/2022, trước tình trạng ô nhiễm của dòng suối, người dân đã phản ánh lên kênh tiếp nhận thông tin của UBND tỉnh Thái Nguyên với nội dung: “Suối Mỏ Bạch hai ngày hôm nay ô nhiễm rất nặng. Nhân dân rất bức xúc bởi đã xảy ra và được phản ánh nhiều lần, đề nghị các cấp chính quyền có biện pháp xử lý triệt để!”.
Tiếp thu ý kiến phản ánh của người dân, ngày 22/11/2022, UBND thành phố Thái Nguyên đã ban hành văn bản số 5805/UBND-TNMT yêu cầu UBND các phường, xã: Hoàng Văn Thụ, Quang Trung, Quang Vinh, Tân Thịnh, Quyết Thắng, Phúc Hà tổ chức kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm các hành vi xả nước thải, chất thải, lấn chiếm hành lang suối gây cản trở dòng chảy, ô nhiễm nguồn nước suối Mỏ Bạch. Đồng thời huy động nhân dân các xóm, tổ dân phố khu vực tuyến suối Mỏ Bạch chảy qua định kỳ tổ chức dọn vệ sinh môi trường, khơi thông dòng chảy, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước suối Mỏ Bạch.
Không chỉ riêng suối Mỏ Bạch, tình trạng suối Túc Duyên (bắt nguồn từ phường Trưng Vương, chảy qua phường Phan Đình Phùng và phường Túc Duyên) cũng đã “đổi màu” từ nhiều năm nay. Nguyên nhân là do nước thải sinh hoạt của người dân sinh sống gần khu vực đó xả trực tiếp xuống suối, công trường xây dựng khu dân cư Số 8 Thăng Long, phường Túc Duyên đang xây dựng có tình trạng đổ đất gây thu hẹp dòng chảy, khiến cho rác thải dồn ứ, nước suối không thoát được vào mùa mưa.
Bên cạnh đó, suối Xương Rồng (bắt nguồn từ khu vực tổ 11, phường Đồng Quang và chảy về đoạn giáp ranh giữa phường Phan Đình Phùng với phường Gia Sàng) cũng đã bị ô nhiễm từ nhiều năm nay.
Ông Mai Đức Doanh, tổ 3, phường Gia Sàng (TP Thái Nguyên) phản ánh: “Chúng tôi rất bức xúc bởi tình trạng ô nhiễm đã có từ lâu và cũng đã phản ánh với chính quyền nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm ngày càng trở nên nặng nề hơn”.
"Giữa trung tâm thành phố mà để ô nhiễm như này tôi thấy nó không ổn, thứ nhất là mỹ quan đô thị, thứ hai là vấn đề môi trường không đảm bảo. Một dòng suối nước bẩn như thế bao quanh trong lòng thành phố thì không thể gọi là một đô thị xanh sạch đẹp được, ảnh hưởng đến sức khỏe của bà con", Chị Tuyết người dân nơi đây nói.
Trao đổi với PV, ông Trần Đình Thìn - Chủ tịch UBND phường Phan Đình Phùng (TP.Thái Nguyên) cho biết: Sau khi có những phản ánh về tình trạng một số đoạn suối bị ách tắc rác thải, UBND phường cũng đã phối hợp với các bộ phận tiến hành kiểm tra xử lý. Tăng cường công tác kiểm tra việc đổ rác thải không đúng nơi quy định, vị trí bị ách tắc thì có phướng án khơi thông.
Tỉnh Thái Nguyên đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt thành phố Thái Nguyên tại phường Gia Sàng, với nguồn vốn 950 tỷ đồng (năm 2019), công suất 8.000m3 nước/ngày, đêm. Qua đó, nước thải sinh hoạt ở 9 phường trung tâm thành phố được đưa về xử lý, đạt chuẩn loại A (có thể sự dụng tưới tiêu, sản xuất nước sinh hoạt) trước khi xả ra sông Cầu.
Hiện tỉnh tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt của 10 phường, xã phía Nam thành phố, với công suất xử lý 8.000m3/ngày đêm, để đưa về Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tại phường Gia Sàng xử lý.
Thực tế cho thấy tình trạng các dòng suối tại TP Thái Nguyên đang bị ô nhiễm với nhiều mức độ khác nhau, nguy cơ tiềm ẩn bệnh tật thấy rõ. Qua đó, các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, phương án xử lý tận gốc vấn đề, có kế hoạch cụ thể trong việc tuyên truyền giúp người dân có nhận thức đúng đắn hơn trong nghĩa vụ bảo vệ môi trường.
PGS.TS Lưu Đức Hải – Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, thực trạng những dòng sông ô nhiễm, dòng sông không chảy (hay gọi là sông “chết”) đã được đề cập từ hàng chục năm nay, khi nhắc đến ai cũng bảo rằng: Biết rồi, nói mãi! Người ta hay nói là làm sao để "hồi sinh" những dòng sông "chết" này, nhưng giải pháp cụ thể thế nào lại ít được bàn đến. Vì thế, những dòng sông vẫn bị ô nhiễm ngày càng nặng hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân xung quanh và cảnh quan của thành phố.
Thạc sĩ quy hoạch đô thị Trần Tuấn Anh – Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, nước thải chưa được xử lý đổ ra sông là nguyên nhân trực tiếp gây ra ô nhiễm nhưng có nguyên nhân sâu xa hơn là những con sông này không chảy. Vì không lưu thông được dòng chảy, nước thải, chất thải bị đọng lại khi phân hủy sẽ bốc mùi và tạo ra khí độc, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân xung quanh.
(Còn nữa)
Nguyên Mạnh - Hải Tuyết