Nếu như các năm trước, Bộ GD&ĐT chỉ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) đối với ngành đào tạo giáo viên ở trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp căn cứ kết quả kỳ thi THPT quốc gia, thì mùa tuyển sinh 2019 là năm đầu tiên Bộ áp dụng điểm sàn thêm cả đối với khối ngành sức khỏe trình độ đại học.
Điểm sàn khối sư phạm, sức khỏe sẽ được công bố trước ngày 21/7 - Ảnh minh họa |
Các ngành được Bộ GD&ĐT áp dụng điểm sàn: Y khoa, Y học cổ truyền, Răng - Hàm - Mặt, Dược học, Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Dinh dưỡng, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng. Đối với các ngành khác, điểm sàn do các trường tự xác định.
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi THPT quốc gia 2019, các trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) bắt đầu dự báo được điểm chuẩn các ngành học năm nay sẽ tăng 1-2 điểm. Nhóm ngành đào tạo sức khỏe và sư phạm cũng nằm trong dự đoán này. Tuy nhiên, do điểm mới của hai nhóm ngành này còn phụ thuộc vào quy định điều kiện và ngưỡng chất lượng đầu vào từ Bộ GD&ĐT nên khiến nhiều trường và thí sinh (TS) lo lắng.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết, Bộ xác định điểm sàn khối sư phạm, sức khỏe trước ngày 21/7.
Năm 2019, khối ngành kinh doanh, quản lý thu hút nguyện vọng đăng ký nhiều nhất. Cụ thể, chỉ tiêu của ngành này ở hệ đại học có 126.473 nhưng số nguyện vọng đăng ký lên tới 822.956. Tiếp đó về khối ngành an ninh xã hội, an ninh quốc phòng với số nguyện vọng đăng ký cao thứ hai, với 739.587 nguyện vọng, trong khi chỉ tiêu hệ đại học chỉ tuyển 105.000 chỉ tiêu.
Khối ngành giáo viên có khoảng 100.000 nguyện vọng đăng ký, khối ngành sức khỏe cao hơn một chút với gần 200.000 nguyện vọng.
Năm nay, có một số trường thông báo kết quả xét tuyển trước khi xét tốt nghiệp, theo bà Phụng, các trường phải chịu trách nhiệm giải trình về quy chế tuyển sinh như: Thông báo kết quả xét tuyển học bạ trước khi xét tốt nghiệp; Xét tuyển học bạ đối với ngành sức khỏe không yêu cầu học lực khá, giỏi… Đồng thời, rà soát lại đề án tuyển sinh như: Chỉ tiêu, ngành, tổ hợp, tiêu chí phụ, điểm xét tuyển môn năng khiếu (nếu có)… phải chính xác với cơ sở dữ liệu đã khai báo trong Hệ thống nghiệp vụ thi và tuyển sinh.
Ông Kiều Phương Chi - Trưởng phòng Khảo thí Trường ĐH Sài Gòn cho rằng, tuy phổ điểm thi năm nay tăng hơn mọi năm nhưng điểm sàn của nhóm ngành đào tạo giáo viên chắc chắn giữ nguyên ở mức 17 điểm hoặc tăng nhẹ từ 0,5 đến 1 điểm. Và điểm chuẩn vào các ngành nhóm này cũng chỉ tăng nhẹ.
Lý do, theo ông Chi, số lượng thí sinh đăng ký vào nhóm ngành này tăng không nhiều, thậm chí nhiều ngành giảm. Do đó, mức điểm sàn này sẽ đảm bảo được việc tuyển sinh của các trường lớn cũng như ở các địa phương vì việc tuyển sinh đảm bảo nguồn nhân lực sư phạm ở các tỉnh là không dễ.
Ông Đinh Văn Quốc - Phó Trưởng phòng Đào tạo của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM khẳng định, điểm chuẩn vào các ngành đào tạo giáo viên năm nay sẽ tăng nhẹ ở một số ngành đông thí sinh đăng ký như mầm non, tiểu học... Tuy nhiên, tăng như thế nào còn phụ thuộc số thí sinh đăng ký theo từng ngành và việc điều chỉnh nguyện vọng của các em. Nhưng quan trọng là bằng việc quy định điểm sàn và các điều kiện đầu vào của thí sinh về học lực giỏi, khá sẽ sàng lọc được thí sinh và nâng chất lượng đầu vào.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: "Thực hiện tự chủ là một quá trình mình bạch, thực chất, công khai. Trường đã công bố đề án tuyển sinh thì cần thực hiện đúng tuyên bố trong đề án, tránh trường hợp có trường làm tốt, có trường chưa tốt ảnh hướng tới cả hệ thống".