Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, giông lốc và mưa đá trên địa bàn xảy ra tối 2/3 đã làm 4 người bị thương, hàng nghìn ngôi nhà bị hư hỏng.
Cụ thể, có 4 người dân ở phường Nguyễn Thái Học và Đồng Tâm, thành phố Yên Bái bị thương do mái nhà đổ. Hơn 2.000 ngôi nhà bị ảnh hưởng và thiệt hại, trong đó, bị sập đổ hoàn toàn 3 nhà ở huyện Yên Bình; 2.073 nhà ở thành phố Yên Bái và huyện Yên Bình bị tốc mái nhẹ.
Giông lốc cũng làm 23 cột điện ở thành phố Yên Bái gẫy đổ, 5 trường học bị hư hỏng mái; 10 trường bị hư hỏng đồ dùng học tập. Trên địa bàn cũng có trên 200 cây xanh bị gãy đổ, 7 xe ô tô bị cây đè hư hỏng; 1 nhà xưởng chế biên gỗ ép ở Văn Phú bị sập; nhà thể thao của Sở Văn hóa thể thao và Du lịch bị tốc mái hư hỏng. Ước tính thiệt hại do thiên tai khoảng 3 tỉ đồng, riêng thiệt hại về nông nghiệp hiện chưa có thống kê cụ thể.
Giông lốc, mưa đá gây thiệt hại lớn cho nhiều tỉnh Tây Bắc (Ảnh: báo Giao Thông) |
Tại tỉnh Lai Châu theo báo cáo nhanh từ Sở NN&PTNT, mưa đá trên địa bàn huyện Tân Uyên chiều 2/3 khiến 200 ngôi nhà bị thiệt hại, ảnh hưởng; 50ha chè, 20ha lúa, hơn 10ha cây rau màu, chanh leo bị gãy đổ. Sở NN&PTNT Lai Châu đang tiếp tục ước tính thiệt hại ở các địa phương khác trong tỉnh.
Mưa đá phủ kín một con đường ở tỉnh Lai Châu (Ảnh: báo Giao Thông) |
Đến sáng nay, 3/3/2020, ông Trần Văn Quế, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết trên địa bàn huyện lại vừa xảy ra một trận mưa đá với lưu lượng lớn.
Theo ông Quế, trận mưa đá nói trên xảy ra vào khoảng hơn 8h sáng 3/3 và kết thúc vào khoảng 9h sáng cùng ngày. Dù chỉ kéo dài khoảng gần 1 giờ đồng hồ, tuy nhiên những viên nước đá đã phủ trắng xóa địa bàn 2 xã Dào San và Mù Sang, trong khi xã Tung Qua Lìn chịu ảnh hưởng ít hơn.
“Hiện vẫn chưa có con số thống kê cụ thể về thiệt hại do trận mưa đá gây ra. Tuy nhiên qua thống kê sơ bộ, chúng tôi xác định cơn mưa đá này chỉ gây thiệt hại về nhà cửa, hoa màu, rất may không có thiệt hại về người.
UBND huyện Phong Thổ đang đẩy nhanh công tác thống kê thiệt hại để có biện pháp hỗ trợ, khắc phục hậu quả cho người dân”, ông Quế cho hay.
Qua những hình ảnh được chụp lại khi cơn mưa đá xảy ra, có thể thấy nhà cửa, đường xá đã bị phủ trắng xóa một lớp đá dày, gây khó khăn cho người dân khi di chuyển và sinh hoạt.
Mưa đá phủ trắng xóa tại khu vực gần trụ sở đồn Biên phòng tại xã Dào San (Ảnh: báo Dân Việt) |
Lớp đá dày đọng lại trên đường nhiều giờ đồng hồ chưa tan (Ảnh: báo Dân Việt) |
Đường sá bị một lớp đá dày phủ kín gây khó khăn trong việc đi lại của người dân (Ảnh: báo Dân Việt) |
Lực lượng chức năng đã đến hiện trường ngay sau khi trận mưa đá kết thúc để dọn dẹp đường sá, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn. (Ảnh: báo Dân Việt) |
Mưa đá phá huỷ nhiều diện tích rau màu sắp cho thu hoạch (Ảnh: báo Dân Việt) |
Nhiều vườn mận tam hoa quả còn xanh non bị mưa đá quật rụng sạch quả. |
Còn tại tại tỉnh Lào Cai, vào tối 2/3, mưa đá với cường độ nhẹ đã trút xuống xã Cam Đường và Tả Phời (TP.Lào Cai). Người dân địa phương cho biết, mưa đá kéo dài khoảng 5 phút và kèm mưa rào. Đường kính trung bình của hạt đá khoảng 1cm, những hạt lớn đạt mức 1,5cm. Rất may mưa với thời gian ngắn, hạt đá rơi thưa nên chỉ gây thiệt hại nhỏ một số diện tích rau xanh trong vườn của các hộ dân.
Người dân các địa phương cần tăng cường cao nhất công tác phòng chống thiên tai để giảm thiểu mọi thiệt hại. Các huyện vùng núi đề phòng mưa lớn cục bộ do điều kiện địa hình gây lũ quét bất ngờ trên các khe lạch nhỏ, trượt lở đất đá ở các đồi núi dốc.