Kiểm toán Nhà nước vừa công bố các kết luận về vấn đề tuân thủ công tác bảo vệ và đảm bảo môi trường tại các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) tại các tỉnh thành trên cả nước trong năm 2020.
Tại khu kinh tế Nghi Sơn, Kiểm toán Nhà nước cho biết, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành văn bản hướng dẫn công tác quản lý môi trường không đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý đối với đơn vị này.
Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, UBND tỉnh đã ủy quyền cho Ban Quản lý KKT Nghi Sơn thẩm định, phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho toàn bộ các dự án đầu tư vào KKT, KCN chưa hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường, chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đây là hành vi chưa phù hợp về phạm vi ủy quyền, chưa có ý kiến chấp thuận của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) theo quy định tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP và Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT.
Từ năm 2019, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 có hiệu lực đã bãi bỏ các điều khoản hướng dẫn ủy quyền tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP và không quy định về việc ủy quyền thẩm định, phê duyệt đánh giá tác động môi trường.
Đối với công tác thẩm định, phê duyệt hồ sơ, cấp phép đề án bảo vệ môi trường, Kiểm toán Nhà nước đánh giá công tác này còn hạn chế. Cụ thể, tỉnh phê duyệt đề án bảo vệ môi trường cho 3 cơ sở còn chậm, 5 cơ sở thiếu nội dung phương án phòng ngừa sự cố môi trường đối với hệ thống xử lý nước thải, 4 cơ sở kết quả phân tích nước thải xả ra môi trường có các chỉ tiêu vượt quy chuẩn.
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ rõ việc vi phạm khi UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép cho 6 dự án khi chưa phân tích đầy đủ các thông số ô nhiễm có khả năng phát sinh; 3 dự án chậm trễ trong việc đề nghị cấp phép xả thải nhưng chưa được Sở TN&MT đôn đốc, xử lý theo quy định.
Vẫn tại kết luận của Kiểm toán Nhà nước, 6 hồ sơ thẩm định, phê duyệt ĐTM có biên bản phiên họp chính thức Hội đồng thẩm định chưa tổng hợp đầy đủ ý kiến nhận xét, trao đổi của các thành viên Hội đồng; 5 hồ sơ chưa đầy đủ thông tin, tỉ lệ trồng cây xanh tối thiểu không đảm bảo theo quy chuẩn, xả nước thải chưa phù hợp với quy hoạch; 2 hồ sơ sử dụng kết quả của đơn vị tư vấn quan trắc môi trường thực hiện khi chưa đảm bảo điều kiện về một số chỉ tiêu phân tích.
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra thực trạng tỉnh Thanh Hóa đã thiếu biện pháp quản lý, giám sát tình hình khắc phục của các cơ sở vi phạm. Cụ thể, 22/23 cơ sở được thanh tra, kiểm tra và 31/33 cơ sở được hướng dẫn với trên 120 hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường có thể bị xử phạt theo quy định nhưng Sở TTN&MT, Ban Quản lý KKT chưa báo cáo cơ quan thẩm quyền, chưa có biện pháp xử lý nghiêm, đồng thời chưa kịp thời giám sát, theo dõi các cơ sở thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn.
Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng chậm trễ trong tiếp nhận, sử dụng dữ liệu quan trắc tự động. Theo đó, Sở TN&MT là cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận dữ liệu quan trắc phát thải tự động, liên tục (khí thải, nước thải) từ các cơ sở theo các quy định từ năm 2015 nhưng đến tháng 01/2020 Sở này mới bắt đầu tiếp nhận dữ liệu.
Điều này đã dẫn đến tình trạng Sở không kiểm soát thường xuyên, liên tục chất lượng xả thải của các cơ sở có quy mô xả thải lớn như Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn… hay không phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp không tuân thủ quy định bảo vệ môi trường.
Các trường hợp không tuân thủ quy định bảo vệ môi trường có thể kể đến như: Công ty cổ phần Xi măng Công Thanh hoạt động từ năm 2016 khi không được các cơ quan kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, không có hệ thống quan trắc tự động liên tục, xả khí thải có thông số NOx (là chất có khả năng gây tổn thương phổi và các bệnh về hô hấp) ra môi trường vượt quy chuẩn cho phép đối với với lưu lượng lớn; Công ty cổ phần Môi trường Nghi Sơn hoạt động từ năm 2015 đến tháng 10/2020 chưa vận hành hệ thống quan trắc nước thải, khí thải theo yêu cầu của Bộ TN&MT.
Đáng chú ý, theo Kiểm toán Nhà nước, KKT Nghi Sơn được xây dựng, vận hành từ năm 2007 đến thời điểm kiểm toán với hơn 109 dự án hoạt động nhưng không có hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và quy hoạch được duyệt, đặc biệt là hệ thống thu gom, xử lý nước thải.
Hệ thống cống thu gom nước thải sản xuất chưa được triển khai xây dựng; hệ thống thoát nước và thu gom nước mặt chưa hoàn thiện; chỉ có 3/21 đơn vị đang hoạt động trong 8 KCN thuộc KKT Nghi Sơn tham gia xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN.
Cùng với đó, Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, 34 cơ sở đang hoạt động tại đây có nguy cơ tác động xấu đến môi trường nhưng chưa có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; một số cơ sở chưa xây dựng, lắp đặt đầy đủ các công trình bảo vệ môi trường đối với nước thải, khí thải…
Theo các chuyên gia môi trường, xu hướng của thế giới hiện nay là nền kinh tế xanh và kinh tế các-bon thấp. Tuy nhiên, trước tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ hiện nay, để đạt được điều này cần cân bằng lợi ích giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường (BVMT). Theo đó, cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kiên quyết yêu cầu các chủ đầu tư, các doanh nghiệp trong KCN phải thực hiện công tác BVMT.
Cũng theo các chuyên gia, ô nhiễm môi trường do nguồn nước, không khí, chất thải rắn tại các KCN, CCN ở nước ta là một trong những tác nhân làm suy thoái môi trường và đe dọa trực tiếp đến các thành quả về phát triển kinh tế - xã hội, cũng như tác động trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Nhằm từng bước khắc phục tình trạng trên, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cần phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các doanh nghiệp, chính quyền, các tổ chức xã hội, cộng đồng trong lĩnh vực này.
Liên quan đến chế tài xử lý các vi phạm về môi trường tại các KKT, KCN, CCN, Bộ TN&MT và Sở TN&MT các địa phương đã phối hợp triển khai các hoạt động để đảm bảo nước thải phát sinh từ các KCN được giám sát chặt chẽ, hiệu quả. Trong đó, đã tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra về BVMT, gồm có nội dung về việc lắp đặt, vận hành các trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục của các KCN và có các hình thức xử phạt.
Cụ thể, phạt tiền từ 150.000.000 đồng - 200.000.000 đồng đối với hành vi không có thiết bị, hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục; phạt tiền từ 100.000.000 đồng - 150.000.000 đồng đối với hành vi lắp đặt thiếu một trong các thông số của thiết bị, hệ thống quan trắc nước thải tự động.
Kết quả dữ liệu của các trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục của các KCN cũng được Bộ TN&MT và các Sở TN&MT địa phương thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ. Bộ TN&MT cũng sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động tăng cường công tác kiểm soát, giám sát nước thải phát sinh từ các KCN.