Nhà hoạt động môi trường nhí Greta Thunberg trên bìa tạp chí TIME với danh hiệu Nhân vật của năm 2019. |
Greta Thunberg ngồi lặng yên trên con thuyền đưa mình vượt Ðại Tây Dương từ bang Virginia (Mỹ). Trong khoang thuyền là một quả địa cầu đã bạc màu, một cái đầu lâu trên vách và một chiếc áo mưa màu vàng. Ngoài kia, trận cuồng phong đang khuấy động mặt biển và chực xâu xé con thuyền sẽ đưa cô gái nhỏ này cùng cha mình và một vài người đồng hành tới Bồ Ðào Nha. Trong khoảnh khắc, tưởng như Greta chính là tâm bão. Một quyết tâm mãnh liệt giữa vòng xoáy của sự hỗn loạn. Lời nói của cô bé dường như đang được thiên nhiên khuếch đại qua những tiếng gào thét của gió bão: “Chúng ta không thể tiếp tục sống như không có ngày mai, bởi vì ngày mai sẽ luôn tới…”.
Chỉ không lâu nữa, con thuyền La Vagabonde sẽ đưa Greta cập cảng Lisbon (Bồ Ðào Nha) và cô sẽ tới Madrid (Tây Ban Nha), nơi Liên Hợp Quốc tổ chức Hội nghị về biến đổi khí hậu lần thứ 25. Ðây là hội nghị thượng đỉnh cuối cùng để các quốc gia thông qua những kế hoạch nhằm đáp ứng cam kết của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu trong năm 2020. Nếu như các nguyên thủ quốc gia không thống nhất đưa ra hành động cụ thể cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ Trái Ðất sẽ đạt mức tăng 1,5 độ C - điều mà các nhà khoa học cảnh báo sẽ đẩy khoảng 120 triệu người vào đói nghèo cũng như 350 triệu người sẽ phải đối mặt với hạn hán vào năm 2030.
Vấn đề sẽ càng thêm nghiêm trọng nếu như nhiệt độ tăng thêm dù chỉ một chút và đây không phải là chuyện hù dọa. Trong hàng thập kỷ, các nhà nghiên cứu cùng với các nhà hoạt động môi trường vẫn gặp khó khăn trong việc khiến nhà cầm quyền khắp thế giới phải lưu tâm đến những mối đe dọa đối với thiên nhiên. Vậy mà trong năm nay, chỉ một cô bé đã khiến cả thế giới phải chú ý.
Greta Thunberg khởi đầu chiến dịch của mình bằng việc bãi khóa vào tháng 8/2018. Cô bé đã dành nhiều ngày ngồi trước Tòa nhà Quốc hội Thụy Ðiển với tấm biểu ngữ tự chế mang thông điệp “Skolstrejk för klimatet” (Bãi khóa vì môi trường). Tới nay, Greta đã diễn thuyết trước những nguyên thủ quốc gia tại LHQ, gặp mặt Giáo Hoàng, tranh luận với tổng thống Mỹ và truyền cảm hứng tới hàng triệu người, tạo nên cuộc biểu tình vì khí hậu lớn nhất lịch sử vào ngày 20/11/2019 với sự tham gia của 4 triệu người. Cô bé được nhà văn Margaret Atwood ví như nữ thánh Jeanne d’Arc và hãng soạn từ điển Collins Dictionary đã chọn từ climate strike (bãi khóa hoặc đình công vì môi trường), bắt nguồn từ hành động tiên phong của Greta, là từ của năm. Không những vậy, hình ảnh và tên tuổi của Greta cũng xuất hiện rộng rãi qua những bộ trang phục Halloween hay những bức bích họa.
Mặc dù Greta không thể thay đổi bản chất chính trị về bảo vệ môi trường vốn luôn cổ hủ và phức tạp, cô bé lại thành công trong việc thức tỉnh hàng triệu người trên khắp thế giới, thay sự lo lắng mơ hồ thành hàng loạt những cuộc vận động, khẩn cầu sự thay đổi cấp bách. Cô bé đưa ra lời kêu gọi tinh thần cho những cá nhân sẵn sàng hành động và chỉ trích những kẻ có thái độ dửng dưng. Cô bé thuyết phục các nhà lãnh đạo từ thị trưởng thành phố cho tới thủ tướng quốc gia cam kết những điều mà họ vẫn chần chừ.
Nhờ công sức không ngừng nghỉ của Greta Thunberg, quốc hội Anh đã thông qua đạo luật nhằm xóa bỏ “dấu chân carbon” trên toàn đất nước. Không chỉ có vậy, cô còn hướng sự chú ý của nhân loại tới những hành động bất công với môi trường mà những nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi vẫn đang biểu tình ngày đêm. Với sự tiên phong của Greta Thunberg, hàng trăm ngàn bạn trẻ khác cũng tham gia dẫn dắt phong trào bãi khóa vì môi trường từ Lebanon tới Liberia. “Ðây là thời khắc của sự thay đổi. Xuyên suốt lịch sử nhân loại, những phong trào về tư tưởng chỉ trở thành cuộc cách mạng khi có sự tham gia của giới trẻ”, cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore, người đã giành giải Nobel Hòa bình nhờ hàng chục năm cống hiến cho hoạt động vì môi trường, nhận xét.
Greta viết nhật ký trên hành trình từ Lisbon tới Madrid tham dự Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu năm 2019. |
Greta Thunberg có bề ngoài trẻ hơn tuổi của mình với hai bím tóc nâu luôn được tết gọn gàng. Cũng như những người mắc hội chứng Asperger (hội chứng bệnh rối loạn phát triển) khác, cô bé không có khả năng kiểm soát và biểu lộ cảm xúc như những người bình thường. Không thích đám đông, không quan tâm những câu chuyện phiếm, không bị ảnh hưởng bởi những lời tâng bốc, chỉ trích hay hào quang của sự nổi tiếng, Greta luôn tập trung vào mục tiêu của mình và thẳng thắn nói lên ý kiến bằng những câu từ đơn giản. Chính những tính cách này đã khiến cô bé chiếm được thiện cảm của mọi người trên thế giới. Trong khi những người khác cười và nói về hy vọng nhằm xoa dịu căng thẳng, Greta lại thể hiện sự dữ dội khi nhắc lại những sự thật khoa học không thể chối cãi: Nước biển sẽ dâng, những thành phố sẽ bị nhấn chìm và hàng triệu người sẽ phải chịu thiệt hại. “Tôi muốn mọi người phải hoảng sợ. Tôi muốn mọi người cảm nhận được sự sợ hãi mà tôi thấy mỗi ngày. Tôi muốn mọi người phải hành động!” Greta Thunberg nói trước những CEO cùng các nhà cầm quyền thế giới trong diễn đàn kinh tế toàn cầu năm 2019 tổ chức vào tháng 1 tại Danvos, Thụy Sĩ.
Greta đặt chân tới Madrid tham dự Hội nghị thượng đỉnh cuối cùng của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu trước thời hạn năm 2020. |
Greta không phải thủ lĩnh của bất kỳ đảng phái nào, không phải là một nhà khoa học, không phải là người đầu tiên lên tiếng cảnh báo về khủng hoảng môi trường cũng như không phải là người giải quyết vấn đề phù hợp nhất. Cô bé vốn dĩ chẳng phải là nhân vật nổi tiếng có sức ảnh hưởng như tỉ phú, công chúa, ngôi sao hay chính trị gia. Thậm chí Greta còn chưa bước qua tuổi vị thành niên mà chỉ là một cô gái tuổi mới lớn bình thường. Tuy vậy, cô bé lại trở thành biểu tượng của thế hệ trẻ nhờ lòng dũng cảm, dám cất lên tiếng nói của chính mình. Với sự giận giữ và quyết liệt, Greta đã đề cập rạch ròi về những nguy hiểm vô hình đang rình rập và qua đó, cô bé trở thành nhân vật có sức thuyết phục lớn hơn cả trong vấn đề hệ trọng nhất mà hành tinh chúng ta đang phải đối mặt.
Không chỉ về hoạt động môi trường, Greta Thunberg còn trở thành biểu tượng cho sự phẫn nộ và đấu tranh của thế hệ trẻ toàn cầu trên mọi lĩnh vực nói chung: Tại Mỹ, giới trẻ đang tập trung thành lập tổ chức chống bạo lực súng đạn; Thanh niên các nước Nam Mỹ và châu Âu thì kêu gọi đổi mới kinh tế toàn cầu. Cô là lời nhắc nhở rằng không có ai cầm quyền mãi mãi, và thế hệ đi trước đang gây thất vọng với thế hệ sau bằng việc khiến lớp trẻ phải kế thừa bộ máy chính quyền kém cỏi, nền kinh tế bất trắc và sự sống hành tinh ngày một suy giảm. Ðồng sáng lập phong trào Mặt Trời Mọc tại Mỹ, Varshini Prakash đánh giá: “Cô bé là biểu tượng của sự phẫn nộ và tuyệt vọng cũng như phần nào là hiện thân cho hy vọng của những bạn trẻ thậm chí chưa đến tuổi bầu cử, khi tương lai của họ bị hủy hoại”.
Cuộc vận động của Greta nổi lên đúng vào thời điểm cấp bách. Mỗi một lượng carbon con người thải ra khí quyển mỗi năm lại đẩy Trái Ðất thêm một bước tới bờ vực diệt vong và sự sống chúng ta từng biết đến trên hành tinh này sẽ bị đảo lộn hoàn toàn. Chúng ta không thể để hành tinh mình phải gặp thêm một trở ngại nào nữa và đây là thời điểm vàng để hành động trước khi quá muộn.
Năm 2020 sẽ là một năm mang tính quyết định: Liên minh châu Âu EU lên kế hoạch áp thuế nhập khẩu đối với những nước không có hành động chống biến đổi khí hậu, ngành năng lượng toàn cầu sẽ phải đối mặt với khủng hoảng tài chính, Trung Quốc sẽ tái khởi động kế hoạch 5 năm và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới có thể sẽ được quyết định bằng câu hỏi liệu người đứng đầu của đất nước này có để tâm đến vấn đề môi trường hay không. “Khi lãnh đạo thường xuyên trông thấy lớp trẻ biểu tình với thông điệp mạnh mẽ như vậy, họ không thể mãi làm ngơ được. Chúng đã khiến tôi thay đổi”, Tổng thống Pháp Macron phát biểu. Người lãnh đạo phải đáp lại sức ép từ những phong trào tạo nên bởi những người có tư tưởng tân tiến và đôi khi cách tốt nhất để mở mang là nhìn thế giới với con mắt của một đứa trẻ.
*Còn nữa...