Cuộc họp HĐQT lần 36 bị huỷ đột ngột
Theo đơn thư phản ánh gửi báo chí, Công ty liên doanh Bông Sen vài năm gần đây đã phát sinh nhiều vấn đề vướng mắc rất phức tạp, khó giải quyết.
Cụ thể, quá trình quản lý và mua sắm tài sản của Cảng Lotus thực tế đã có những bất thường, nguy cơ thất thoát tài sản Nhà nước như: HĐQT đã quyết định bán cần cẩu Libherr còn mới và đang hoạt tốt tại cầu cảng K17 với giá 900.000 USD, thấp bằng một nửa giá thị trường cho công ty khác. Sau đó, HĐQT lại phê duyệt chi 2,5 triệu USD để mua sắm hai cần cẩu cũ không hoạt động gây lãng phí và thất thoát vốn đầu tư.
Đáng chú ý, 5 ha bãi chứa hàng của Công ty liên doanh Bông Sen là đất thuê của Nhà nước, đã được HĐQT Cảng Lotus đem góp vốn thành lập Công ty cổ phần Hàng hải Bông Sen vào năm 2008 với tỷ lệ sở hữu 49% vốn điều lệ, tương ứng giá trị 17,64 tỉ đồng. Sau đó kho bãi này đã được bán cho tư nhân để khai thác cùng một dịch vụ của Cảng Lotus trên chính cầu cảng của liên doanh Bông Sen.
HĐQT Cảng Lotus đã bán các tài sản, thoái vốn góp với giá rẻ làm dấy lên nghi vấn có thất thoát tài sản nhà nước? |
Không chỉ bán tài sản của liên doanh Bông Sen một cách khó hiểu, mà việc thoái 44% vốn của Nhà nước tại Công ty cổ phần hàng hải Bông Sen không qua thẩm định giá và không bán đấu giá vào tháng 4/2017 cũng gây ra nhiều nghi ngờ. Cụ thể, ông Phạm Huy Minh, Tổng giám đốc có công văn số 29/LTS/2017 báo cáo rằng qua 2 lần chào bán, đã bán thành công 1.564.000 cổ phần (tương đương 44% vốn điều lệ) và thu về số tiền là 17,5 tỉ đồng, cao hơn 12% so với giá trị mệnh giá chào bán.
Sau khi thoái vốn, Cảng Lotus chỉ còn nắm giữ 5% cổ phần của Công ty cổ phần Hàng hải Bông Sen, trong khi đó quyền lực chi phối đã thuộc về nhóm cổ đông chiến lược bên ngoài nắm giữ 24,55%; cán bộ công nhân viên 2 công ty nắm 64,16% và ông Phạm Huy Minh nắm 6,29%.
Ngày 17/7/2018, Bộ Công thương đã có Kết luận thanh tra số 5609/KL-BCT về việc Cảng Lotus thoái vốn tại Công ty cổ phần Hàng hải Bông Sen, trong đó kết luận việc không thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá để làm cơ sở xác định giá khởi điểm khi bán cổ phần là không phù hợp với quy định tại Khoản 2, Điều 29, Nghị định 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ và quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 31, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.
Những vi phạm bán phần vốn góp của Cảng Lotus đã làm dấy lên nghi vấn có hay không việc các cá nhân bán rẻ tài sản, gây thất thoát lớn cho Nhà nước, “rút ruột” làm giàu cho nhóm lợi ích? Bởi thực tế đã xảy ra vụ việc Vinalines bán cổ phần Cảng Quy Nhơn cho tư nhân thâu tóm, vi phạm quy định pháp luật và đã phải huỷ chuyển nhượng cổ phần, thu hồi lại tài sản khắc phục hậu quả…
Trước những bất thường trong việc mua bán tài sản và thoái vốn Nhà nước xảy ra tại Cảng Lotus, từ cuối năm 2018 đến nay, phía đối tác Blasco liên tục yêu cầu ông Phạm Trường Giang – Chủ tịch HĐQT Cảng Lotus tổ chức cuộc họp HĐQT lần thứ 36 để giải quyết các vướng mắc nhưng ông Giang không tổ chức họp, tìm cách né tránh…
Mới đây, Cảng Lotus thông báo sẽ tổ chức cuộc họp HĐQT lần thứ 36 để giải quyết vướng mắc theo đề nghị của phía Blasco - Ucraina vào sáng ngày 13/5/2019. Nhưng khi hai đại diện được uỷ quyền từ phía Blasco đến tham dự cuộc họp này thì ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty liên doanh Bông Sen lại thông báo cuộc họp HĐQT lần thứ 36 không thể diễn ra. Lý do huỷ họp là phía Công ty liên doanh Bông Sen không đồng ý tham dự cuộc họp với hai đại diện được uỷ quyền của phía Ucraina.
Công ty liên doanh Bông Sen không đồng ý tham dự cuộc họp HĐQT lần thứ 36 với hai đại diện được uỷ quyền của phía Blasco - Ucraina |
Vì sao ngăn cản đại diện Blasco làm việc?
Trong hoạt động quản trị điều hành Cảng Lotus nhiều năm qua đã xảy ra những mâu thuẫn, bất đồng lớn giữa đại diện hai bên góp vốn trong Công ty liên doanh Bông Sen.
Ngày 16/5/2019, Đại sứ quán Ukraina tại Hà Nội đã gửi công hàm số 6151/24-200-0381 gửi Bộ Công thương và Bộ Ngoại Giao Việt Nam đề nghị giúp đỡ ông Nosyk Yurii – Phó Tổng giám đốc thứ nhất của Cảng Lotus được trở lại cảng làm việc và thực hiện nhiệm vụ, là đại diện cho phía Blasco tại liên doanh này. Nhưng đến ngày 18/6/2019, ông Nosyk vẫn bị một số lãnh đạo công ty ngăn cản không cho trở lại cảng Lotus làm việc, thay khoá cửa phòng và không trả lương cho ông Nosyk kể từ tháng 11/2018 đến nay.
Theo Điều lệ của Công ty liên doanh Bông Sen, khi có vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh thì các bên phải tổ chức cuộc họp HĐQT để giải quyết vấn đề phát sinh đó. Phía Blasco đã nhiều lần gửi văn bản thông báo cho Vietrans đề nghị tổ chức họp HĐQT lần thứ 36 để giải quyết các vướng mắc, song cuộc họp đã bị trì hoãn.
Mới đây, ngày 27/6/2019 Cảng Lotus thông báo sẽ tổ chức họp HĐQT lần thứ 36 vào ngày 4 – 5/7/2019 tại TP.HCM, không đúng theo quy định “thời gian thông báo họp phải trước ngày tổ chức họp là 30 ngày” theo Điều 8.4 của Điều lệ Liên doanh Lotus.
Trong khi đó, đoàn đại diện Blasco sang Việt Nam có ông Viktor Dovgan, Thứ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng của Ukraine về hội nhập châu Âu đi cùng, đã có kế hoạch họp tại Đại sứ quán Ukraina ở Hà Nội từ ngày 4 - 6/7/2019.
Sự thay đổi lịch họp bất ngờ của lãnh đạo Lotus đã khiến cho phía đối tác Blasco thất vọng, không thể tham dự cuộc họp HĐQT và những bất đồng tại Liên doanh Bông Sen càng trở nên căng thẳng, khó giải quyết.
Không chỉ hoạt động điều hành Cảng Lotus có dấu hiệu “bất thường”, kém minh bạch, mà cơ quan pháp luật Ucraina cũng đã điều tra nhóm tội phạm liên quan tới liên doanh Bông Sen, đề nghị phía Việt Nam hỗ trợ tư pháp để điều tra, làm rõ những nghi vấn cấu kết chuyển tiền phi pháp.
Công ty liên doanh Bông Sen (Cảng Lotus) được thành lập trên cơ sở liên doanh đầu tư giữa Công ty Cổ phần giao nhận kho vận Ngoại thương (Vietrans) thuộc Bộ Công Thương Việt Nam và Công ty tàu Biển Đen (Blasco) của Ucraina từ năm 1991. Trong đó, Vietrans nắm sở hữu chi phối 63% vốn tại liên doanh. Hiện nay, Vietrans đang được Bộ Công Thương làm thủ tục chuyển sang cho Tổng công ty Đầu tư và Quản lý vốn Nhà nước (SCIC) quản lý. |