Kỳ 1: Hà Nội và những nỗ lực hướng tới phát triển bền vững

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, TP.Hà Nội đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận trong quá trình cụ thể hóa mục tiêu phát triển bền vững, phát huy vai trò đầu tàu, trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục của cả nước.
Hướng phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm ở Phú YênĐổi mới và sáng tạo trong thời đại phát triển bền vữngHành động quyết liệt để hiện thực hóa khát vọng phát triển bền vững

Thực hiện Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch 104/KH-UBND triển khai thực hiện kế hoạch phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 của thành phố Hà Nội nhằm mục tiêu đưa kinh tế Thủ đô tăng trưởng bền vững, đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội, khai thác và sử dụng tài nguyên hợp lý và hiệu quả, bảo vệ môi trường, giữ vững ổn định chính trị - xã hội.

tm-img-alt

Từ đó, hàng loạt nỗ lực xây dựng thành phố xanh, sạch đẹp, văn minh đã được triển khai; Công tác cải tạo và xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật được chú trọng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế được đẩy mạnh, từng bước thực hiện tăng trưởng xanh; Đảm bảo an sinh và duy trì ổn đinh xã hội, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh tạo việc làm, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; Phát triển bền vững các lĩnh vực văn hóa – xã hội, y tế, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ; Khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khôi phục và cải thiện chất lượng môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Vào thời điểm kết thúc kế hoạch phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 của thành phố Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Môi trường trân trọng điểm lại một vài dấu ấn quan trọng mà thành phố đã đạt được, đồng thời thông tin về định hướng của Thủ đô trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ở giai đoạn tiếp theo. 

Nhân thêm những mảng xanh

Phát động từ năm 2016, hết năm 2018, Hà Nội đã hoàn thành mục tiêu chương trình trồng mới “Một triệu cây xanh”, sớm trước thời hạn đề ra 2 năm. Trong giai đoạn 2019-2020, thành phố tiếp tục phát động trồng thêm 600.000 cây xanh.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, ông Hoàng Cao Thắng, chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh với sự quyết tâm, nỗ lực của UBND thành phố, các sở, ngành, đơn vị chức năng "về đích" sớm hơn so với kế hoạch đã mang lại thêm nhiều không gian xanh, tuyến đường xanh cho thành phố. Những không gian xanh, khoảng xanh vô cùng đáng quý với thành phố dân số đông và có tốc độ đô thị hóa nhanh như Hà Nội.

Phát huy kết quả đạt được, trong giai đoạn 2019-2020, Hà Nội đặt mục tiêu trồng thêm 600.000 cây xanh trên địa bàn. Tính lũy kế từ 2016 đến nay, thành phố đã trồng được hơn 1,6 triệu cây đô thị, bóng mát, đạt 100,9% kế hoạch.

Cam kết thành phố tham vọng, cắt giảm khí nhà kính

Năm 2017, nhận lời mời của Thị trưởng thành phố Seoul (Hàn Quốc) và được truyền cảm hứng từ lời hứa của Seoul, thành phố Hà Nội đã tham gia dự án cam kết “Thành phố tham vọng” với sự hỗ trợ của hội đồng quốc tế về sáng kiến môi trường địa phương ICLEI, nhằm rà soát và xác định mục tiêu hành động cắt giảm khí nhà kính để xây dựng lời hứa cho Hà Nội.

Hiện, thành phố đã lắp đặt 50 trạm cảm biến trong nhà tại các trường học, một số văn phòng... Tới đây, 20 trạm cảm biến dự kiến được lắp đặt tại quận Hoàn Kiếm nhằm giúp Thủ đô có một mạng lưới toàn diện về không khí. Bên cạnh đó, thành phố đã hạn chế được việc đốt rơm, rạ gây ô nhiễm môi trường. 

tm-img-alt
Hướng đến xây dựng thành phố Hà Nội xanh, sạch đẹp, đô thị thông minh. Ảnh minh họa. 

Đáng chú ý, nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính, 2 dự án thí điểm đã được triển khai tại Trung tâm Thể thao văn hóa phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, gồm: Dự án sân chơi tái chế và hệ thống năng lượng mặt trời áp mái.

Theo bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, trong năm 2020, thành phố sẽ tiếp tục xây dựng và cập nhập Kế hoạch lần thứ 3 với mục tiêu chung là đưa ra các hành động giảm thiểu và thích ứng với BĐKH trong từng giai đoạn ngắn, trung và dài hạn nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững.

Loại bỏ hơn 45.000 bếp than tổ ong

Để đẩy mạnh việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trên địa bàn, ngày 30/10/2019, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 15/CT-UBND đặt ra mục tiêu đến ngày 31/12/2020, Thành phố không còn sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu phục vụ sinh hoạt.

Trao đổi với báo chí, nhiều chuyên gia đánh giá chủ trương xóa bỏ bếp than tổ ong đến hết năm 2020 của thành phố Hà Nội là hoàn toàn đúng. Bởi đây là một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường, góp phần làm không khí Thủ đô thời gian qua lên đến mức ô nhiễm báo động, thuộc nhóm hàng đầu thế giới. 

Được biết, thành phố đã giảm từ 56.670 bếp than tổ ong (1/2017) xuống còn 15.418 bếp, giảm 72,8% tính đến tháng 6/2020. Đến hết tháng 9/2020, theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, thành phố còn hơn 11.000 bếp than tổ ong.

Xây dựng cụm công nghiệp theo hướng công nghiệp xanh

Hàng loạt dự án cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề có quyết định thành lập trong vài năm gần đây. Trong đó, thành phố Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư phải cam kết hoàn thành dự án theo đúng quy định và đúng tiến độ đã đề ra, nhất là phải đầu tư xây dựng cụm công nghiệp theo hướng công nghiệp xanh, sạch và ứng dụng khoa học công nghệ cao. Đảm bảo việc đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung áp dụng công nghệ xử lý môi trường hiện đại…

tm-img-alt
Chú trọng cảnh quan, đầu tư xây dựng cụm công nghiệp theo hướng công nghiệp xanh, sạch và ứng dụng khoa học công nghệ cao. Ảnh minh họa. 

Theo Sở Công Thương Hà Nội, từ khi Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính Phủ quy định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp có hiệu lực, đến nay, Sở đã trình UBND thành phố Hà Nội xem xét ban hành Quyết định thành lập 19 cụm công nghiệp với tổng diện tích 22 ha.

Ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, dự kiến đến cuối năm 2020, Hà Nội sẽ đưa 5 cụm công nghiệp vào sử dụng theo quyết định đã được phê duyệt của UBND thành phố Hà Nội từ năm 2018.

Khởi động phân loại rác tại nguồn, xây dựng nhà máy điện rác

Quý III/2020, Công ty TNHH MTV Môi trường và Đô thị Hà Nội (Urenco) phối hợp với UBND phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội triển khai thí điểm chương trình phân loại rác tại nguồn, đem nhựa quay trở lại nền kinh tế tuần hoàn thông qua hoạt động "Đổi rác thải tái chế lấy quà tặng". Chương trình triển khai đến hết năm 2025.

Là một trong những đô thị đông dân nhất cả nước, việc xử lý hàng nghìn tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày tại Hà Nội là vấn đề cấp thiết. Do đó, dự án Nhà máy đốt rác Thiên Ý (Sóc Sơn) được kỳ vọng sẽ hạn chế được vấn đề ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên đất so với phương pháp chôn lấp trước đây.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỉ đồng được UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương cuối năm 2017, do Công ty cổ phần Môi trường năng lượng Thiên Ý làm chủ đầu tư, Tổng thầu MCC (Trung Quốc) thực hiện. Nhà máy có công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày, dự kiến, lượng điện thu được từ nhà máy khoảng 75 MW điện/giờ.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, đến nay tiến độ thi công dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn đã đạt hơn 70%. Số lượng thiết bị phục vụ nhà máy đã nhập khẩu khoảng 80%. Chủ đầu tư cam kết đưa nhà máy vào vận hành, khai thác trong tháng 1/2021.

Còn nữa…

Vương Liễu
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết