Sau khi chuyển chủ về tay Tập đoàn Xi măng The Vissai, Nhà máy Xi măng Sông Lam 2 đã thoát khỏi bờ vực phá sản, song liên tục xảy ra nhiều tồn tại, vi phạm liên quan đến thủ tục giấy phép khoáng sản, gian lận sản lượng, tận thu khoáng sản… Trong vòng 3 năm, Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam 2 đã khai thác vượt tới 1,76 triệu tấn, vượt từ 470-528% công suất được phép khai thác.
Công ty Sông Lam 2 đã khai thác tận thu, gian lận vượt công suất hàng triệu tấn khoáng sản. |
Cuối năm 1997, Công ty Sông Lam 2 đã được cấp phép khai thác đá vôi tại mỏ Bắc Kim Nhan, xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An trên diện tích 11 hecta, trữ lượng được phép khai thác là 3,6 triệu tấn trong vòng 30 năm, công suất khai thác 120.000 tấn/năm và 765.000 tấn đá sét mỗi năm tại đây với công suất khai thác 25.500 tấn/năm.
Thời điểm thanh tra cuối năm 2019, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã phát hiện nhiều tồn tại, vi phạm của Công ty Sông Lam 2 trong hoạt động khai thác đá vôi, đá sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng cho Nhà máy xi măng Sông Lam 2.
Đáng chú ý, Công ty Sông Lam 2 đã khai thác vượt nhiều lần lượng khoáng sản quy định trong hai giấy phép của Bộ TN&MT. Cụ thể, trong năm 2016, sản lượng khai thác đá vôi của công ty là 754.096 tấn, vượt 528,4% công suất được phép khai thác.
Tương tự, trong hai năm 2017-2018, công ty đã khai thác từ 681.478 – 693.389 tấn đá vôi, vượt từ 468-478% so với công suất được phép khai thác. Như vậy, chỉ trong 3 năm công ty này đã khai thác tổng cộng gần 2,13 triệu tấn đá vôi, tức vượt hơn 1,76 triệu tấn so với công suất được phép.
Sông Lam 2 đã khai thác vượt công suất gấp 470-528% so với công suất quy định để “vơ vét” khoáng sản đá vôi. |
Ngoài ra, trong quá trình xây dựng nhà máy xi măng mới, Công ty Sông Lam 2 còn tiến hành thu hồi đá vôi làm vật liệu xây dựng một số hạng mục trong diện tích của dự án nhà máy, nhưng chưa đăng ký khu vực, công suất, khối lượng… với UBND tỉnh Nghệ An. Tổng lượng khoáng sản thu hồi trong 3 năm (2016-2018) lên tới 496.269 m3, tương đương 821.590 tấn. Doanh nghiệp cũng không đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, kế hoạch khai thác với địa phương nơi khai thác khoáng sản trong diện tích xây dựng các công trình.
Sản lượng khai thác đá vôi thực tế của Sông Lam 2 đã lên tới 2,95 triệu tấn, bằng 82% trữ lượng khai thác của 30 năm theo giấy phép, cho thấy sự bất chấp các quy định của pháp luật để “vơ vét” tài nguyên khoáng sản.
Chưa hết, theo báo cáo định kỳ hoạt động từ khi được cấp phép đến năm 2008, Công ty Sông Lam 2 đã khai thác được khoảng 144.565 m3 đá sét tại mỏ Bắc Kim Nhan. Do chất lượng đá sét không đáp ứng yêu cầu để sản xuất xi măng nên từ năm 2009 đến nay, công ty đã ngừng hoạt động khai thác đá sét, giữ nguyên hiện trạng khu mỏ. Thay vào đó, công ty này đã mua nguyên liệu đá sét của Công ty TNHH Xây dựng 262 Nghệ An và Công ty TNHH Vận tải 473 miền Trung từ năm 2016-2019.
Đáng chú ý, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam còn chỉ rõ những điểm không phù hợp trong giấy phép khai thác đá vôi tại mỏ Bắc Kim Nhan. Cụ thể, giấy phép khai thác số 2908/QĐ-ĐCKS quy định trữ lượng khai thác đá vôi của Công ty Sông Lam 2 là 3,6 triệu tấn, sản lượng khai thác là 120.000 tấn/năm và thời hạn khai thác 30 năm. Nhưng thiết kế khai thác trữ lượng được phép khai thác là 8,47 triệu tấn, công suất 102.980 tấn/năm, thời gian 70 năm và báo cáo chỉ thiết kế cho 20 năm đầu tiên.
Đoàn kiểm tra còn phát hiện trong quá trình đào đá, có một số vị trí khai thác có chiều cao tầng khai thác, góc nghiêng sườn tầng khai thác vượt mức so với tính toán trong thiết kế mỏ được phê duyệt, một số vị trí đá treo sau nổ mìn, vị trí dễ trượt lở có nguy cơ gây mất an toàn khi khai thác mỏ lộ thiên.
Ngoài trách nhiệm hoàn thiện thủ tục, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam yêu cầu Công ty Sông Lam 2 phải tổng hợp sổ sách, chứng từ liên quan tới hoạt động khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường… từ khi khai thác đến nay, nộp về UBND tỉnh Nghệ An để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với lượng đá vôi đã thu hồi.
Nhìn lại quá trình xây dựng Nhà máy xi măng Sông Lam 2, có thể thấy dự án này có số phận rất “hẩm hiu”, thi công dở dang do khó khăn tài chính của chủ đầu tư cũ. Cuối năm 2009, Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và Công ty cổ phần Xi măng Dầu khí 12/9 đã đầu tư nâng cấp Dự án Nhà máy Xi măng Dầu khí 12/9, thay đổi công nghệ từ lò đứng sang lò quay, nâng công suất từ 90.000 tấn xi măng lên 550.000 tấn xi măng/năm. Tuy nhiên, nhà máy đang xây dựng dở dang một thời gian thì phải dừng thi công vào giữa năm 2013 do PVC không còn đủ khả năng tài chính, gánh nợ vay đầu tư lớn. Chủ nhà máy đã rất chật vật tìm kiếm đối tác đầu tư để hoàn thiện hạng mục dở dang, giải quyết nợ vay, tạo việc làm cho người lao động…
Đến đầu tháng 3/2015, sau gần 2 năm tạm dừng thi công, Dự án Xi măng Dầu khí 12/9 đã được Tập đoàn Xi măng The Vissai mua lại và hoàn thiện nhà máy, đi vào sản xuất tháng từ 8/2015. Nhà máy xi măng Sông Lam 2 cung cấp ra thị trường miền Trung là 600.000 tấn xi măng PCB30 mỗi năm.
Trong năm 2019, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cũng đã tiến hành thanh, kiểm tra một loạt các mỏ đá vôi, đá sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng của các doanh nghiệp tại 3 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Tây Ninh như: Công ty cổ phần xi măng Sông Lam, Công ty cổ phần xi măng Sông Lam 2, Công ty xi măng Nghi Sơn khai thác đá vôi tại thị xã Hoàng Mai; Công ty cổ phần xi măng Vicem Hoàng Mai khai thác đá vôi tại huyện Quỳnh Lưu và huyện Tĩnh Gia; Công ty cổ phần xi măng Fico Tây Ninh khai thác đá vôi tại huyện Tân Châu. Tại tỉnh Kiên Giang, có 7 doanh nghiệp khai thác đá vôi trên địa bàn huyện Kiên Lương cũng được kiểm tra như: Công ty cổ phần xi măng Hà Tiên; Công ty cổ phần xi măng Hà Tiên 1; Công ty cổ phần phân bón và hóa chất Cần Thơ; Công ty cổ phần xi măng Kiên Giang; Công ty trách nhiệm hữu hạn Siam City Cement, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đức Quân, Công ty trách nhiệm hữu hạn An Phát… |