Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ 25/6 đến 27/6) với hơn 887.000 học sinh trên cả nước đăng ký tham gia. Ngày mai (24/6), các thí sinh sẽ đến điểm thi để làm thủ tục và nghe phổ biến quy chế thi.
Một trong các khâu đang được quan tâm trong kỳ thi THPT Quốc gia hiện nay là nhân sự tham gia công tác coi và chấm thi. Sự công bằng, nghiêm túc của kỳ thi phụ thuộc rất nhiều vào sự công tâm và khách quan của đội ngũ nhân sự này.
Công tác coi thi và chấm thi phải hết sức thận trọng - Ảnh minh họa |
Theo nhận định của Bộ GD&ĐT, trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, khâu chấm thi đã có những giải pháp kỹ thuật để chống gian lận. Vì vậy, khâu coi thi, khâu làm đề cần phải được chú ý sát sao. Vì rất có thể những gian lận tập trung ở hai khâu này. Nhất là vấn đề lộ, lọt đề thi sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến toàn kỳ thi.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, rút kinh nghiệm tổ chức thi các năm trước, nhất là năm 2018, Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 theo hướng giữ ổn định về phương thức tổ chức như các năm 2017, 2018 để không ảnh hưởng đến quá trình dạy và học của giáo viên, học sinh. Đồng thời, thực hiện một số điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập để đảm bảo tổ chức kỳ thi nghiêm túc, khách quan, an toàn.
Ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: Các địa phương cần chú ý đối tượng thí sinh tự do. Năm 2018, có thể thấy đối tượng này khá phức tạp. Do đó, cần phải quan tâm đặc biệt đến những thí sinh này.
Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng cùng đại diện của A06, A03 Bộ Công an đều nhắc nhở các địa phương vai trò của lực lượng công an, lực lượng thanh tra, lực lượng giám sát trong quá trình tổ chức kỳ thi.
Trong kỳ thi năm nay, Bộ GD&ĐT tăng cường sự tham gia của các trường đại học trong khâu coi thi và chấm thi. Trong đó ở khâu chấm thi, trường đại học (ĐH) sẽ giữ vai trò chủ trì chấm thi trắc nghiệm. Bên cạnh việc bố trí cán bộ coi thi, chấm thi đã có nhiều kinh nghiệm thì do năm nay có nhiều điểm mới trong quy trình tổ chức nên các trường đều nâng cao công tác tuyển chọn và tập huấn cho cán bộ, giảng viên.
Bộ GD&ĐT sẽ trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24h. Sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường tính bảo mật và chức năng giám sát để ngăn ngừa các can thiệp trái phép.
Theo đó, mã hóa dữ liệu tạo ra trong quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm để tránh người dùng can thiệp và đảm bảo trong suốt quá trình xử lý bài thi, cán bộ xử lý bài thi không thể có được thông tin về mối liên hệ giữa thông tin cá nhân của thí sinh với phần nội dung trả lời trắc nghiệm (đây là một hình thức đánh phách điện tử Phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh).
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của Bộ GD&ĐT và của các trường ĐH, CĐ đối với việc chấm bài thi tự luận (môn Ngữ văn) do sở GD&ĐT chủ trì.