Lâm Đồng: Bãi rác Cam Ly lại sạt lở do khai thác đá trái phép

Vụ sạt lở mới này chưa gây ảnh hưởng lớn đến nhà kính và hoa màu của người dân phía dưới, tuy nhiên, khoảng cách từ đống rác khổng lồ này chỉ cách vườn của các hộ dân vài chục mét.
Ươm tạo các dự án xã hội thúc đẩy hành động vì khí hậuThiết lập hệ thống quản lý phế thải nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trườngÔ nhiễm đại dương gia tăng do đại dịch Covid-19

Dù mới bắt đầu vào mùa mưa, nhưng bãi rác Cam Ly rộng 12ha (phường 5, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) lại bắt đầu sạt lở, có nguy cơ tràn lấp lên khu vực sản xuất của các hộ dân canh tác phía dưới.

Nguyên nhân ban đầu được xác định một phần do tình trạng khai thác đá trái phép ngay giữa vùng lõi của bãi rác này gây ra.

Có mặt tại bãi rác Cam Ly, phóng viên TTXVN ghi nhận tình trạng hàng trăm tấn rác bị đổ xuống thung lũng, lấp 1 góc vườn đang canh tác hoa màu của người dân. Đây cũng vẫn là vị trí sạt lở xảy ra vào tháng 8/2019, khiến cả nghìn tấn rác đổ xuống vườn nhà dân.

Vụ sạt lở mới này chưa gây ảnh hưởng lớn đến nhà kính và hoa màu của người dân phía dưới. Tuy nhiên, khoảng cách từ đống rác khổng lồ này chỉ cách vườn của các hộ dân vài chục mét, nếu thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều, đất mềm gây sạt lở, rác tràn xuống chôn lấp khu vực canh tác của người dân là điều không thể tránh khỏi.

Một số người dân cho biết, đợt mưa 2 tuần vừa qua khiến số rác được chôn lấp sơ sài bên trên không kết dính hoặc mất kết dính dẫn đến sạt lở xuống bên dưới.

Đáng chú ý, khi tiến vào vùng lõi của bãi rác, phóng viên ghi nhận thêm tình trạng khai thác đá tràn lan, có đường ôtô, đường điện đến tận nơi để phục vụ khai thác.

Khu vực đào đá tạo thành những bờ taluy âm sâu gần chục mét, phía trên là lượng rác rất lớn. Nếu tiếp tục đổ rác bên trên sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây sạt lở.

Ông Nguyễn Như Việt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường 5 cho biết: "Hiện, toàn bộ khu vực bãi rác Cam Ly do Công ty Cổ phần dịch vụ đô thị Đà Lạt quản lý. Vì vậy, việc khai thác đá trong khu vực này cũng do đơn vị trên thực hiện. Phường 5 có nhiệm vụ báo cáo cho thành phố những việc liên quan đến sạt lở, ảnh hưởng đến người dân để xử lý”.

Theo ông Võ Ngọc Trình - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt, việc khai thác đá trong khu vực bãi rác là hoàn toàn trái phép. Thành phố sẽ cho kiểm tra sự việc trên và xử lý theo quy định.

Ngày 26/6, các cơ quan chuyên môn của thành phố đã xây dựng phương án, trình lên cấp trên để có thể xử lý dứt điểm, đóng cửa bãi rác Cam Ly. Hiện, mỗi ngày thành phố Đà Lạt thải ra trên 200 tấn rác thải, trong đó gần 50% lượng rác này được xử lý theo công nghệ hiện đại tại Nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Đà Lạt.

Do nhà đầu tư chưa thực hiện đúng quy mô của dự án nên hiện tại, nhà máy này mới chỉ xử lý được 80 tấn rác mỗi ngày. Số còn lại vẫn phải đưa tới bãi rác Cam Ly xử lý theo quy trình chôn lấp.

Ủy ban Nhân dân thành phố đang xây dựng kế hoạch, làm việc với chủ đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Đà Lạt là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Môi trường Năng lượng xanh để nâng cấp quy mô, đảm bảo xử lý 100% lượng rác thải trên địa bàn thành phố và đóng cửa bãi rác Cam Ly trong vài tuần tới.

Được đưa vào sử dụng từ năm 1976, bãi rác Cam Ly có diện tích 12 ha, xử lý rác theo phương pháp thủ công là chôn lấp và phun hóa chất. Năm 2003, bãi rác này đã được Chính phủ đưa vào danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cần được xử lý triệt để.

Năm 2015, khi Nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt đi vào vận hành, tỉnh Lâm Đồng ra quyết định đóng cửa bãi rác. Sau đó, khu vực này đã được giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên dịch vụ đô thị thành phố Đà Lạt đầu tư để xây dựng vườn ươm Cam Ly.

Trong quá trình hoạt động, Nhà máy xử lý rác nhiều lần phải ngưng nhận rác để hoàn chỉnh dây chuyền. Rác thải không còn nơi chứa, lại đưa về bãi Cam Ly. Từ 2015 đến nay khối lượng lên tới 110-140 tấn/ngày và đã quá tải.

Đỉnh điểm của sự việc là từ đêm 7/8/2019, mưa lớn đã làm bãi rác này bị sạt lở. Một núi rác khổng lồ từ bãi rác Cam Ly bất ngờ đổ ập xuống triền đồi, chôn lấp nhà kính, vườn rau, hoa, nông cụ, đất sản xuất của 7 hộ nông dân ở bên dưới, khiến nhiều hộ dân bị thiệt hại nặng…

Chu Quốc Hùng
Theo Vietnamplus