Đại dịch đã "đầu độc" đại dương bằng khẩu trang y tế và găng tay. (Ảnh: Opération Mer Propre) |
Mới đây, tổ chức phi lợi nhuận về hoạt động làm sạch biển của Pháp mang tên Opération Mer Propre cho biết, rất nhiều khẩu trang y tế và găng tay cao su được tìm thấy ngoài khơi bờ biển thị trấn Antes của Pháp.
Ông Joffrey Peltier – đồng sáng lập của tổ chức cho biết: "Đây là những dấu hiệu đầu tiên của một loại ô nhiễm mới. Trên biển, chúng tôi tìm thấy tất cả các vật dụng mà người Pháp cần và sử dụng hàng ngày. Khẩu trang là một vật dụng thiết yếu mới do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mọi người ném chúng xuống cống và cuối cùng chúng ở dưới đáy đại dương".
Tổ chức này cho biết họ nhặt được 4 khẩu trang và 10 găng tay trong khoảng thời gian 2 giờ. Thông tin này đã gây phẫn nộ và được chia sẻ hơn 8.300 lần trên trang mạng xã hội Facebook.
Tổ chức làm sạch biển Opération Mer Propre ở Pháp đã nhặt được rác thải y tế dưới đáy biển. (Ảnh: Opération Mer Propre) |
Các nhà hoạt động môi trường đang đưa ra cảnh báo nguy hiểm khi đại dịch Covid-19 khiến ô nhiễm đại dương gia tăng. Họ lo ngại rác rác thải y tế có thể đe dọa các sinh vật biển sau khi tìm thấy hàng loạt găng tay, khẩu trang, vỏ chai thuốc khử trùng, những chiếc cốc và lon nhôm dùng một lần bên dưới lòng Địa Trung Hải.
Khẩu trang dùng một lần được làm từ polystyrene – một loại nhựa. Sẽ mất tới 400 năm để một khẩu trang có thể phân hủy. Chúng hiện đang trôi nổi và có thể dễ dàng bị nuốt bởi một động vật.
"Chúng tôi muốn mọi người hiểu rằng khẩu trang cuối cùng sẽ thành rác thải, giống như mọi thứ khác và họ cần phải vứt chúng vào thùng rác” - Joffrey Peltier lên tiếng cảnh báo.
Các nhà chức trách ở Pháp đang đưa ra một dự luật sẽ tăng tiền phạt cho việc vứt trái phép khẩu trang và găng tay ở các khu vực công cộng từ 76 USD lên 337 USD.
Vào giữa tháng 5, chính phủ Pháp đã đặt lô hàng một tỉ khẩu trang, chúng sẽ được phân phát từ nay đến tháng 12/2020.
Trong những năm gần đây, các nhà môi trường đã liên tục đưa ra những cảnh báo về tình trạng ô nhiễm nhựa tăng vọt, "đầu độc" các đại dương và sinh vật biển. Theo ước tính của tổ chức Môi trường LHQ vào năm 2018, có tới 13 triệu tấn nhựa đi vào đại dương mỗi năm. Địa Trung Hải đã có 570.000 tấn nhựa chảy vào nó hàng năm - tương đương với mỗi phút có 33.800 chai nhựa bị vứt xuống biển. Còn theo thống kê của Tổ chức Bảo vệ môi trường biển Ocean Conservancy của Mỹ thì mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn nhựa thải ra biển trên toàn thế giới. Tổ chức này cũng dự báo là tới năm 2025, cứ 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa. Cũng theo Ocean Conservancy, trong số 8 triệu tấn rác thải nhựa bị thải ra biển đó thì có: 94% rác thải nhựa tập trung ở đáy đại dương với mật độ 70 kg/km2; 1% rác thải nhựa nổi trên bề mặt biển với mật độ 0,74 kg/km2; 5% rác thải nhựa ở gần bờ biển với mật độ 2.000kg/km2. Điều này cho thấy số lượng rác thải nhựa trên biển mà chúng ta nhìn thấy chỉ là một con số rất nhỏ so với số lượng thực tế. |