Lâm Đồng: Loạn phân lô bán nền và những quả đồi xanh bị hủy hoại?

Máy múc, máy ủi từng ngày cạo trọc nhiều quả đồi ở tỉnh Lâm Đồng để phục vụ cho mục đích phân lô bán nền. Việc này khiến cảnh quan thiên nhiên bị biến dạng, nguy cơ tác động xấu tới môi trường.
Bị phạt đến 1 tỉ đồng nếu phân lô bán nền sai quy địnhKhánh Hòa: Kiểm soát tình trạng phân lô bán nền trái phépBộ Xây dựng: Siết chặt phân lô bán nền, chuyển đổi đất sai phạmChủ đầu tư ngang nhiên phá vỡ quy hoạch, phân lô bán nền

Đại công trường tàn phá cảnh quan

Đầu tháng 4/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp có ý kiến chỉ các sở, ngành đình chỉ hoạt động các công trình xây dựng trên địa bàn có biểu hiện lách luật để phân lô bán nền. Đồng thời giao Công an tỉnh Lâm Đồng chủ trì phối hợp cùng các đơn vị liên quan điều tra các sai phạm liên để xử lý theo quy định. Trong thời gian đó, ông Việt yêu cầu tạm đình chỉ hoạt động và tiến hành thống kê toàn bộ các khu vực san gạt, mở đường và phân lô, bán nền trên địa bàn đê báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét, xử lý. 

Thế nhưng theo ghi nhận thực tế của Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, thời điểm cuối tháng 4/2021 tại TP.Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm, TP.Đà Lạt... tình trạng thi công phục vụ phân lô bán nền vẫn ngang nhiên diễn ra khiến diện tích đất rừng bị thu hẹp, nhiều quả đồi bị hủy hoại nghiêm trọng.

tm-img-alt
Một trong nhiều quả đồi ở xã Đam Bri – TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng đang bị “cạo trọc” để phân lô, bán nền.

Nhìn từ trên cao, TP.Bảo Lộc biến dạng, lộ ra những khoảng trắng, đỏ xen lẫn màu xanh của núi rừng. Nguyên nhân là do các khu đất ấy đang bị bạt đi để lấy mặt bằng phân lô, bán nền.

Xã Đam Bri được xác định là điểm nóng, lâu nay nở rộ các khu đất "đội lốt" hiến đất làm đường để phục vụ việc phân lô bán nền tại TP.Bảo Lộc. Chỉ tính riêng khu vực gần thác Đambri đã có trên chục khu đất được quảng cáo dưới tên dự án bất động sản đang thực hiện tách thửa bán. Hàng loạt khu đất đồi vốn từng là nơi trồng chè, cà phê bị bạt đi, tình trạng san ủi, xây dựng vẫn đang diễn ra hàng ngày.

Anh Hoàng Phi Hùng, một nhân viên kinh doanh bất động sản trên địa bàn dẫn khách đi xem một số dự án tại TP.Bảo Lộc cũng phải thốt lên rằng: "Không thể đếm nổi xung quanh đây có bao nhiêu khu đất đang được rao bán".

Người này nói tiếp: "Những người đến đây mua đất chủ yếu là dân từ TP.Hà Nội và TP.HCM lên để đầu tư. Họ không có nhu cầu ở thực mà chỉ lướt sóng, có lời sẽ bán luôn. Phần ít còn lại thì xây kiểu biệt thự nghỉ dưỡng để kinh doanh, cho khách du lịch thuê lại".

Tiếp giáp với TP.Bảo Lộc là huyện Bảo Lâm cũng đang loạn các thông tin về dự án phân lô bán nền, lấy đi hàng trăm ha đất đồi núi. Ghi nhận của Kinh tế Môi trường, tại một quả đồi thuộc xã Lộc Quảng cho thấy, toàn bộ cây trồng bị chặt hạ, chủ đầu tư đưa công nhân, các phương tiện thi công vào san ủi, lấp suối để phân lô bán nền.

tm-img-alt
Những cánh rừng ở TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng đang bị tàn phá nghiêm trọng, gây biến dạng cảnh quan, nguy cơ tác động xấu tới môi trường.

Theo quảng cáo của chủ đầu tư, cả quả đồi này rộng 13,5 ha sẽ được phân thành 3 cụm liên khu với nhau, quy mô hơn 450 nền biệt thự. Nhân viên môi giới ở đây thông tin: "Cả quả đồi này trước đây vốn là đất trồng cà phê nhưng sau đó chủ đầu tư đứng ra thu mua, đứng dưới dạng cá nhân rồi phát triển từng lô đất nền theo tìm nhìn của dự án bất động sản".

Xung quanh dự án này có gần 10 khu đất khác đã và đang thực hiện san ủi, bạt đồi, lấp suối rồi phân ra thành từng lô rao bán trên các trang thông tin đại chúng khác nhau.

Tại TP.Đà Lạt, nhiều vùng đất đồi núi cũng đang bị bạt đi để nhường chỗ cho các dự án bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng mọc lên. Đi theo những dự án này là số lượng cây thông cổ thụ bị chặt hạ không hề nhỏ.

Theo thông tin mà chúng tôi tìm hiểu, Công ty CP Đầu tư Thành Thành Công, đơn vị đang thực hiện dự án TTC World rộng 220 ha tại Phường 8, TP.Đà Lạt, sau 4 năm thực hiện, dự án cũng đã lấy đi không nhỏ diện tích đất rừng để xây dựng lên Thung lũng tình yêu với vườn hoa cẩm tú cầu và hơn 30 kỳ quan thế giới thu nhỏ. Mặc dù vậy, trong quá trình xây dựng, doanh nghiệp này cũng đã mắc nhiều sai phạm như xây dựng không phép công trình cầu kính, hàng trăm cây thông cổ thụ nằm trong dự án cũng bị chết cháy.

tm-img-alt
Dự án TTC World của Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Thành Công lấy đi 220 ha đất rừng ở TP.Đà Lạt.

Lo ngại từ những dự án "ma"

Chính quyền UBND xã Đam B’ri – TP. Bảo Lộc cũng từng thừa nhận vào giữa tháng 4/2021 rằng, hiện nay trên địa bàn không có bất kỳ dự án bất động sản nào. Điều đó cũng có nghĩa, các khu đất được quảng cáo trên các kênh truyền thông điện tử dưới tên dự án bất động sản ở xã Đam B’ri đều là những “dự án ma”.

Nói về một số khu đất đang được quảng cáo dưới mác dự án bất động sản phân lô bán nền vào đầu tháng 3/2021, Chủ tịch UBND TP.Bảo Lộc Đoàn Kim Bình cho hay, đây không phải là dự án khu dân cư vì các nơi này hầu hết không có giấy phép. UBND TP.Bảo Lộc từng có văn bản chấn chỉnh tình trạng này công bố rộng rãi, giúp người mua tránh rủi ro khi đầu tư.

Trong khi đó, người dân sống quanh khu vực lo ngại, khi những quả đồi bị bạt đi nhường chỗ cho dự án bất động sản sẽ không còn thứ gì giữ nước mỗi khi trời đổ mưa. Có thể một ngày nào đó, sạt lở xảy ra như đã từng có ở miền Trung lấy đi sinh mạng của nhiều người. 

Sau khi Tạp chí Kinh tế Môi trường liên hệ với cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng phản ánh về thực trạng trên, ngày 26/4/2021, Văn phòng đăng ký đất đai - Sở TN&MT Lâm Đồng đã có văn bản gửi đơn vị quản lý đất trên địa bàn huyện Lâm Hà, huyện Bảo Lâm, TP.Bảo Lộc yêu cầu kiểm tra, xác minh hiện trạng sử dụng đất, cung cấp thông tin về nguồn gốc đất... tại những khu vực mà Tạp chí Kinh tế Môi trường phản ánh, báo cáo về Sở TN&MT Lâm Đồng trước ngày 3/5/2021.

(Còn nữa)

Thanh tra việc phân lô bán nền tại Lâm Đồng

Đầu tháng 4/2021, Thanh tra Bộ TN&MT vừa cho biết, theo Quyết định số 561/QĐ-BTMT của Bộ TN&MT, đơn vị sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về lĩnh vực đất đai tại TP.Bảo Lộc, TP.Đà Lạt, huyện Lâm Hà và huyện Bảo Lâm. Đây là những điểm nóng nổi lên thời gian gần đây ở tỉnh Lâm Đồng về tình trạng “hô biến” đất nông nghiệp thành “dự án”.

Theo đó, Thanh tra Bộ TN&MT yêu cầu Lâm Đồng  báo cáo tình hình ban hành các văn bản, hướng dẫn thực hiện về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; giao đất; cho thuê đất; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tách, hợp thửa; hiến đất hoặc trả lại đất của người sử dụng đất cho Nhà nước. Đồng thời, báo cáo cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện (từng bước, thời gian, đơn vị hoặc cá nhân có thẩm quyền thực hiện của từng thủ tục hành chính) các vấn đề trên.

Lập thống kê các văn bản kèm theo của việc ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan đến những vấn đề tách, hợp thửa; hiến đất hoặc trả lại đất cho Nhà nước; phân lô, bán nền. Thống kê kết quả việc lập, thực hiện quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011 – 2020, yêu cầu đánh giá ưu điểm, tồn tại, vướng mắc, bất cập và kiến nghị trong quá trình thực hiện.

Đối với việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ ngày 1/7/2014 đến nay, yêu cầu huyện báo cáo: Số lượng, số quyết định giao đất; số hộ gia đình, cá nhân được giao đất; tổng diện tích giao (diện tích đất được giao sử dụng vào từng mục đích). Số lượng, số quyết định cho thuê đất; số hộ gia đình, cá nhân được cho thuê đất; tổng diện tích cho thuê đất (diện tích đất cho thuê sử dụng vào từng mục đích).

Số quyết định, số lượng cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; số hộ gia đình cá nhân được phép chuyển mục đích; tổng diện tích cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó diện tích sử dụng từng mục đích trước khi cho phép, diện tích cho phép chuyển sang sử dụng vào từng mục đích. Đánh giá kết quả công tác giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn huyện và lập biểu thống kê theo từng năm các cá nhân.

Ngoài Lâm Đồng, Thanh tra Bộ TN&MT cũng thực hiện thanh tra việc phân lô bán nền tại tỉnh Khánh Hòa và Bình Thuận.

Đông Tẩu – Nguyễn Thu
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường