Làm sạch môi trường hồ nước

Những dòng chảy uốn lượn, những hồ nước, cây xanh tạo nên vẻ đẹp đặc trưng cho Hà Nội. Tuy nhiên, môi trường của nhiều sông, hồ đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Với mục tiêu xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, thời gian qua, thành phố đã tập trung các nguồn lực để xử lý ô nhiễm các hồ nước, tìm giải pháp cải tạo các dòng sông, từng bước trả lại vẻ đẹp của thành phố sông hồ.
Bảo vệ sức khỏe trước tình trạng ô nhiễm không khíKhông khí ô nhiễm, người Hà Nội có muôn kiểu “bảo vệ đường thở”Hạt vi nhựa gây mối lo lắng lớn trên thế giới
lam sach moi truong ho nuoc
Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội nạo vét làm sạch môi trường hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Phương Thảo

Nếu có dịp dạo quanh hồ Hoàn Kiếm trong những ngày này, nhiều người sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của Hà Nội. Cây xanh rủ bóng xuống hồ nước trong xanh. Mực nước hồ thường xuyên giữ ở mức cao. Anh Nguyễn Văn Long ở phố Hàng Trống chia sẻ, cách đây vài năm, vào mùa khô, do không có nguồn nước bổ cập cho nên mực nước hồ hạ thấp, nhiều khu vực gần bờ nước chỉ còn từ 50 đến 60 cm. Nước bị ô nhiễm, nổi váng, do tảo nở hoa dày đặc và bốc mùi hôi khó chịu. Sau khi thành phố nạo vét hồ Hoàn Kiếm đến nay, nước hồ sạch sẽ, không còn mùi hôi khó chịu. Mầu nước trong xanh đặc trưng của hồ Lục Thủy được hồi sinh, mang lại vẻ đẹp cho thắng cảnh ở trung tâm Thủ đô.

Theo đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội, công ty đã nạo vét khoảng 57 nghìn m3 bùn đáy và phế thải dưới lòng hồ; sử dụng chế phẩm Redoxy - 3C để xử lý ô nhiễm. Khó khăn lớn nhất trong cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm là không được hút cạn nước để bảo vệ hệ sinh thái trong hồ. Công ty đã chia hồ thành 10 khu vực nạo vét, luân phiên sử dụng lưới quây, dồn hệ thủy sinh vật vào từng vị trí riêng biệt, cách xa khu vực thi công; kết hợp thi công cơ giới với thủ công ở khu vực gần bờ; đồng thời khoan giếng khai thác nước ngầm để bổ cập, điều tiết mực nước tạo sự điều hòa, lưu thông cho nước trong hồ luôn trong sạch và giữ lại tảo lục, tạo mầu xanh đặc trưng của hồ Hoàn Kiếm. Từ đó đến nay, công ty tiếp tục tham gia duy trì vệ sinh hồ, bổ cập, điều tiết mực nước và theo dõi, kiểm tra chất lượng nước hồ.

Hà Nội có khoảng 2.630 hồ nước, trải khắp 30 quận, huyện, thị xã, trong đó, nhiều hồ rất đẹp như hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, hồ Ba Mẫu, hồ Bảy Mẫu, hồ Đền Lừ, hồ Giảng Võ, hồ Ngọc Khánh… Bên những tòa nhà bê-tông, những con phố tấp nập, không gian của mặt nước, cây xanh của hồ như những chiếc “máy điều hòa không khí” tự nhiên, giúp làm giảm ô nhiễm không khí. Song, nhiều hồ vẫn bị ô nhiễm nặng. Những năm qua, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp để giảm ô nhiễm như: Kè hồ, nạo vét, cải tạo môi trường hồ, thả bè thủy sinh…, qua đó từng bước cải thiện chất lượng nước hồ khu vực nội thành. Từ tháng 7-2016, sau khi tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia và kinh nghiệm xử lý hồ ở các nước tiên tiến trên thế giới, Hà Nội “đặt hàng” chế phẩm Redoxy-3C của Đức để thí điểm tại ba hồ nước ô nhiễm nặng là Giáp Bát (quận Hoàng Mai); Hố Mẻ, Ba Mẫu (quận Đống Đa). Chỉ 24 giờ sau khi sử dụng chế phẩm, chất lượng nước tại các hồ thí điểm đã được cải thiện. Do đó, thành phố đã chỉ đạo các cơ quan xử lý nước hồ trên diện rộng.

Đến nay, thành phố đã xử lý ô nhiễm môi trường 90 hồ thuộc nội thành và 50 hồ tại ngoại thành bằng chế phẩm Redoxy - 3C. Đây là chế phẩm được các nhà chuyên môn đánh giá tốt, thân thiện với môi trường nhất trong các loại hóa chất từng dùng để xử lý ô nhiễm nước hồ. GS Mai Đình Yên, Phó Chủ tịch Hội sinh thái học Việt Nam, chuyên gia về môi trường nước đánh giá, nguyên lý hoạt động của chế phẩm này không khác nhiều so với các hóa chất khác, nhưng các chuyên gia Đức đã tìm ra một hoạt chất dẫn kích thích ô-xy tăng nhanh khi hòa tan trong nước, giúp cho hệ sinh thái, thủy sinh phát triển tốt. Nhờ đó, hiệu quả xử lý nước ô nhiễm rất nhanh và có thể đo đếm được. Thời gian xử lý kéo dài ba, sáu hoặc chín tháng, tùy chất lượng từng hồ.

Ngoài các hồ nước, những dòng sông nội đô cũng bị ô nhiễm nặng. Thành phố đã kè hai bờ sông, trồng cây xanh, tạo cảnh quan đẹp các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét. Tuy nhiên, ô nhiễm nguồn nước là vấn đề còn nan giải. Thành phố cũng đang đẩy nhanh các giải pháp xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch bằng chế phẩm Redoxy - 3C và công nghệ Nhật Bản; nghiên cứu giải pháp bổ cập nước hồ Tây nhằm góp phần làm trong sạch dòng sông. Để xử lý tận gốc ô nhiễm, Hà Nội hướng đến xử lý nước thải từ nguồn. Từ năm 2013, thành phố đã xây dựng nhà máy nước thải Yên Sở, với công suất 200 nghìn m3/ngày đêm và đến nay có sáu nhà máy xử lý nước thải hoạt động, với công suất gần 280 nghìn m3/ngày đêm. Cùng với đó thành phố tích cực trồng thêm cây xanh ven sông, hồ. Với những giải pháp đồng bộ nêu trên, những hồ nước, dòng sông đang được hồi sinh, trả lại vẻ đẹp vốn có.

Theo (Đắc Sơn/Nhân dân)

Xem thêm

Liên kết