Lan tỏa thông điệp xanh, làm cho thế giới sạch hơn

Chuỗi sự kiện ra quân làm sạch môi trường biển, Diễn đàn “Nhà quản lý - nhà báo và doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường”, phát động cuộc thi viết “Cùng giữ màu xanh của biển” tại Bà Rịa - Vũng Tàu trong khuôn khổ Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn chính là một cách thể hiện thông điệp: Tử tế với đại dương, tử tế với môi trường là tử tế với cuộc sống của chính mình.
Biến Cù Lao Xanh thành 'Đảo thanh niên xanh không rác thải nhựa'Biến rác thải thành năng lượng để bảo vệ môi trườngSẽ xây dựng Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam

Các sự kiện này hướng đến một chủ đề còn nguyên tính thời sự. Đó là thực hiện phong trào chống rác thải nhựa mà Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT phát động hơn một năm qua.

Ông Hoàng Mạnh Hà - Tổng Biên tập Báo Tài nguyên và Môi trường cho rằng, rác thải nhựa còn được gọi là “ô nhiễm trắng” đang là hiểm họa môi trường toàn cầu, hàng ngày, hàng giờ, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường và sức khỏe người dân.

lan toa thong diep xanh lam cho the gioi sach hon
Dọn sạch bãi biển tại Lễ ra quân Làm sạch môi trường biển ở Bà Rịa - Vũng Tàu.

Là một trong 5 quốc gia có lượng rác thải nhựa thải ra đại dương lớn nhất thế giới, với khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra mỗi năm, Việt Nam phải có hành động kịp thời. Điều này đòi hỏi cần thực hiện thường xuyên, lâu dài, có sự chung tay của cả cộng đồng và toàn xã hội để “nhà nhà hạn chế rác thải nhựa, người người phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa, xã hội tiến đến nói không với rác thải nhựa” như lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi phát động phong trào chống rác thải nhựa vào tháng 6/2019.

Hưởng ứng lời kêu gọi này, các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp và người dân đã có những chuyển biến tích cực, từ chính sách đến hành động. Tuy vậy, để phong trào thực sự trở thành thói quen, thành ý thức trong cộng đồng vẫn cần những động lực mạnh mẽ hơn.

Động lực ấy đến từ việc tuyên truyền một cách thiết thực hơn về tác hại của rác thải nhựa, túi ni lông đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người; cần xây dựng và triển khai các giải pháp giảm thiểu tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cộng đồng và người dân. Bên cạnh chế tài mạnh dành cho việc sử dụng đồ nhựa, cần có chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần.

Đặc biệt, 28 tỉnh, thành phố có biển cần tiếp tục triển khai các hoạt động làm sạch môi trường biển, thu hồi, phân loại các sản phẩm làm từ nhựa để tái chế, xử lý. Đồng thời bàn giao bãi biển, khu vực ven bờ đã làm sạch cho các tổ chức, đơn vị có trách nhiệm quản lý để không tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường biển.

Một buổi sáng làm sạch bờ biển, một ngày thảo luận tìm các giải pháp bảo vệ TN&MT tại diễn đàn hay những bài viết tham dự cuộc thi “Cùng giữ màu xanh của biển” chỉ là những hành động điểm. Chúng có ý nghĩa “thổi lửa” để từ đây, mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan, mỗi địa phương… làm bùng lên ngọn lửa nhiệt huyết, biến phong trào chống rác thải nhựa thành lối sống xanh trong cộng đồng.

Phương Anh
Theo Báo TN&MT