LHQ kêu gọi các nước hành động khẩn cấp để giảm tác động của hạn hán

Bà Mami Mizutori nhấn mạnh, "Hạn hán đang trên đà trở thành đại dịch tiếp theo và không có vaccine để chữa khỏi. Hầu hết các khu vực trên thế giới sẽ phải sống chung với tình trạng căng thẳng này trong 10 năm tới.
ASEAN 2020: Xây dựng khả năng chống chịu hạn hán ở Đông Nam ÁNâng cao trách nhiệm của cộng đồng nhằm giảm tác động của hạn hánChống biến đổi khí hậu: Chưa bao giờ là muộn

Báo cáo đặc biệt về Hạn hán năm 2021 do Văn phòng Liên Hợp Quốc về Giảm thiểu rủi ro thiên tai (UNDRR) đã được công bố mới đây. Trong đó, phân tích và đưa những cảnh cáo về hạn hán, tác động của hạn hán và thiếu nước đối với việc đạt được Khung Hành động Sendai về Giảm thiểu rủi ro thiên tai, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỉ (SDGs), sức khỏe và đời sống cộng đồng cũng như hệ sinh thái.

Bà Mami Mizutori, đặc phái viên Liên Hợp Quốc về giảm thiểu rủi ro thiên tai nhấn mạnh: “Hạn hán đang trên đà trở thành đại dịch tiếp theo và không có vaccine để chữa khỏi. Hầu hết các khu vực trên thế giới sẽ phải sống chung với tình trạng căng thẳng về nước trong vài năm tới. Cầu sẽ vượt cung trong một số thời kỳ nhất định”.

Đặc biệt, hạn hán đã gây ra thiệt hại kinh tế ít nhất 124 tỉ USD và ảnh hưởng đến hơn 1,5 tỉ người từ năm 1998 đến năm 2017. Cũng theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, hiện nay Trái Đất nóng lên đã làm gia tăng hạn hán ở Nam Âu, Tây Phi và số lượng nạn nhân sẽ "tăng lên đáng kể" trừ khi thế giới hành động.

Theo Liên Hợp Quốc, dựa trên kịch bản lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tăng cao, khoảng 130 quốc gia trên thế giới có thể đối mặt với nguy cơ hạn hán lớn hơn trong thế kỷ này, khoảng 23 quốc gia khác sẽ đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch do dân số gia tăng và 38 quốc gia bị ảnh hưởng bởi cả hai yếu tố trên. 

tm-img-alt
Khoảng 130 quốc gia trên thế giới có thể đối mặt với nguy cơ hạn hán lớn hơn trong thế kỷ này. (Ảnh: WMO)

“Hạn hán giống như một virus có xu hướng diễn ra trong một thời gian dài, trên một phạm vi địa lý rộng lớn và gây ra thiệt hại có tính dây chuyền. Hạn hán có thể gián tiếp ảnh hưởng tới những quốc gia không xảy ra hạn hán khi gây mất an ninh lương thực và làm tăng giá lương thực ở những quốc gia này", bà Mami Mizutori cho hay.

Còn Roger Pulwarty, một nhà khoa học cấp cao của Cục Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ nhận định, hạn hán còn vượt ra ngoài lĩnh vực nông nghiệp. Thậm chí, nó còn ảnh hưởng đến giao thông, du lịch, công nghiệp và sản xuất năng lượng.

Lượng mưa thay đổi do tác động của khí hậu là nguyên nhân chính dẫn đến hạn hán, nhưng báo cáo cũng xác định việc sử dụng tài nguyên nước kém hiệu quả và suy thoái đất do nông nghiệp thâm canh và canh tác kém cũng là một phần nguyên nhân. Phá rừng, lạm dụng phân bón và thuốc trừ sâu, chăn thả quá mức và khai thác quá mức nước cho canh tác cũng là những vấn đề lớn.

Dễ dàng nhận thấy, báo cáo của UNDRR đã đưa ra những cảnh báo rõ hơn về những tổn thất mà những người dễ bị tổn thương nhất phải gánh chịu một cách không cân xứng. Bên cạnh đó, các tác động trên diện rộng của hạn hán được báo cáo không đầy đủ mặc dù tác động này trải dài trên các khu vực rộng lớn, liên tục và kéo dài gây ảnh hưởng đến hàng triệu người, gây ra tình trạng mất an ninh lương thực, đói nghèo và bất bình đẳng xã hội.

Biến đổi khí hậu đang làm tăng nhiệt độ và phá vỡ các mô hình mưa, làm tăng tần suất, mức độ nghiêm trọng và thời gian hạn hán ở nhiều khu vực trên toàn cầu. Khi toàn cầu hướng tới mục tiêu giữ nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 2 độ C trong thế kỷ này thì cần phải có hành động khẩn cấp để hiểu rõ hơn và quản lý hiệu quả hơn nguy cơ hạn hán nhằm giảm thiểu thiệt hại về cuộc sống, sinh kế của con người và hệ sinh thái.

Việt Nam hành động để đẩy lùi hạn hán

Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều giải pháp mang tính chiến lược nhằm ngăn chặn, hạn chế tình trạng hạn hán đang diễn biến phức tạp ở nhiều vùng trên cả nước.

Trong đó, Việt Nam đã tham gia và ký kết Công ước “Chống sa mạc” hóa của Liên Hợp Quốc từ năm 1998 và là thành viên thứ 134. Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước Chống sa mạc hóa là Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT).

Để thực hiện trách nhiệm thành viên và yêu cầu của Công ước Chống sa mạc hóa, Bộ NN&PTNT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia phòng chống sa mạc hóa giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020.

Bên cạnh đó, Tổng cục Lâm nghiệp xây dựng Kế hoạch Khô hạn quốc gia và sẽ điều chỉnh, cập nhật Chương trình hành động quốc gia về phòng chống sa mạc hóa giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030 và Đề án xác định mục tiêu tự nguyện cân bằng suy thoái đất quốc gia giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030.

Theo Bộ NN&PTNT, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và tái cơ cấu ngành chính là giải pháp căn bản để chống sa mạc hóa và suy thoái đất ở Việt Nam. Đến nay Việt Nam có 14,6 triệu ha rừng, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, rừng trồng là 4,3 triệu ha, hệ số che phủ đạt 42%, cao hơn mức bình quân thế giới (29%).

Năm 2020, diện tích rừng trồng mới tập trung của cả nước ước tính đạt hơn 0,26 triệu ha, giảm 3,2% so với năm trước. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 94,6 triệu cây. Diện tích rừng bị thiệt hại là 1.464,3 ha, giảm 45,6% so với năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 645,3 ha, giảm 67,8%; diện tích rừng bị chặt phá là 819 ha, tăng 19,4%. 

Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều biện pháp hiệu quả chống hạn hán, đặc biệt là hệ thống cảnh báo sớm và chủ động ứng phó, triển khai các giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Nhờ đó, năm 2019-2020 được coi là năm hạn mặn lịch sử, lớn nhất từ trước đến nay ở ĐBSCL, nhưng chỉ có gần 20% diện tích trồng lúa bị giảm năng suất 30-70%.

Ngày Thế giới chống sa mạc hóa và hạn hán được Liên Hợp Quốc tổ chức hàng năm vào ngày 17/6 với mục đích nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề sa mạc hóa và hạn hán, nêu bật các phương pháp và giải pháp ngăn chặn sa mạc hóa và hạn hán trên toàn thế giới. Với chủ đề năm 2021 là “Lưu trữ và phục hồi đất”, nhằm tập trung vào các phương pháp và giải pháp để cải tạo đất bạc màu thành đất tốt.

Trong đó, phục hồi đất bạc màu mang lại khả năng phục hồi kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và tăng an ninh lương thực. Hơn nữa, phục hồi đất có thể phục hồi lại đa dạng sinh học, giúp ngăn chặn lượng carbon trong khí quyển làm Trái đất nóng lên, làm chậm sự biến đổi khí hậu, giảm tác động của biến đổi khí hậu và củng cố quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19. 

Lan Anh