Lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp

Hiện nay, đã có nhiều phương pháp, công nghệ xử lý chất thải rắn nói chung và chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) nói riêng được triển khai. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, áp dụng các công nghệ đó tại các địa phương vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc dẫn đến việc xử lý CTRSH vẫn là một vấn đề nan giải.
Quản lý chất thải rắn cần cơ chế cởi mở hơnGiảm phát thải các chất ô nhiễm từ việc đốt than ở Đông Nam ÁĐô thị hóa và nỗi lo rác thải: Công nghệ nào tối ưu?
lua chon cong nghe xu ly chat thai ran phu hop
Cán bộ, kỹ sư Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp phát điện tại Nam Sơn, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) thực hiện công tác kiểm tra định kỳ.

Tận dụng năng lượng từ rác thải

Nằm trong Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp phát điện chính thức đi vào hoạt động đã mở ra một hướng mới trong việc xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố. Dẫn chúng tôi đi thăm nhà máy, Phó Giám đốc chi nhánh xử lý chất thải công nghiệp để phát điện (URENCO 21) thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) Ngô Minh Tiến cho biết: Nhà máy sử dụng công nghệ tiên tiến của Nhật Bản có công suất đốt 75 tấn rác công nghiệp/ngày, đêm; số giờ vận hành đạt khoảng 7.500 giờ/năm; công suất phát điện là 1,93 MW, tương đương 14,475 triệu kW giờ/năm…

Tổng mức đầu tư của nhà máy hơn 645 tỉ đồng, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại của Tổ chức Phát triển công nghiệp và Năng lượng mới (Nhật Bản) khoảng 473 tỉ đồng, phần còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách TP. Hà Nội. Phía Nhật Bản (Công ty Hitachi Zosen) cung cấp toàn bộ phần thiết bị và chuyển giao công nghệ, phía Việt Nam (Công ty URENCO) thực hiện xây dựng móng, các hạng mục hạ tầng kỹ thuật liên quan, lắp dựng và vận hành dây chuyền.

Ðáng chú ý, công nghệ đốt chất thải áp dụng tại nhà máy được tự động hóa hoàn toàn và khép kín, từ khâu nạp chất thải đưa đến hệ thống buồng đốt, cho đến xử lý khí thải trước khi thải ra môi trường. Năng lượng từ quá trình đốt rác sẽ được thu hồi để sản xuất điện. Sau 22 tháng thi công, tháng 9/2016, nhà máy vận hành thử nghiệm, toàn bộ quá trình này đều do đội ngũ kỹ sư, cán bộ, nhân viên URENCO đảm nhận dưới sự giám sát và đánh giá của chuyên gia Nhật Bản. Ðến tháng 3/2017, nhà máy đã sản xuất được tối đa theo công suất thiết kế là 1,93 MW và phát lên lưới điện quốc gia khoảng 1,23 MW, số điện năng còn lại được sử dụng phục vụ cho nội bộ nhà máy. Hiện, nhà máy đã hoàn toàn đáp ứng các điều kiện nghiệm thu, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ của mình với môi trường Hà Nội và tiến tới thực hiện xử lý chất thải rắn công nghiệp cho các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… khi được cấp phép.

Bên cạnh triển khai công nghệ xử lý rác thải phát điện, 20 năm qua, Công ty URENCO là một trong những đơn vị đầu tiên trên cả nước áp dụng phương pháp xử lý CTRSH bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh. Công nghệ này bảo đảm không gây tác động nguy hại đối với môi trường đất, nước mặt, nước ngầm và không khí, trong suốt thời gian tồn tại của bãi rác kể cả sau khi đóng bãi. Theo đó, rác được chuyển vào ô chôn lấp và đổ theo từng lớp, được san ủi, đầm nén theo đúng quy trình kỹ thuật và phủ lớp phủ trung gian nhằm giảm đến mức thấp nhất mùi hôi, tránh phát sinh ruồi, côn trùng và tách nước mưa. Tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, trung bình mỗi ngày Công ty URENCO tiếp nhận và xử lý khoảng 5.000 tấn CTRSH trên địa bàn thành phố bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh.

Ông Ðinh Nam Vinh (Vụ Ðánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, ở Việt Nam, đang áp dụng phổ biến ba hướng công nghệ xử lý CTRSH là: chôn lấp hợp vệ sinh; ủ sinh học làm phân hữu cơ; đốt thông thường. Ngoài ra, một số dự án đang áp dụng công nghệ mới như đốt có thu hồi nhiệt, plasma; một số dự án triển khai công nghệ điện rác, công nghệ tạo viên đốt làm nhiên liệu và các công nghệ nhiệt hóa khác... Trong đó, công nghệ điện rác đang là xu thế được nhiều nước trên thế giới áp dụng và cũng đã có một số dự án xử lý rác tại Việt Nam đang triển khai theo công nghệ này.

Việc áp dụng công nghệ điện rác sẽ giải quyết được vấn đề về môi trường và tận dụng năng lượng từ rác thải. Ðến nay, công nghệ này đã được áp dụng tại Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ, với công suất 400 tấn/ngày,đêm; công suất phát điện hơn 100 nghìn kW giờ được triển khai tại huyện Thới Lai đã đi vào hoạt động từ tháng 11/2018. Công nghệ này đốt rác trực tiếp, toàn bộ rác thải được đưa vào ủ, loại bỏ nước sau đó đưa vào đốt.

Quá trình nạp rác và ủ rác trong môi trường kín, do vậy hạn chế được phát tán mùi ra môi trường. Công nghệ cơ-sinh-nhiệt kết hợp được áp dụng tại dự án Nhà máy phân loại xử lý rác thải, sản xuất bi-ô-ga và phân bón khoáng hữu cơ, do Công ty TNHH Phát triển dự án Việt Nam triển khai tại huyện Bố Trạch (Quảng Bình), với công suất phân loại, xử lý 245 tấn rác sinh hoạt/ngày, đêm; sản xuất 10 nghìn tấn đất sạch và phân bón/năm. Nhà máy là một tổ hợp xử lý rác thải sinh hoạt và sản xuất năng lượng tái tạo có công suất 10 MW điện; sử dụng 100% hệ thống máy móc, thiết bị, công nghệ đồng bộ, khép kín, tiên tiến và hiện đại của CHLB Ðức… Ðây là những công nghệ đáng được khuyến khích, phát triển ở nước ta thời gian tới.

Chọn công nghệ phù hợp và hiệu quả

Phó Tổng cục trưởng Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Văn Thức cho rằng, các công nghệ xử lý CTRSH đang áp dụng ở nước ta (kể cả các công nghệ có xuất xứ từ nước ngoài) ngày càng đa dạng, nhưng hiệu quả thực tế chưa được đánh giá một cách đầy đủ, khách quan. Một số công nghệ trong nước khi nghiên cứu áp dụng bước đầu đã đem lại hiệu quả, nhưng khi triển khai ứng dụng trong thực tế còn gặp nhiều khó khăn để nhân rộng; một số phát sinh thứ cấp cần phải xử lý nhưng chưa đáp ứng được các quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Trong khi đó, công nghệ nước ngoài khi sử dụng tại Việt Nam gặp khó khăn do phần lớn CTRSH chưa được phân loại tại nguồn, độ ẩm cao, điều kiện nhiệt đới, lượng chất thải tiếp nhận thấp hơn công suất thiết kế hoặc không ổn định, đầu tư khá cao… dẫn đến chi phí vận hành lớn.

Phương pháp chôn lấp đang được áp dụng chủ yếu tại Việt Nam, nhưng trong tổng số 904 bãi chôn lấp trên cả nước chỉ có chưa đến 20% bãi chôn lấp hợp vệ sinh, số còn lại là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, các bãi tập kết chất thải cấp xã. Do phần lớn các bãi chôn lấp tiếp nhận CTRSH chưa được phân loại tại nguồn, có thành phần hữu cơ cao nên tính ổn định thấp, chiếm nhiều diện tích đất, phát sinh lượng lớn nước rỉ rác; nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh đã và đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng sức khỏe, hoạt động sản xuất và cuộc sống của người dân chung quanh khu vực này. Trong số 381 lò đốt CTRSH, hiện chỉ có khoảng 294 lò đốt (chiếm khoảng 77%) có công suất hơn 300kg/giờ đáp ứng yêu cầu Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt CTRSH. Ðáng lo ngại, nhiều lò đốt cỡ nhỏ không có hệ thống xử lý khí thải hoặc hệ thống khí thải không đạt yêu cầu về môi trường, dẫn đến việc xử lý CTRSH tại nhiều địa phương không đạt được kết quả như mong muốn.

Từ thực tế đó cho thấy, vấn đề tìm kiếm, lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn nói chung, CTRSH nói riêng để đầu tư phù hợp điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường của các địa phương là vấn đề cấp thiết. Trong khi đó theo Quyết định số 491/QÐ-TTg, ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn 2050, nêu rõ mục tiêu đến năm 2025, có 90% tổng lượng CTRSH phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng, xử lý kết hợp thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ; phấn đấu tỉ lệ CTRSH xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp đạt tỉ lệ dưới 30% so với lượng chất thải được thu gom…

Với vai trò là cơ quan đầu mối thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành có liên quan tiến hành phân tích, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc của các tỉnh, thành phố trong việc áp dụng, lựa chọn mô hình quản lý và sử dụng công nghệ xử lý CTRSH tại địa bàn mình. Trên cơ sở đó, Bộ nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về công nghệ xử lý CTRSH trên tinh thần bám sát các mục tiêu Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn 2050, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc hạn chế chôn lấp, tăng cường khả năng tái sử dụng, xử lý kết hợp thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ. Bên cạnh đó, nghiên cứu và sớm ban hành danh mục công nghệ xử lý CTRSH dựa trên các tiêu chí về quy mô dân số, số lượng CTRSH, quỹ đất, địa lý để các địa phương lựa chọn công nghệ phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng các công nghệ xử lý đi kèm các giải pháp giảm đến mức thấp nhất, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải, hạn chế thấp nhất lượng thải phải chôn lấp…

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam nên ưu tiên đầu tư các nhà máy xử lý CTRSH tập trung, công nghệ hiện đại và công suất lớn, nhất là các nhà máy áp dụng công nghệ đốt rác phát điện tiên tiến. Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nhằm đánh giá, lựa chọn các công nghệ xử lý trong nước; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia các dự án sản xuất thử nghiệm, nhận chuyển giao công nghệ xử lý CTRSH gắn liền với các dự án đầu tư và nghiên cứu nhiệm vụ khoa học và công nghệ quy mô lớn. Các tỉnh, thành phố cần nhanh chóng chuyển đổi các phương thức xử lý CTRSH theo xu hướng tái chế, tái sử dụng và tận dụng năng lượng từ CTRSH, giảm đến mức thấp nhất lượng đốt, chôn lấp, xả thải; thực hiện tốt việc phân loại CTRSH tại nguồn, tổ chức thu gom riêng từng loại CTRSH, vận chuyển theo các tuyến lộ trình đã được quy hoạch nhằm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường do quá trình vận chuyển CTRSH gây ra.

Cả nước hiện có 1.322 cơ sở xử lý CTRSH, gồm 381 lò đốt CTRSH, 37 dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ, 904 bãi chôn lấp (trong đó có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh). Một số cơ sở áp dụng phương pháp đốt CTRSH có thu hồi năng lượng để phát điện hoặc kết hợp nhiều phương pháp xử lý. Có khoảng 71% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp (tương đương 43 nghìn tấn/ngày, đêm); 16% tổng lượng chất thải được xử lý tại các nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ (tương đương 9,5 nghìn tấn/ngày, đêm) và 13% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp đốt (khoảng 8.000 tấn/ngày, đêm).

(Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Theo Nhân dân