Rác vẫn chưa thành tài nguyên
Theo kết quả kiểm tra, đánh giá mới nhất của Bộ TN&MT, hiện nay, công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt phổ biến vẫn là chôn lấp. Có tới 71% tổng lượng chất thải (tương đương 43.000 tấn/ngày) được chôn lấp. Khối lượng được tính toán này không bao gồm lượng bã thải và tro xỉ từ các cơ sở chế biến phân compost và các lò đốt. Đáng nói, một số thành phố lớn có tỉ lệ chôn lấp cao như Đà Nẵng (100%), TP. Hồ Chí Minh (80%). Điểm đến của rác là 1.417 bãi chôn lấp rác, trong đó chỉ có 20% bãi chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh hoặc các bãi tập kết chất thải cấp xã.
Công nghệ đốt rác phát điện được cho là giải pháp có tính đột phá. |
Đối với các bãi chôn lấp hợp vệ sinh cũng không đồng bộ. Một số có hệ thống thu gom khí, một số thì không được trang bị; hệ thống xử lý nước rỉ rác trong nhiều trường hợp không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Ngay tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, trong một số trường hợp, việc quản lý, vận hành bãi chôn lấp đi kèm với trách nhiệm thu gom, xử lý nước rỉ rác phát sinh; một số trường hợp khác, việc xử lý này lại giao cho đơn vị khác với đơn vị quản lý, vận hành bãi chôn lấp. Chính sự chênh lệch này đã tạo nên sự không thống nhất trong quản lý các bãi chôn lấp, những hệ lụy về môi trường không được giải quyết kịp thời và có sự buông lỏng trách nhiệm các bên.
Trong khi rác chủ yếu vẫn nằm trong lòng đất, chỉ số ít (16% tổng lượng chất thải, tương đương 9,5 nghìn tấn/ngày) được xử lý tại các nhà máy chế biến sản xuất phân compost. Hiện, cả nước có 42 cơ sở sử dụng phương pháp này. Thế nhưng, một số cơ sở khi bắt tay vào chế biến rác lại vấp phải khó khăn khi không tiêu thụ được sản phẩm.
Cơ hội cho đốt rác phát điện
Thống kê của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho thấy, 13% tổng lượng rác còn lại hiện nay (tương đương 8.000 tấn/ngày) được xử lý bằng phương pháp đốt. Cả nước hiện có 425 lò đốt, trong đó chỉ có hơn 100 lò đốt có công suất trên 300kg/giờ, đáp ứng yêu cầu theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 61:2016/BTNMT về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt.
Việc xử lý rác thải bằng các lò đốt nhỏ đã phát sinh nhiều bất cập khi các lò đốt này không có hệ thống xử lý khí thải hoặc có nhưng không đạt yêu cầu về môi trường.
Đặc biệt, theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 được ban hành theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, một trong các tiêu chí về môi trường là chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định. Theo tiêu chí này, hiện nay, có một số địa phương đầu tư cho mỗi xã một lò đốt cỡ nhỏ để xử lý chất thải rắn. Tuy vậy, các lò đốt này không đáp ứng yêu cầu tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 61:2016/ BTNMT về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt. Việc này dẫn đến khả năng không kiểm soát được chất thải thứ cấp phát sinh, đặc biệt là đối với Dioxin/Furan.
Trong bối cảnh đó, việc lựa chọn công nghệ đốt rác phát điện được coi là tối ưu hiện nay. Theo Tổng cục Môi trường, hầu hết các địa phương tại Việt Nam có thể áp dụng công nghệ này do khối lượng chất thải tối thiểu cần có để áp dụng công nghệ đốt rác phát điện là khoảng 200 - 300 tấn/ngày. Trong 63 tỉnh thành, chỉ có 8 địa phương có lượng chất thải phát sinh nhỏ hơn 300 tấn/ngày, 2 địa phương có lượng chất thải rắn sinh hoạt nhỏ hơn 200 tấn/ngày.
Công nghệ đốt rác phát điện đang được áp dụng tại Cần Thơ, Quảng Bình… Các tỉnh, thành phố như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Bắc Ninh đang trong quá trình xem xét, nghiên cứu để áp dụng.
Đánh giá về công nghệ này, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho rằng, đây là giải pháp có tính đột phá, vì vừa giải quyết được lượng rác lớn trong thời gian ngắn nhất, vừa tạo ra nguồn nhiệt trị, giảm tối đa lượng rác chôn lấp, không làm ảnh hưởng đến quỹ đất và từ đó, giảm lượng than đốt để phát điện, vừa tiết kiệm tài nguyên, vừa bảo vệ môi trường.
Theo Thứ trưởng, Việt Nam đã định hình phải áp dụng công nghệ phù hợp, hiện đại để xử lý lượng rác thải rất lớn hiện nay. Phải giảm tối đa lượng rác chôn lấp. Thậm chí, một số tỉnh còn đề ra chủ trương không được chôn lấp quá 15% lượng rác. Lộ trình giảm thiểu rác chôn lấp, biến rác thành tài nguyên cần có sự đồng hành của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
“Chúng tôi sẽ tạo cơ chế chính sách hợp lý để giúp xây dựng những mô hình xử lý rác thải hiệu quả lan tỏa trong cả nước, để tài nguyên rác phát huy giá trị, góp phần vào xây dựng nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định.