Luật Đất đai (sửa đổi) phải ích nước, lợi nhà, bảo đảm tính ổn định và bền vững

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, tinh thần của Luật Đất đai (sửa đổi) là nếu không làm được tốt hơn cho người dân, không bảo vệ được tốt hơn quyền lợi cho dân, không đảm bảo lợi ích cho nhà nước... thì chưa nên ban hành luật.
Nâng cao hiệu quả trong quản lý và sử dụng đất đaiĐể đất đai trở thành nội lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hộiHoàn thiện pháp luật đất đai: Phát triển bền vững trong kỷ nguyên số

Thủ tục về đất đai phức tạp, tạo ra chi phí lớn

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công phát biểu khai mạc Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho rằng, Luật Đất đai là một trong những đạo luật lớn, quan trọng, tác động sâu rộng tới đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta.

Sau hơn 8 năm triển khai thực hiện, Luật Đất đai 2013 đã thực hiện được “sứ mệnh” của mình, khi tạo ra khung khổ pháp lý hoàn thiện hơn trong lĩnh vực đất đai, nguồn lực đất đai được khai thác, sử dụng hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội; tạo sự bình đẳng hơn giữa các chủ thể sử dụng đất; xây dựng và phát triển thị trường quyền sử dụng đất...

Luật Đất đai (sửa đổi) phải ích nước, lợi nhà, bảo đảm tính ổn định và bền vững - Ảnh 1
Sau 8 năm thực hiện, Luật Đất đai bộc lộ nhiều bất cập, cần sửa đổi để phù hợp thực tế. (Ảnh minh họa)

Mặt khác, với sự thay đổi rất nhanh của cuộc sống, Luật Đất đai 2013 cũng đã bộc lộ các vướng mắc, bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Từ thực tiễn kinh doanh, ý kiến từ các doanh nghiệp, hiệp hội, Chủ tịch Phạm Tấn Công cho biết, vướng mắc đầu tiên đó là thủ tục hành chính về đất đai và các thủ tục liên quan rất phức tạp, đang tạo ra chi phí lớn cho hoạt động đầu tư kinh doanh.

Dẫn kết quả khảo sát PCI hàng năm của VCCI với hơn 12.000 doanh nghiệp trong nước và FDI trên cả 63 tỉnh, thành phố, theo ông Phạm Tấn Công, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai hiện vẫn là một trong những nhóm thủ tục mà doanh nghiệp gặp khó khăn nhiều nhất trên thực tế. Sự phức tạp của các thủ tục hành chính về đất đai là một cản trở để doanh nghiệp tiếp cận đất đai, bên cạnh các nguyên nhân khác như quy hoạch đất đai của địa phương chưa phù hợp, giá đất cao tăng nhanh…

Theo ông Công: "53,8% doanh nghiệp qua điều tra năm 2021 cho biết, những khó khăn về thủ tục đất đai đã khiến họ phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh”.

Vướng mắc thứ hai, theo ông Công, đó là quy định, trình tự thủ tục của Luật Đất đai và các luật liên quan chưa thống nhất với nhau, tạo ra nhiều điểm nghẽn trong thực tế.

Năm 2019, VCCI đã tiến hành rà soát và đã phát hiện ra có ít nhất có 25 điểm mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh, trong đó có nhiều điểm liên quan đến Luật Đất đai.

Chủ tịch VCCI chỉ rõ: “Tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các này tạo ra rủi ro pháp lý cho các cơ quan thực thi, làm đình trệ nhiều dự án và tăng chi phí cho hoạt động đầu tư kinh doanh”.

Vướng mắc thứ ba, theo VCCI là khối lượng văn bản hướng dẫn Luật Đất đai rất lớn. “Mức độ thay đổi của văn bản rất nhanh, chất lượng của các văn bản hướng dẫn và chất lượng thực thi pháp luật về đất đai trên thực tế vẫn là câu hỏi lớn”, Chủ tịch Phạm Tấn Công cho biết.

Đồng thời, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cũng cho rằng, nhiều vụ việc về đất đai vẫn tiềm ẩn các vấn đề về hiệu quả kinh tế, bất ổn xã hội, tác động lớn đến tình hình an ninh trật tự như nhiều dự án đầu tư chậm triển khai khiến nhiều khu đất bị bỏ hoang, gây lãng phí; hoạt động giải phóng mặt bằng chậm, các tranh chấp và khiếu kiện về đất đai vẫn còn lớn; các vụ việc tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai vẫn còn nhiều…

Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: Từ những vấn đề nêu trên cho thấy, nhu cầu sửa đổi Luật Đất đai rất lớn. Việc sửa Luật Đất đai không chỉ để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đang tồn tại trên thực tiễn, giảm rủi ro pháp lý cho các cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp khi thực hiện các hoạt động mà còn góp phần khơi thông nguồn lực phát triển, thúc đẩy các hoạt động đầu tư, kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân”.

Luật phải ích nước, lợi nhà, bảo đảm tính ổn định, bền vững

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà Pphát biểu tại Hội thảo nhấn mạnh, phạm vi sửa đổi Luật Đất đai lần này gồm nhiều mục tiêu. Đầu tiên, xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) để thể chế hoá, đầy đủ, đồng bộ các chủ trương, định hướng lớn của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết của Đại hội XIII cũng như Nghị quyết 18. Bên cạnh đó là những lập trường, quan điểm, chủ trưởng của Luật phải dựa trên Hiến pháp và cương lĩnh.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng lần này sẽ tiếp tục hoàn thiện thêm một bước để đồng bộ với thể chế phát triển kinh tế thị trường, làm rõ nội hàm về định hướng xã hội chủ nghĩa. Tức là trong từng bước, từng nấc thực hiện các chính sách chủ trướng lớn về kinh tế xã hội.

Mục tiêu tiếp trong việc xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà là cái gì của thực tiễn đã thực hiện đã đúng, đã chứng minh, thực tiễn đã đi trước, cuộc sống đã đi trước so với trước, so với pháp luật thì phải đặt ra và giải quyết. Hay lịch sử để lại những vướng mắc tồn tại, chính sách pháp luật nói chung chưa thể xử lý được thì lần này phải giải quyết được.

Theo Bộ trưởng Hà, Bộ luật lần này phải làm để thống nhất một việc đó là cùng với Bộ luật Đất đai, cùng với thể chế hoá Nghị quyết 18 và Nghị quyết của Đảng, chúng ta thực hiện trên tinh thần là tất cả cùng vào cuộc để xoá bỏ những chồng chéo, mâu thuẫn, những khoảng trống pháp luật liên quan đất đai.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Nhà nước, doanh nghiệp, người dân cần phải thống nhất vấn đề sửa bộ luật này để phát huy tốt hơn nguồn lực đất đai”.

Cùng với đó Bộ trưởng Hà cho hay, đất đai vừa thể hiện tính lịch sử, văn hoá, kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại, ngoại giao, quá khứ - hiện tại - tương lai. Do đó xem xét quản lý đất đai là quản lý cái gì, quản lý như nào, giải quyết vấn đề liên quan đến hệ thống pháp luật thì cái gì là chung, cái gì là riêng, cái gì mang tính chất gốc? Các vấn đề này Luật Đất đai (sửa đổi) cần phải giải quyết.

“Tinh thần của Luật lần này nếu không làm được tốt hơn cho người dân, không bảo vệ được tốt hơn quyền lợi cho người dân, không bảo đảm lợi ích cho nhà nước, không giải quyết được công bằng cho các đối tượng thì chưa nên ban hành luật. Luật phải ích nước, lợi nhà, bảo đảm tính ổn định, bền vững”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng mục tiêu sửa đổi Luật Đất đai lần này nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai. Cái gì thực tiễn đã chứng minh là đúng, thực tiễn đã đi trước, cuộc sống đòi hỏi thì lần này đặt ra để cùng nhau giải quyết, những vấn đề lịch sử để lại thì lần này phải giải quyết cho được.

Huyền Diệu

Xem thêm

Liên kết