Để đất đai trở thành nội lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội

Đất đai là nguồn tài nguyên có giá trị nền tảng lâu dài đối với mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng… Do đó, nếu quản lý và sử dụng hiệu quả, tài nguyên quý giá này sẽ trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.
Hoàn thiện pháp luật đất đai: Phát triển bền vững trong kỷ nguyên sốLãng phí tài nguyên đất đai, Nha Trang kiến nghị xử lý 29 dự án chậm tiến độHội thảo Nâng cao hiệu quả thực thi Luật Bảo vệ Môi trường 2020Giao thông xanh - ‘Chìa khóa’ giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường đô thị

Luật Đất đai là đạo luật rất quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh của đất nước nói chung, của từng địa phương nói riêng. Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, Quốc hội đã đưa Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Lấy ý kiến 10 tỉnh, thành phía Nam về dự thảo Luật Đất đai

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với UBND tỉnh Long An tổ chức Hội thảo với 10 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam để lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai và Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.

Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, dự thảo Luật Đất đai đã được Bộ TN&MT gửi lấy ý kiến các địa phương. Những năm qua, nguồn lực đất đai đã được quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội; việc cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền quản lý và sử dụng đất được đẩy mạnh, bước đầu khắc phục tình trạng lãng phí tài nguyên đất... Tuy nhiên, khi triển khai thi hành cũng còn bất cập, vướng mắc. Do đó, để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình hình mới, Quốc hội đã đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Để đất đai trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước - Ảnh 1
Đất đai là nguồn tài nguyên rất quý, có giá trị nền tảng lâu dài đối với mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng… (Ảnh minh họa)

Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, dự thảo Luật Đất đai đã được Bộ TN&MT gửi lấy ý kiến các địa phương. Do đó, tại Hội thảo, Thứ trưởng đề nghị cần tập trung tham luận và thảo luận các vấn đề về thu hồi đất, nhất là thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; cơ chế thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để khai thác nguồn lực đất đai; thu hồi đất do vi phạm và thu hồi đất do bị chấm dứt theo quy định của pháp luật. Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; việc bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền lợi của người dân và doanh nghiệp trong quá trình thu hồi đất, chuyển dịch đất đai để phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại, dịch vụ.

Bên cạnh đó, cần làm rõ hơn về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, nhất là cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng và việc cải cách thủ tục tục hành chính trong quá trình tổ chức thực hiện; về chính sách kinh tế, tài chính đất đai, giá đất; giải pháp chính sách cụ thể để vận hành các quan hệ đất đai theo nguyên tắc thị trường, để các chính sách này thực sự là công cụ quản lý đất đai hữu hiệu trong thời gian tới.

Đồng thời, tập trung thảo luận về chế độ quản lý, sử dụng đất khu, cụm công nghiệp; đất khu kinh tế; đất để phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn; đất thương mại, dịch vụ; đất quốc phòng, an ninh; sử dụng đất có mặt nước ven biển, vấn đề lấn biển. Những khó khăn bất cập sau thanh tra, kiểm tra và giải pháp. Và đi sâu vào các nội dung mang tính đặc thù của từng địa phương như đất tôn giáo, tín ngưỡng, chế độ sử dụng một số loại đất, vấn đề tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, hạn mức sử dụng đất…

Trên cơ sở đó, qua kết quả rà soát vướng mắc trong hệ thống pháp luật, các bất cập do địa phương phản ánh và ý kiến của cử tri, đại biểu Quốc hội, Bộ TN&MT cũng đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.

Đồng thời, song song với quá trình xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), thực hiện chủ trương chung của Chính phủ về tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, người dân và doanh nghiệp, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan có liên quan rà soát các quy định của pháp luật đất đai để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành trong khi chờ sửa đổi toàn diện Luật Đất đai.

Nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước

Đất đai là nguồn tài nguyên rất quý, có giá trị nền tảng lâu dài đối với mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng… của đất nước mà nếu quản lý và sử dụng hiệu quả sẽ trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.

Được biết, một trong số những nội dung quan trọng nhất được bàn thảo và quyết định tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, khai mạc ngày 4/5/2022, đều liên quan đến tài nguyên đất đai.

Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; và tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Việc tổng kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về đất đai lần này là một yêu cầu cần thiết nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, bảo đảm hài hoà các lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, tạo nguồn lực và động lực mới để phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Cùng với đó, Hội nghị Trung ương lần này tiếp tục “hội chẩn”, tìm giải pháp căn cơ cho những vấn đề tồn tại quá lâu trong công tác quản lý và sử dụng đất đai để nguồn tài nguyên quan trọng này thực sự trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Những quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại hội nghị quan trọng này về các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất đai sẽ là định hướng và căn cứ quan trọng để điều chỉnh Luật Đất đai năm 2013 và các luật khác, các văn bản dưới luật cũng như các chính sách liên quan đến đất đai cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới.

Ở góc độ nhà nghiên cứu, nhóm chuyên gia gồm GS.TS Nguyễn Thị Cành, TS.Lê Hoàng Vinh, TS Trịnh Thục Hiền… Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) nhận định: Quy hoạch và Luật Đầu tư làm hạn chế nguồn thu tài chính từ đất đai trên các khía cạnh định giá, quy hoạch treo, phân cấp quản lý, ưu đãi đầu tư… Trong đó, công tác quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều hạn chế, nhất là trong quy hoạch sử dụng đất, định giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư, các thủ tục hành chính về đất đai.

Đặc biệt, lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được bảo đảm tương xứng, trong đó việc sử dụng đất nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp… Đơn cử như vấn đề quy hoạch treo kéo dài qua nhiều năm, đất không được đưa vào sử dụng gây lãng phí tạo ra nhiều “dự án ma”, không giao dịch được và không tạo ra thu nhập.

Lan Anh