Hàng loạt đại gia “mắc cạn”
Qua đợt thanh kiểm tra 379 dự án, Sở TN&MT Hà Nội đã kiến nghị thành phố thu hồi 28 dự án với tổng diện tích đất 1.844 ha; gia hạn thời gian thêm 24 tháng đối với 25 dự án sở hữu tổng diện tích 39 ha do chủ đầu tư chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng và buộc phải nộp tiền sử dụng đất cho thời gian gia hạn… Nếu chủ đầu tư vẫn không triển khai thì sẽ tiến hành thu hồi.
Điển hình như dự án Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch của Tổng Công ty cổ phần Thương mại xây dựng (Vietracimex), dù triển khai từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn dở dang do phải điều chỉnh quy hoạch. Sau gần 10 năm, chủ đầu tư mới chỉ “ì ạch” xây thô được gần chục dãy nhà liền kề, biệt thự, còn phần lớn diện tích đất vẫn bỏ hoang, cỏ mọc um tùm… như khu đô thị “ma”.
Dự án Khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch từng bị bỏ hoang tới gần 10 năm. |
Những dự án bất động sản bị chậm triển khai, bỏ hoang đất tập trung chủ yếu ở khu vực như Hà Đông, Mê Linh, Hoài Đức… Nguyên nhân chủ yếu do thị trường khó khăn, tiêu thụ ế ẩm, doanh nghiệp không xoay sở được nguồn vốn. Song việc thu hồi dự án dở dang lại rất phức tạp, rơi vào bế tắc, gây lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, đất canh tác cũng như cuộc sống của người dân địa phương.Tương tự, dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) của Tổng Công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng – Licogi, được giao hơn 35,16 ha đất từ năm 2004. Suốt 16 năm qua, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn chưa xong. Nhiều khu vực đất được tận dụng làm bãi xe, nhà xưởng hoặc bỏ hoang.
Thậm chí, không ít dự án đất “vàng” ở trung tâm Hà Nội sau khi về tay tư nhân cũng nằm “bất động” hàng thập kỷ, gây lãng phí rất lớn và làm xấu diện mạo đô thị. Điển hình như dự án D’. San Raffles của Tập đoàn Tân Hoàng Minh nằm trên khu đất rộng 4.000m2 tại số 22-24 Hàng Bài, vẫn quây tôn bỏ hoang hơn 14 năm qua. Chủ đầu tư cũ là Công ty cổ phần Thời Đại Mới T&T đã từng quảng cáo rao bán dự án chung cư siêu sang, song việc xin nâng chiều cao công trình đã không được duyệt. Sau khi về tay Tân Hoàng Minh, khu đất “kim cương” lại được giữ nguyên chiều cao 8 tầng và xin chuyển đổi thành khách sạn 5 sao, tiếp tục quây tôn bỏ hoang…
Sự chậm trễ thi công hàng loạt dự án đất vàng khiến dư luận đặt câu hỏi liệu Tân Hoàng Minh có đủ năng lực và nguồn tài chính để triển khai dự án hay không? Chưa kể, việc triển khai cùng lúc 6 dự án bất động sản siêu sang, tòa nhà dát vàng song dự án nào của Tân Hoàng Minh cũng đều gây thất vọng về tiến độ quá chậm, hay “ôm” đất vàng bỏ hoang tại Hà Nội.
Khu đất 4.000m2 nơi làm dự án D’. San Raffles tại 22-24 Hàng Bài, sát Hồ Gươm vẫn bỏ hoang nhiều năm. |
Chủ đầu tư đổ lỗi cho “cơ chế”
Tại cuộc hội thảo bất động sản giữa tháng 7 vừa qua, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tân Hoàng Minh đã giãi bày về những khó khăn khi “mắc cạn” tại các dự án, trong đó đề cập tới vướng mắc làm thủ tục cho một miếng đất 14 – 15 năm vẫn không xong.
“Tại sao đất đẹp mà tôi không xây, vì có ai cho tôi xây đâu, có giấy phép đâu. Giấy phép phụ thuộc vào việc tính tiền đất, không nộp tiền đất cho nhà nước thì làm sao có giấy phép được”, ông Dũng giãi bày. Những vướng mắc ở khâu chính sách, thủ tục hành chính công đã khiến doanh nghiệp khổ sở, kéo tiến độ dự án đã đẩy chi phí đầu tư lên cao và buộc chủ đầu tư phải tăng giá bán nhà. Ông Dũng cũng tiết lộ:“Chúng tôi không thể chịu lỗ, vì lỗ thì lấy gì trả ngân hàng. Lẽ ra tôi bán 30 triệu đồng/m2 nhưng vì thời gian chờ thủ tục kéo dài, chúng tôi cộng thêm 5 triệu đồng và bán giá 35 triệu đồng/m2”.
Công trình thập kỷ D’. Palais Louis – Nguyễn Văn Huyên nằm trên khu đất vàng rộng 4.791m2, được xây dựng từ năm 2009 đến giờ vẫn chưa thể bàn giao. Năm 2014, công ty đã phải trả lại tiền đặt cọc cho khoảng 60 nhà đầu tư, sau đó, dự án rơi vào cảnh bán hàng đìu hiu vì tiến độ rùa, chủ đầu tư bội tín khiến nhiều khách hàng quay lưng. Hơn nữa, các dự án của tập đoàn liên tục xảy ra sai phạm như: bán nhà khi chưa đủ điều kiện kinh doanh, huy động vốn sớm, quản lý xây dựng, hồ sơ quản lý chất lượng không đầy đủ, không đảm bảo yêu cầu thi công… |
Nguyên nhân chủ yếu do một số dự án trên địa bàn xảy ra tranh chấp, khiếu nại, tố cáo hoặc huy động vốn trái phép, do đó phải chờ cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh. Một số chủ đầu tư cố tình trây ì không làm thủ tục hay chậm giải phóng mặt bằng đưa đất vào sử dụng để “trốn” nghĩa vụ tài chính; hay doanh nghiệp thiếu năng lực tài chính không đảm bảo tiến độ dự án. Trước nỗi “oan thị Mầu” của doanh nghiệp, kết quả giám sát của HĐND TP.Hà Nội lại cho thấy thực cảnh đáng báo động về sự thâu tóm đất, chậm triển khai của gần 400 dự án hoặc vi phạm Luật Đất đai nhiều năm qua.
Sở TN&MT Hà Nội cho biết sẽ kiến nghị không giao đất, giao dự án mới cho các chủ đầu tư cố tình phớt lờ các quy định của Luật kinh doanh bất động sản, “ôm” đất không triển khai, không xem xét gia hạn thời gian sử dụng đất, thời gian nộp tiền sử dụng đất, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đối với dự án sử dụng đất sai mục đích.
Để giải quyết vấn đề này, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT cho rằng ngoài việc kiên quyết thu hồi đất, các cơ quan chức năng cần có chế tài xử phạt các chủ đầu tư cố tình trây ì, bỏ hoang lãng phí đất đai theo quy định. Bởi thực tế, sau thời gian 24 tháng, không ít chủ đầu tư vẫn “ôm” đất nhiều năm mà không triển khai bất cứ hạng mục nào.
Việc đưa ra các chế tài xử phạt thích đáng cùng hành động quyết liệt thu hồi đất của Sở TNMT TP.Hà Nội đối với các dự án chậm triển khai trong nhiều năm sẽ “thanh lọc” các chủ đầu tư yếu kém, không có năng lực tài chính, bất chấp vi phạm các quy định pháp luật.