Mô hình nông nghiệp tái sinh: Giải pháp thiết thực cho phát triển bền vững

Phương pháp canh tác nông nghiệp tái sinh “không cày xới” góp phần thúc đẩy đa dạng sinh học, mang lại lợi nhuận cho các chủ vườn ô liu và nho.

Tây Ban Nha với phương pháp canh tác “không cày xới”

Nghiên cứu lớn nhất thế giới về đa dạng sinh học trong rừng ô liu, các nhà nghiên cứu từ Đại học Jaén và hội đồng cấp cao hơn về nghiên cứu khoa học (CSIC), các đối tác trong dự án Olivares Vivos phát hiện ra rằng, trong ba năm, số lượng ong trong rừng ô liu tái sinh tăng lên 47%, chim và động vật tăng 10%, cây bụi thân gỗ tăng 172%, so với 20 khu rừng đối chứng. Khi thỏ phát triển mạnh trên đồng cỏ, chim săn mồi cũng xuất hiện trở lại.

Trước đó, vào năm 2016, với sự hỗ trợ tài chính từ chương trình EU’s Life, 20 trang trại ô liu trong khu vực đã được chọn để áp dụng mô hình nông nghiệp tái sinh, cho phép cỏ và hoa dại sinh sôi giữa các tán cây. Nhiều loại cây địa phương được trồng ghép, lắp đặt các hộp làm tổ chim và đào ao để khuyến khích sự sống của côn trùng và chim.

Theo đó, phương pháp canh tác nông nghiệp tái sinh “không cày xới” góp phần thúc đẩy đa dạng sinh học, mang lại lợi nhuận cho các chủ vườn ô liu và nho.

Mô hình nông nghiệp tái sinh: Giải pháp thiết thực cho phát triển bền vững - Ảnh 1
Phương pháp canh tác nông nghiệp tái sinh “không cày xới” sẽ góp phần thúc đẩy đa dạng sinh học. (Ảnh minh họa)

Paco Montabes, chủ một cánh đồng 650 ha ô liu ở Jaén’s Sierra Mágina cho biết: “Những gì chúng tôi đang làm là quay trở lại với những cách canh tác truyền thống hơn. Việc không cày xới giữa các cây giúp giữ nước tốt hơn, ít bị xói mòn và trôi sau mưa lớn. Lớp phủ thực vật làm cho mặt đất giống như bọt biển và hấp thụ nước mưa”.

Còn theo José Eugenio Gutiérrez, thành viên của tổ chức bảo tồn SEO Birdlife, điều phối viên dự án nhận định, sáng kiến ​​này được thúc đẩy bởi cả những mối quan tâm về môi trường và kinh tế. Những người trồng trọt đã lo lắng về xói mòn đất và thiếu đa dạng sinh học, cũng đang chịu thiệt hại về mặt tài chính do tình trạng dư thừa dầu ô liu trên toàn cầu đã đẩy giá xuống dưới giá thành sản xuất.

Được biết, mô hình nông nghiệp tái sinh là một trong những ý tưởng đã thành công trong kinh doanh rượu. Từ ban đầu chỉ có một số vườn nho nhỏ áp dụng, hiện nay các nhà sản xuất rượu vang lớn cũng đang đăng ký tham gia. Trong vùng trồng nho Penedès (cách Jaén 750 km về phía Bắc), Torres - nhà sản xuất rượu lớn nhất của Tây Ban Nha đang áp dụng phương pháp tái tạo khi tìm cách giảm lượng khí thải carbon.

Theo phương pháp canh tác truyền thống, đất được cày giữa các dây leo để loại bỏ cỏ dại và vỡ đất để dễ hút nước mưa. Tuy nhiên, việc làm này không chỉ góp phần làm xói mòn mà còn dẫn đến thiếu đa dạng sinh học và đất nghèo dinh dưỡng.

Do đó, nhờ áp dụng mô hình canh tác này, các nhà sản xuất đã giảm lượng khí thải carbon của một chai rượu chỉ còn 34% và hướng tới mục tiêu giảm 60%, chủ yếu thông qua các biện pháp tiết kiệm năng lượng được áp dụng trong quá trình sản xuất.

Giảm khí thải nhờ phương pháp canh tác hữu cơ tại Anh

Thực phẩm và nông nghiệp được đánh giá là lĩnh vực chủ chốt của Vương quốc Anh. Tuy nhiên, các ngành này lại có lượng khí thải carbon lớn, chiếm 1/5 lượng khí thải của cả nước này. Con số đó tăng lên khoảng 30% nếu tính lượng khí thải do tất cả thực phẩm Vương quốc Anh nhập khẩu tạo ra. Trong đó, lượng khí thải do nông nghiệp thải ra chiếm khoảng 10% tổng lượng khí thải, nhưng những năm gần đây đã xuất hiện một số cam kết để góp phần giảm thiểu lượng khí thải đó.

Theo nhận định của các chuyên gia, động lực thúc đẩy sự chuyển đổi sang nông nghiệp tái sinh ở Anh là để giảm thiểu khủng hoảng khí hậu đang ngày càng tăng.

Mô hình nông nghiệp tái sinh: Giải pháp thiết thực cho phát triển bền vững - Ảnh 2
Phương pháp canh tác hữu cơ sẽ giúp lưu trữ nhiều carbon hơn trong đất, giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. (Ảnh minh họa: Getty)

Minette Batters, người đứng đầu Liên minh Nông dân Quốc gia đã đặt ra tham vọng cho việc canh tác ở Vương quốc Anh trở nên trung hòa với khí hậu vào năm 2040. Với chiến lược Lương thực Quốc gia của Henry Dimbleby, hiện khuyến nghị chính phủ dành ra tới 700 triệu bảng để trả cho nông dân, những người tạo ra cảnh quan cô lập carbon và thiên nhiên phong phú.

Đã có hơn 1.700 nông dân hữu cơ trên khắp Vương quốc Anh đăng ký Chứng nhận của Hiệp hội Đất, bao gồm gần nửa triệu ha đất nông nghiệp. Ngoài việc sử dụng ít thuốc trừ sâu hơn, các trang trại hữu cơ có nhiều động vật hoang dã hơn và lưu trữ nhiều carbon hơn trong đất, giảm lượng khí thải.

John Cherry, người sáng lập Groundswell (sự kiện hàng đầu về nông nghiệp tái sinh của Vương quốc Anh) cho biết, trang trại của ông (Weston Park Farms) đang đổi mới phương pháp sản xuất bền vững và tuân theo nguyên tắc: Không cày xới; sử dụng cây che phủ nếu có thể và luân canh đa dạng.

"Mọi người có thể thu được năng suất cao hơn với các phương pháp tiếp cận thông thường, nhưng họ cũng phải trả giá đắt hơn cho tất cả các yếu tố đầu vào, vì vậy họ không kiếm được nhiều tiền hơn", John Cherry cho hay.

Theo kế hoạch trợ cấp mới do Bộ Môi trường công bố, nông dân sẽ được cung cấp tới 70 bảng Anh mỗi ha để áp dụng các kỹ thuật tái sinh, bao gồm các hệ thống canh tác hỗn hợp, nơi trồng cây kết hợp với chăn nuôi gia súc để giúp tăng cường sức khỏe của đất.

Ngoài ra, việc chấm dứt trợ cấp và chi phí đầu vào như phân bón có giá tăng cao đang thúc đẩy nông dân xem xét lại hình thức canh tác họ thực hiện.

Thuỳ Linh
Theo Tạp chí KTMT