Mưa lũ bất thường ở miền Trung: Thủy điện không thể vô can

Không phủ nhận những đóng góp của thủy điện đối với sự phát triển kinh tế, năng lượng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, thủy điện còn được nhắc tới như "tội đồ" gây ra lũ lụt ở miền Trung trong những ngày qua.
Lũ lụt đang tồi tệ hơn do khủng hoảng khí hậuKhẩn trương cứu trợ người dân vùng lũ miền TrungGây quỹ ủng hộ đồng bào miền Trung tại Giải bóng đá Kinh tế Môi trường lần I-2020

Miền Trung xứ sở của thủy điện

Hơn 20 năm qua, nhiều dự án thủy điện có quy mô và công suất khác nhau đã được quy hoạch và xây dựng ồ ạt tại miền Trung, đặc biệt là từ Quảng Bình đến Phú Yên và các tỉnh ở Tây Nguyên.

Thủy điện hiện đang đóng góp khoảng 35% - 40% sản lượng năng lượng quốc gia. Nhưng sự phát triển ồ ạt các nhà máy thủy điện đã làm gia tăng các vấn đề môi trường - xã hội và chúng ta đang phải đối mặt với những hậu quả bất lợi, trong đó điển hình nhất là những hệ lụy thiên tai từ việc mất rừng.

tm-img-alt
Thủy điện Rào Trăng 3 nhìn từ trên cao. (Ảnh: Internet)

Sự cố sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3, Trạm bảo vệ rừng 67 (ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) khiến nhiều người thiệt mạng và mất tích; người dân lâm cảnh khốn cùng, miền Trung tan hoang, thiệt hại nặng nề không kể hết. Trong số hàng loạt những nguyên nhân được chỉ ra như mưa lũ kéo dài, địa hình phức tạp thì thủy điện cũng được cho là một trong nhiều nguyên nhân.

Báo Lao động thông tin, theo kết quả khảo sát, điều tra về hồ chứa, đập và đập thủy điện tại 10 dòng sông lớn của Việt Nam những năm gần đây của tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho thấy, các hệ thống sông như sông Hồng – sông Thái Bình, sông Mã, sông Cả, sông Hương, sông Ba, sông Vu Gia – Thu Bồn, sông Sêrêpôk, sông Sê San… đang có rất nhiều đập và đập thủy điện lớn nhỏ.

Cụ thể, theo thống kê, tại Thừa Thiên Huế hiện có hơn chục dự án thủy điện nhỏ được cấp phép đầu tư xây dựng theo thiết kế bậc thang.

Riêng sông Rào Trăng có chiều dài khoảng 26 km nhưng đã có tới 4 dự án thủy điện  với 4 bậc, tổng công suất lắp máy là 89MW đang xây dựng, sắp hoàn thành và đã đi vào hoạt động gồm: thủy điện A Lin B1 (42MW); A Lin B2 (20MW); Rào Trăng 3 (13MW) và Rào Trăng 4 (14MW).

Thủy điện Rào Trăng 3 được UBND Thừa Thiên Huế cấp phép giao ch‌o Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Trường Sơn thực hiện vào tháng 11/2008 với công suất lắp máy 11 MW, tổng nguồn vốn đầu tư 290 tỉ đồng.

Diện tích đất dự kiến sử dụng là 11,1 ha; trong đó diện tích khu vực lòng hồ là 8,8 ha, còn lại là khu vực nhà máy, tuyến áp lực, tuyến năng lượng và công trình phụ trợ.

Dự án sau đó được điều chỉnh quy hoạch tăng công suất nhà máy lên 13MW và điện lượng trung bình hàng năm là 44,343 triệu kWh. Dự án cũng được thay đổi nhà đầu tư từ Công ty TNHH tư vấn xây dựng Trường Sơn sang Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 3.

Tại Nghệ An, dọc tuyến sông Lam, đoạn thượng nguồn bắt đầu từ các con suối bị chặn bởi chi chít thủy điện lớn nhỏ.

Ở Quảng Nam, hai dòng sông là A Vương, sông Kôn cũng gánh chịu 7 công trình thủy điện gồm A vương, Sông Kôn 2, Khe Diên, Đại Đồng, Sông Cùng, Za Hung, Trà Linh 3.

Với đặc điểm địa hình nhiều sông suối, có độ dốc lớn những năm qua các công trình thủy điện, đặc biệt là thủy điện vừa và nhỏ đã phát triển ồ ạt tại miền Trung, Tây Nguyên.

tm-img-alt
Nhà máy thủy điện sông Tranh 4 (Quảng Nam). 

Nhiều hệ lụy

Không phủ nhận những đóng góp của thủy điện đối với sự phát triển kinh tế, năng lượng. Tuy nhiên, cũng không ít những dự án gây ảnh hưởng lớn đến môi trường.

Mới đây, trao đổi với báo Đất Việt về vấn đề này, ông Lê Việt Trường - nguyên ĐBQH Khóa XIII cho rằng, chuyện miền Trung lũ chồng lũ được cho là do thủy điện xả nước không đúng quy định đã được nhắc tới từ năm 2013.

Mặc dù, thời điểm đó, Bộ Công thương đã tiếp thu, lắng nghe, chấp nhận loại khỏi quy hoạch gần 500 thủy điện nhỏ nhưng bài toán về hiệu quả kinh tế từ việc phát triển quá nhiều thủy điện cũng như những nguy cơ tiềm ẩn, trách nhiệm quản lý, vận hành... vẫn chưa được đánh giá một cách toàn diện, kỹ lưỡng.

Theo ông Trường, nhiều chuyên gia kinh tế và cả ĐBQH cũng nói thẳng, nếu tính toán kỹ lưỡng thì nguồn lợi từ thủy điện mang lại chưa chắc đã tương xứng với những gì phải bỏ ra.

Trước hết về hiệu quả kinh tế, ông cho biết, nếu dự án được quy hoạch, thiết kế ở những vị trí thuận lợi, có nguồn nước dồi dào như thủy điện Hòa Bình hay thủy điện Sơn La thì giá thành điện mới rẻ, hiệu quả kinh tế cao, nhà đầu tư mới có lợi.

Ngược lại với những thủy điện vừa và nhỏ có vị trí địa lý không thuận lợi nếu tính tổng chi phí đầu tư xây dựng thủy điện cho tới khi hoàn thành đưa vào sản xuất và tạo ra thành phẩm thì không hề rẻ, thậm chí không có lãi.

Chưa kể, để làm thủy điện nguồn lợi thiên nhiên phải đánh đổi là quá lớn, cụ thể như diện tích rừng bị phá, diện tích đất đai bị chiếm dụng vốn là nguồn sống chính của đồng bào dân tộc, cho tới những giá trị vật chất không thể nhìn thấy như các công trình văn hóa, tâm linh... thì cái lợi từ thủy điện nhỏ và vừa mang lại không đáng kể gì.

Từ thực trạng trên, ông Lê Việt Trường cho rằng, cùng với xu hướng phát triển thủy điện cũng là những cảnh báo về lũ lụt tại miền Trung ngày càng trầm trọng hơn, do đó, đòi hỏi phải có những đánh giá rất thận trọng để đưa ra biện pháp ứng phó chủ động hơn.

Còn TS. Đào Trọng Tứ, Trưởng ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng, thủy điện phục vụ an ninh năng lượng, điều tiết dòng chảy (với các thủy điện có hồ chứa)… Nhưng nếu quy hoạch phát triển thủy điện không hợp lý, vận hành không tuân thủ, thủy điện sẽ tạo ra những tác động tiêu cực đến thiên nhiên, con người và có thể gây nên thảm họa khi có sự cố.

Theo ông, thủy điện không phải là nguyên nhân tạo nên lũ. Vấn đề ở đây là câu chuyện vận hành hồ chứa. Nó mới là nguyên nhân gây ra tác hại của thủy điện đối với vùng hạ lưu.

Nếu vận hành đúng, hợp lý, hồ chứa thủy điện cũng không tăng thêm quá nhiều tác động. Những năm qua chúng ta chứng kiến một sự vận hành không hợp lý. Nếu chứa nước quá sớm thì khi mùa lũ đến không còn chỗ chứa buộc phải xả. Mà xả lượng nước quá lớn, quá gấp làm lũ trên sông lên rất nhanh làm khốn khổ người dân.

Từng bước loại bỏ thủy điện nhỏ

Sau 3 năm thực hiện rà soát quy hoạch theo Nghị quyết 62 của Quốc Hội, đến tháng 10/2016, Bộ Công thương cho biết đã loại khỏi quy hoạch 08 dự án thủy điện bậc thang (655 MW) và 463 dự án thủy điện nhỏ (1.404,68 MW) do tác động tiêu cực lớn đối với môi trường và xã hội, hiệu quả thấp, ảnh hưởng quy hoạch hoặc dự án ưu tiên khác. Đồng thời, Bộ này cũng không xem xét quy hoạch 213 vị trí tiềm năng thủy điện khác (hơn 349MW).

Đến tháng 2/2020, Nghị quyết 55 về Chiến lược quốc gia về năng lượng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 của Bộ Chính trị ban hành đã nêu định hướng đối với thuỷ điện: “Huy động tối đa các nguồn thuỷ điện hiện có và phát triển có chọn lọc, bổ sung một số thuỷ điện nhỏ và vừa, thuỷ điện tích năng. Có chiến lược hợp tác phát triển thuỷ điện gắn với nhập khẩu điện năng dài hạn từ nước ngoài”.

Trong một trả lời vào tháng 10/2020 mới đây với đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã cho biết: “Việt Nam có thuận lợi về thủy điện, với giá thành thấp nhất. Tuy nhiên, hiện nay các dự án thủy điện lớn và vừa trên các dòng sông đã được quy hoạch, về cơ bản đã được đầu tư và khai thác hết. Các dự án thủy điện nhỏ, có chi phí giá thành cao đang được từng bước đầu tư và khai thác”.

Hà Linh
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết