Mục tiêu đạt 8,6 triệu tấn của ngành thủy sản liệu có khả thi?

Khai thác thủy sản những tháng cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do vừa phải đảm bảo khai thác an toàn trong dịch bệnh và vừa ứng phó mưa bão, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ.
Ngành thủy sản đối diện với cảnh báo 'rác sẽ nhiều hơn cá'

Bứt phá những tháng cuối năm

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Đến nay tổng sản lượng khai thác thủy sản biển ước đạt 2,917 triệu tấn (tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó, sản lượng cá ngừ, mực và các loài cá nổi chiếm khoảng 60%. Sản lượng khai thác ở ngư trường Đông Nam Bộ chiếm tỉ lệ cao nhất khoảng 40%, sản lượng khai thác ở vùng biển vịnh Bắc Bộ và Tây Nam Bộ tiếp tục có xu hướng giảm”.

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, số lượng tàu cá ngừng không đi khai thác chỉ tính trong 3 tháng là 43.200 tàu, tương đương 4,6% cường lực khai thác, (tháng 7 khoảng 9.800 tàu, tháng 8 là 19.700 tàu, tháng 9 là 13.700 tàu) các tàu ngừng sản xuất làm giảm sản lượng khai thác trong 3 tháng khoảng 186.000 tấn trong năm 2021.

Mục tiêu đạt 8,6 triệu tấn của ngành thủy sản liệu có khả thi? - Ảnh 1
Tổng sản lượng khai thác thủy sản tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020 (Ảnh minh họa)

Để đạt mục tiêu cả năm với tổng sản lượng toàn ngành thủy sản đạt 8,6 triệu tấn; Kim ngạch xuất khẩu 8,8 tỉ USD, ngành khai thác biển phải đạt sản lượng 3,657 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,6 tỉ USD.

“9 tháng qua, khai thác thủy sản đã đạt sản lượng gần 3 triệu tấn. Như vậy trong các tháng còn lại của năm cần đạt 750.000 tấn (bình quân mỗi tháng phải phấn đấu là 250.000 tấn). Tuy nhiên, khai thác thủy sản những tháng cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do vừa phải đảm bảo khai thác an toàn trong dịch bệnh và vừa ứng phó mưa bão”, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ.

Thách thức chờ đợi phía trước

Thiếu lao động chính là khó khăn lớn của ngành khai thác thủy sản thời gian qua. Thiếu cả về số lượng và chất lượng lao động nên nhiều tàu cá phải nằm bờ. Tính đến tháng 9/2021 cả nước có khoảng 1 triệu lao động trực tiếp trên các tàu cá, tuy nhiên số lượng lao được tiêm mũi 1 vaccine phòng Covid-19 chỉ ước đạt khoảng 25%.

Hơn nữa, thị trường tiêu thụ nội địa giảm, thị trường tiêu thụ Trung Quốc cũng hạn chế nhập khẩu để phòng ngừa dịch bệnh lây lan, giá cả sản phẩm giảm so với trước kia đã gây khó khăn cho hoạt động khai thác thủy sản.

Các thị trường nhập khẩu thủy sản lớn trên thế giới, đặc biệt là EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có những yêu cầu chặt chẽ về kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Nhiều phương pháp truy xuất nguồn gốc hải sản và hàng trăm hệ thống riêng lẻ đã xuất hiện trong những năm gần đây trong chuỗi cung ứng hải sản và các nhà cung cấp công nghệ. Điều này đã gây khó khăn cho hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam vì phải đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các nhà nhập khẩu.

Mục tiêu đạt 8,6 triệu tấn của ngành thủy sản liệu có khả thi? - Ảnh 2
Tàu đánh cá phải đảm bảo đúng thủ tục mới được ra khơi (Ảnh minh họa)

Tàu đánh cá muốn ra khơi phải có giấy phép khai thác, hoạt động đúng ngư trường, không khai thác ở vùng biển nước ngoài, phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và bật liên tục trong quá trình hoạt động, trước khi ra vào cảng phải thông báo trước 1 giờ…

Việc ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật vào công tác bảo quản sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch đã từng bước cải thiện nhưng còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Tác phong, tập quán của ngư dân chậm thay đổi, không theo kịp với quá trình hiện đại hóa của hoạt động khai thác thủy sản.

Nhận thấy khó khăn còn rất nhiều nhưng mục tiêu đã đề ra, nhất định phải đạt được. Cho nên, đòi hỏi ngành khai thác thủy sản cần tuyên truyền và hướng dẫn ngư dân tổ chức khai thác trên biển và có chính sách khuyến khích hoạt động khai thác ở các vùng biển xa. Cùng với đó, cần ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 cho các lao động, ngư dân làm việc trong chuỗi cung ứng khai thác thủy sản để duy trì hoạt động sản xuất trên biển.

Thu Hà