Máu rừng vẫn chảy
Thông tin từ Bộ NN&PTNT, năm 2017 xảy ra 16.531 vụ vi phạm phá rừng, năm 2018 xảy ra 12.954 vụ. Năm 2019 "chỉ" xảy ra 10.731 vụ vi phạm, giảm 2.223 vụ (17%) so với cùng kỳ năm 2018.
Năm 2019 số diện tích rừng bị thiệt hại 2.575 ha, dù giảm hơn 50% về số vụ so với 2015, nhưng số diện tích thiệt hại chỉ giảm có 11,9% (giảm 349 ha). Điều này thấy số vụ tuy giảm nhưng mức độ tàn phá rừng là ngày càng nghiêm trọng.
Một vụ việc phá rừng nghiêm trọng ở xảy ra tại vườn quốc gia Hoàng Liên thuộc tỉnh Lào Cai được phản ánh cuối tháng 7 vừa qua. Dư luận dậy sóng về tình trạng ngang nhiên phá rừng trong khu vực rừng được bảo vệ nghiêm ngặt.
Theo đó, nhóm lâm tặc đã ngang nhiên vào Vườn quốc gia Hoàng Liên chặt hạ nhiều cây gỗ Pơ mu và vận chuyến trái phép ra bên ngoài tiêu thụ. Hoạt động khai thác, vận chuyển diễn ra công khai giữa ban ngày nhưng chưa được phát hiện xử lý khiến cây rừng bị chặt hạ khá nhiều.
Sau khi có thông tin phản ánh, UBND tỉnh Lào Cai có văn bản giao Công an tỉnh chủ trì điều tra, xử lý vi phạm về khai thác rừng tại Vườn quốc gia Hoàng Liên. Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên cùng 3 cán bộ kiểm lâm liên quan bị đình chỉ công tác, phục vụ điều tra.
Khu vực Tây Nguyên (gồm 5 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) có tổng diện tích hơn 3,2 triệu ha đất lâm nghiệp, trong đó có hơn 2,5 triệu ha rừng. Là khu vực có diện tích rừng lớn thứ 2 cả nước (chiếm 17,5%), có tiềm năng lớn về tài nguyên rừng và nhiều lợi thế phát triển kinh tế, phát triển lâm nghiệp.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khu vực này cũng xảy ra nhiều vụ phá rừng quy mô lớn. Đầu tháng 9/2021, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk phối hợp với các đơn vị kiểm tra và phát hiện tại tiểu khu 715 (xã Ea Lai, huyện M’Đrắk) có 19 gốc cây bị cắt hạ. Trong đó, có 4 cây vừa mới bị khai, 15 gốc cây còn lại có dấu vết cưa đã cũ.
Vào cuối tháng 8/2021, cơ quan chức năng huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) vào cuộc làm rõ vụ khai thác rừng trái phép tại khoảnh 5 và 6, tiểu khu 1202, lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Mố quản lý, địa giới hành chính thuộc xã Chư Mố, huyện Ia Pa. Phát hiện có 66 gốc, chủng loại gỗ bị lâm tặc cưa xẻ gồm căm xe, bằng lăng, bình linh, sui, kơ nia, cà chít, cám, gõ mật (từ nhóm 1 đến 7). Hiện trường chỉ còn lại ván bìa, cành nhánh, gỗ đã bị vận chuyển đi.
Một vụ việc phá rừng có tổ chức với quy mô lớn ở Phú Yên đã được công an tỉnh Phú Yên kết luận điều tra vào đầu tháng 6/2021. Theo đó, 35 đối tượng đã tổ chức khai thác rừng trái phép tại tiểu khu 312 và 358 thuộc hai xã Sông Hinh và xã Sơn Thành Tây (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên). Có 335 cây gỗ bị chặt hạ trái phép, hơn 7 nghìn m2 rừng bị san lấp mở đường.
Xử lý nghiêm để làm bài học răn đe
Theo các chuyên gia môi trường, khi rừng bị tàn phá một cách không thương tiếc thì con người có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, khí hậu trái đất dần nóng lên, lũ lụt, hạn hán, biến đổi khí hậu,… Những tình trạng này kéo theo chất lượng cuộc sống suy giảm, đói kém, bệnh tật sinh sôi khắp nơi.
Trao đổi với PV Tạp chí Kinh tế Môi trường xoay quanh câu chuyện lâm tặc phá rừng, Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho rằng, việc các cá nhân tự ý chặt phá rừng là trái với quy định của pháp luật và cần phải xử lý nghiêm đúng người đúng hành vi để làm bài học răn đe cảnh tỉnh. Và để xảy ra tình trạng chặt phá rừng thì lãnh đạo địa phương và tiếp đến là những đơn vị liên quan phải chịu trách nhiệm.
Theo luật sư Bình, hành vi khai thác rừng trái pháp luật sẽ bị xử lý hành chính theo Điều 13 Nghị định 35/2019 NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp. Nếu vi phạm nghiêm trọng sẽ bị xem xét xử lý hình sự theo Điều 232 Bộ luật Hình sự.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh (Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN) chia sẻ với phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường: "Có một thực tế, việc trồng rừng, tăng diện tích che phủ trên cả nước vẫn chưa đạt được như kỳ vọng của chúng ta. Trong khi đó, tình trạng phá rừng vẫn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ.
Trong thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa hàng loạt vụ phá rừng nghiêm trọng ở nhiều vùng miền. Điều này khiến tính an toàn sinh thái tại Việt Nam vốn đã thấp do tỉ lệ rừng tự nhiên chỉ còn chưa đầy 0,5 triệu hecta lại càng thấp hơn. Điều này cần được lưu tâm".
Về những giải pháp cụ thể nhằm ngăn chặn tận gốc tình trạng phá rừng, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Hùng (Đoàn Thái Nguyên) chia sẻ: "Quản lý nhà nước phải được tăng cường hơn trong lĩnh vực này. Tôi cho rằng, Chính phủ ngoài việc chỉ đạo quyết liệt thì cần quy trách nhiệm của Chính quyền địa phương các cấp mà để xảy ra tình trạng này.
Ngoài quy trách nhiệm cho người đứng đầu, trách nhiệm của Chính quyền địa phương, thì phải khởi tố những vụ liên quan tới vi phạm pháp luật. Và qua khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì mới đủ sức răn đe chấm dứt ngay tình trạng này.
Một năm mà tiếp tục có chiều hướng gia tăng như vậy thì rõ ràng đây là cảnh báo hết sức lo lắng của cử tri cũng như nhân dân về vấn đề bảo vệ rừng và bảo vệ động vật hoang dã".