Muôn kiểu xâm hại rừng (Kỳ 2): Người trồng rừng ‘phút chốc’ thành 'lâm tặc'

Người dân được địa phương giao khoán đất để trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, nhiều người lại tự tay chặt phá những vạt rừng do mình trồng và chăm sóc khi chưa có sự cho phép, dẫn đến nhiều hệ lụy.
Khám phá rừng Bidoup - Núi Bà của cao nguyên Lâm ViênVụ phá rừng phòng hộ ở Lâm Đồng: Nhiều dự án để xảy ra mất rừngPhá rừng phòng hộ 'mở đường' cho xây dựng thủy điện

Trồng rừng rồi tự phá

Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, mặc dù diện tích rừng bị thiệt hại giảm 270 ha/năm, trong 4 năm từ 2016 - 2019, diện tích rừng bị thiệt hại vẫn lên tới 7.283 ha. Như vậy, trung bình mỗi năm chúng ta mất đi 2.430 ha rừng.

Tại hội nghị "Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân đang sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp vùng Tây Nguyên" diễn ra vào đầu tháng 7/2020 tại Đà Lạt, Lâm Đồng do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức, các chuyên gia nêu các số liệu đáng chú ý: 13% diện tích rừng đã bị mất trong 3 năm từ 2014 - 2017, toàn bộ diện tích này bị sử dụng trái phép để trồng cây công nghiệp. Tính từ năm 2010 - 2019 hơn 350.000 ha rừng bị mất.

Muôn kiểu xâm hại rừng (Kỳ 2): Người trồng rừng ‘phút chốc’ thành 'lâm tặc' - Ảnh 1
Rừng đầu nguồn tại Phú Yên bị người dân triệt phá hàng loạt để lấy đất trồng keo. (Ảnh TTXVN)

Một thực tế đang diễn ra, diện tích rừng phòng hộ đang ngày càng suy giảm, thay vào đó là sự gia tăng diện tích rừng sản xuất. Nguyên nhân là do người dân đốt rừng làm nương rẫy. Báo cáo của Cục Kiểm lâm cho biết, hiện nay, tình trạng đốt rừng làm nương rẫy ngày càng phức tạp hơn, nên cơ quan chức năng khó phát hiện. Có nhiều vụ phá rừng mà người phá được xác định chính là những người dân được giao đất, giao rừng để trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.

Vào trung tuần tháng 5/2021, tại khu vực rừng phòng hộ trên đèo Pha Đin thuộc bản Hua Sa A (xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) xảy ra việc phá rừng phòng hộ quy mô lớn. Cơ quan chức năng kiểm đếm, có gần 530 gốc cây thông bị chặt hạ với khối lượng gỗ hơn 300 m3. Công an tỉnh Điện Biên đã vào cuộc xác minh điều tra. Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình và Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Tuần Giáo đã bị đình chỉ công tác.

Muôn kiểu xâm hại rừng (Kỳ 2): Người trồng rừng ‘phút chốc’ thành 'lâm tặc' - Ảnh 2
Bên cạnh những gốc cây lớn vừa bị chặt hạ là những cây keo non vừa được người dân trồng. (Ảnh: TT)

Đáng nói, phần diện tích rừng bị phá được giao cho người dân trồng và chăm sóc từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, thay vì việc được khai thác theo hình thức tỉa thưa và phải có sự cho phép của tỉnh Điện Biên thì người dân ồ ạt chặt hạ trên phần diện tích lớn.

Một vụ việc khác cũng liên quan đến việc người dân phá rừng. Nhiều tháng qua, lợi dụng việc giao đất, giao rừng cho người dân sản xuất, rất đông người dân xã vùng cao Phú Mỡ, huyện miền núi Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên đã tự ý vào rừng chặt phá, đốt rẫy để chiếm đất, kể cả rừng quy hoạch sản xuất và rừng phòng hộ.Theo thống kê sơ bộ của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên, ít nhất 50 ha rừng đã bị chặt phá và con số vẫn chưa dừng lại ở đó.

Gắn trách nhiệm người dân với bảo vệ rừng

Từ một số dẫn chứng trên có thể thấy tình trạng phá rừng làm nương rẫy của người dân địa phương ngày càng có chiều hướng tăng. Nếu không có giải pháp kiên quyết và kịp thời, trong tương lai gần, diện tích rừng sẽ bị thu hẹp, kéo theo hệ lụy là môi trường sinh thái thay đổi do việc mất rừng. Lũ lụt, hạn hán, xói lở... sẽ xảy ra thường xuyên và các loại động, thực vật quý hiếm có nguy cơ bị tiệt chủng. Hơn nữa, nó sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương.

Muôn kiểu xâm hại rừng (Kỳ 2): Người trồng rừng ‘phút chốc’ thành 'lâm tặc' - Ảnh 3
Những gốc cây lớn có đường kính từ 20 - 60 cháy trơ trụi chỉ còn gốc do người dân phá rừng để lấy đất trồng 'rừng'. (Ảnh TT)

Theo các chuyên gia về rừng, để hạn chế tình trạng phá rừng làm nương rẫy, nhưng vẫn giúp nhân dân vươn lên phát triển kinh tế ổn định cuộc sống, các cấp ngành cần quan tâm hơn nữa đến việc tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người dân địa phương, nhất là trên lĩnh vực lâm nghiệp. Cần làm cho người dân nhận thức rõ về vai trò, vị trí tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống con người, để người dân có ý thức tự giác tham gia vào công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR).

Và đi đôi với việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân, cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần quan tâm tạo điều kiện về đất đai, về vốn, về kiến thức để người dân có điều kiện thay đổi cơ cấu và phương thức sản xuất, vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống nhưng không phụ thuộc vào rừng.

Với những địa phương có diện tích rừng và đất rừng lớn, cần thực hiện tốt hơn nữa chính sách giao rừng và đất rừng cho dân quản lý, qua đó sẽ gắn được quyền lợi và trách nhiệm của người dân hơn trong việc QLBVR.

Muôn kiểu xâm hại rừng (Kỳ 2): Người trồng rừng ‘phút chốc’ thành 'lâm tặc' - Ảnh 4
Theo GS.TSKH Nguyễn Văn Lung thì tình trạng phá rừng một phần do trình độ nhận thức của người dân còn thấp.

Và một biện pháp không kém phần quan trọng, đó là cần xử lý kịp thời và nghiêm khắc những đối tượng thường xuyên vi phạm về lâm luật nói chung, vấn đề về phá rừng làm nương rẫy nói riêng.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề người dân phá rừng, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh (Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN) cho rằng, để bảo vệ sự đa dạng sinh học của các cánh rừng, chúng ta cần phải có các biện pháp tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của người dân địa phương với bảo vệ rừng. Những địa phương làm tốt cần có biện pháp khích lệ, khen thưởng, động viên. Đối với những địa phương làm chưa tốt, thì cần kiểm tra, xem xét lại.

Cần thiết có thể cắt giảm tiền phí bảo vệ môi trường rừng mà người dân đang được hưởng, để cho họ thấy lợi ích từ việc bảo vệ tốt những cánh rừng tự nhiên xung quanh ta. Ngoài ra chúng ta cũng cần xem xét lại trách nhiệm của chính quyền địa phương tại các khu vực thường xuyên để mất rừng, thay vì chỉ xử lý các đối tượng lâm tặc như hiện nay.

"Như hiện nay, các đối tượng lâm tặc phá rừng sử dụng rất nhiều phương tiện máy móc, thậm chí cả xe tải cỡ lớn vào để phục vụ phá rừng. Nên việc chính quyền địa phương không hay không biết là vô lý. Cần phải gắn trách nhiệm của họ với sự sống của những cánh rừng" - GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh nhấn mạnh.

Trao đổi với Phóng viên Kinh tế Môi trường, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT cho rằng, một phần nguyên nhân của tình trạng phá rừng hiện nay xuất phát từ trình độ nhận thức của người dân còn thấp chưa nhận thức hết được vai trò quan trọng của rừng.

"Để có thể giữ rừng, bảo vệ rừng, chúng ta cần có những biện pháp tuyên truyền để người dân hiểu được vai trò của rừng trong đời sống hiện nay, nếu giữ rừng họ được gì, và đánh mất rừng chính họ sẽ mất những gì.

Hơn nữa, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có những chính sách an sinh để người dân sinh sống tại các khu vực giáp ranh với các vườn quốc gia, cánh rừng già yên tâm giữ rừng, để cho họ thấy được họ thực sự là chủ của những khu rừng qua đó nâng cao ý thức bảo vệ rừng, tránh tình trạng 'cha chung không ai khóc'. Có như thế họ mới tận tâm bảo vệ" - GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung cho biết.

Theo Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên Mùa A Vảng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho người dân ở những địa bàn không được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng như Tây Bắc, Tây Nguyên..., thay cho chi phí trồng rừng, để người dân có trách nhiệm tham gia bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Kèm theo đó là cam kết, nơi nào để xảy ra cháy rừng thì giảm trừ tiền hỗ trợ. Khi đó người dân tự thấy việc tham gia phòng, chống cháy rừng là bảo vệ đời sống của họ.

Hà Nam - Xuân Hòa

Xem thêm

Liên kết