Theo các chuyên gia phong thủy, lễ cúng giao thừa nên được cử hành vào giờ Tý (23 giờ đến 1 giờ). (Ảnh minh họa) |
Cúng giao thừa hay còn gọi là lễ trừ tịch đuợc thực hiện vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Đây là một phong tục cực kỳ quan trọng vào ngày Tết cổ truyền của người Việt. Chính vì vậy mà các gia đình thường chuẩn bị cho lễ cúng giao thừa rất kỹ lưỡng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn không biết lễ cúng giao thừa nên được tiến hành vào giờ nào thì tốt nhất?
Trong Việt Nam phong tục của nhà văn hóa Phan Kế Bính (1875-1921), có viết về lễ cúng giao thừa như sau: "Tục ta tin rằng mỗi năm có một ông hành khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, cho nên cúng tế để tiễn ông cũ và đón ông mới.
Cúng tế cốt ở tâm thành và lễ cúng vào giữa nửa đêm nên đượm vẻ thần bí trang nghiêm. Cựu vương hành khiển bàn giao công việc cho tân vương thay đức Ngọc Hoàng để coi sóc nhân gian trong một năm cho đến giờ phút giao thừa sang năm.
Lễ trừ tịch bao hàm một ý nghĩa trọng đại tống cựu nghinh tân nên lễ được cử hành rất trịnh trọng từ tư gia tới các đình chùa".
Theo các chuyên gia phong thủy, lễ cúng giao thừa nên được tiến hành vào giờ Tý (23 giờ đến 1 giờ) và cần hoàn thành trước 1 giờ ngày mùng 1 Tết. Các gia đình nên có sự chuẩn bị kĩ lưỡng để lễ cúng diễn ra thong thả, đúng nghi thức và cùng hướng đến một năm mới Canh Tý 2020 nhiều phúc lộc, bình an.
Lễ vật cúng giao thừa ngoài sân gồm: hương, hoa, đèn nến, trầu cau, quần áo, mũ Thần linh và mâm lễ mặn với thủ lợn luộc, gà trống luộc, xôi, bánh chưng… được bày trang trọng đặt ở trước cửa nhà. Vào thời điểm giao thừa, chủ nhà thắp đèn, nến, rót rượu rồi khấn trước án (văn khấn sau khi hết 3 tuần hương thì hóa cùng với vàng mã.
Lễ vật khấn giao thừa trong nhà gồm: Hương, hoa, đèn nến, trầu, rượu, bánh kẹo và mâm cỗ mặn ngày Tết.
Theo tục lệ dân gian, lễ cúng giao thừa ngoài trời được tiến hành trước, sau đó mới đến lễ cúng giao thừa trong nhà.