Năm 2020 Bamboo Airways sẽ có lãi
Tại ĐHCĐ thường niên của Tập đoàn FLC sáng nay 26/6, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC đã chia sẻ thông tin về tình hình kinh doanh của hãng hàng không Bamboo Airways.
Theo ông Quyết, kể từ khi cất cánh bay thương mai 16/1/2019 đến nay, Bamboo Airways đã vận hành khai thác 10 tàu bay, thực hiện tổng cộng được hơn 8.000 chuyến bay. Đánh giá về hoạt động của hãng bay mới là rất tích cực, ông Quyết dẫn chứng: tỷ lệ lấp đầy các chuyến bay là trên 80%, có đường bay tỷ lệ lấp đầy 100% và một số đường bay khó thì tỷ lệ lấp đầy còn thấp...
Dù vậy, Bamboo Airways hiện dẫn đầu về bay đúng giờ nhất tại Việt Nam với tỷ lệ hơn 95% chuyến bay đúng giờ và tỷ lệ an toàn tuyệt đối kể từ lúc cất cánh bay đến giờ.
“Không có hãng hàng không mới ra đời nào trên thế giới có thể đạt được kỳ tích ngay khi ra đời như thế”, ông Quyết nói.
Bamboo Airways sẽ nâng đội tàu bay lên 30 chiếc vào cuối năm 2019 |
Tuy nhiên, theo tiết lộ của ông Quyết, Bamboo Airways hiện vẫn chưa có lãi và Tập đoàn FLC (sở hữu 100% vốn điều lệ CTCP Hàng không tre Việt) đang phải bù lỗ.
Nguyên nhân là do Bamboo Airways hiện mới khai thác 10 tầu bay nhưng công ty vẫn phải nuôi bộ máy để phục vụ cho việc vận hành khai thác 30 tàu bay trong năm 2019. Mới đây, Bộ GTVT đã chấp thuận cho FLC được khai thác tổng cộng 30 tàu bay sau quá trình 5 tháng vận hành khai thác 10 tàu bay có hiệu quả và an toàn, chất lượng dịch vụ tốt. Do đó, chi phí đầu tư cho bộ máy của Bamboo Airways là cần thiết vì FLC muốn chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo cho hoạt động của hãng bay, kỳ vọng có sự tăng trưởng đột phá trong thời gian tới.
“Tôi hi vọng hết năm 2019 và sang đầu 2020 thì Bamboo Airways sẽ có lãi. Nếu loại trừ chi phí nuôi đội tàu bay dự kiến, công ty cũng đã cân đối được chi phí, doanh thu để đảm bảo có lãi rồi”, ông Quyết chia sẻ.
Trăn trở cổ phiếu “hẻo”
Tại đại hội, nhiều cổ đông đã chất vấn lãnh đạo vì sao Tập đoàn quy mô lớn, doanh thu hàng chục nghìn tỷ và có lãi nhưng cổ phiếu FLC lại rất thấp, chỉ 4.300 đồng/CP, tức nhỉnh hơn giá trà đá…
Chia sẻ với tâm tư của nhiều cổ đông, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cho rằng, giá cổ phiếu FLC hoàn toàn do cung cầu thị trường quyết định. Có lúc thị trường tốt giá lên tới 7.000-8.000 đồng/CP. Ngược lại, có lúc giá FLC giảm sâu về loanh quanh 4.000-5000 đồng/CP. Cá nhân ông Quyết có lúc tôi cũng chán không xem bảng điện tử.
Giá cổ phiếu FLC giảm sâu khiến, dưới giá trị thực của doanh nghiệp khiến lãnh đạo FLC cũng rầu lòng |
Theo ông Quyết, cổ phiếu FLC giảm sâu, chưa trở về mệnh giá (10.000 đồng/CP) do yếu tố khách quan từ thị trường ảm đạm, thiếu dòng tiền, lên xuống theo “sóng”. Nhưng chủ quan là do các nhà đầu tư đánh giá không đúng với giá trị thật của cổ phiếu FLC.
Trong 5 năm qua, FLC vẫn tăng trưởng liên tục với tổng tài sản đạt hơn 26.000 tỉ đồng, tổng nợ vay ngân hàng thấp chỉ hơn 5000 tỉ đồng. Doanh thu và lợi nhuận trong 3 năm vẫn tăng trưởng rất cao. Năm 2018 FLC ghi nhận doanh thu hợp nhất hơn 12.016 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 677 tỉ đồng. Năm 2019 dự kiến doanh thu tới 20.000 tỉ đồng và lãi trước thuế 720 tỉ đồng…
So sánh với cổ phiếu ROS (có liên quan tới ông Trịnh Văn Quyết) cũng diễn biến thăng trầm khi lên đỉnh 225.000 đồng/CP, tăng gấp 28 lần so với giá chào sàn và giờ chỉ còn 30.000 đồng/CP.
Chủ tịch FLC đặt câu hỏi: nếu bây giờ nhiều người tham gia mua FLC, thị trường tốt lên như lúc mọi người đổ xô mua ROS thì tôi cũng không biết giá FLC sẽ đi về đâu? Đồng thời vẫn khuyến nghị cổ đông nắm giữ cổ phiếu chờ ngày “hái quả”.
Nhắc lại lời hứa năm xưa "mua vào cổ phiếu FLC", ông Trịnh Văn Quyết tái khẳng định: “Tôi hứa với cổ đông sẽ mua vào cổ phiếu để không còn dưới mệnh giá nữa, nhưng tôi phải chuẩn bị nguồn tài chính và thời điểm phù hợp”.
Trước lo ngại công ty tiếp tục phát hành gần 300 triệu cổ phiếu để tăng vốn, làm cổ phiếu bị pha loãng, giảm sâu thêm, Chủ tịch FLC khẳng định: sẽ không tăng vốn nếu giá cổ phiếu FLC không vượt mệnh giá 10.000 đồng/CP. Nhưng tập đoàn vẫn trình ĐHCĐ thông qua kế hoạch phát hành tăng vốn để chủ động huy động vốn vào thời điểm thích hợp.
Việc tăng vốn lần này sẽ huy động thêm vốn để đầu tư các dự án bất động sản lớn như: FLC Quảng Bình, FLC Quy Nhơn, FLC Hạ Long, dự án bệnh viện đa khoa quốc tế Thái Bình, tăng vốn cho Bamboo Airways…