Cộng đồng Chullpia ở Peru đã sử dụng các tấm pin mặt trời để cung cấp điện cho các dự án thủy lợi. Ảnh: UNDP Peru/Giulianna Camarena |
Nhiều nhiệm vụ cần triển khai
Ông Guterres đã vạch ra nội dung chương trình nghị sự kéo dài trong 2 tuần với nhiều khía cạnh của khủng hoảng khí hậu, bao gồm: xây dựng năng lực, nạn phá rừng, người dân bản địa, thành phố, tài chính, công nghệ và giới tính.
“Các nhiệm vụ rất nhiều, thời gian biểu gần như kín và mỗi mục đều quan trọng”, ông Guterres nhấn mạnh.
Ông Guterres cho biết: Hội nghị phải truyền đạt một quyết tâm mạnh mẽ để thay đổi hướng đi, chứng minh rằng thế giới nghiêm túc cam kết ngăn chặn “cuộc chiến tranh chống lại thiên nhiên”, và có ý chí chính trị để đạt được tính trung lập cácbon vào năm 2050.
COP25 đánh dấu sự khởi đầu của quá trình 12 tháng để xem xét các Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDCs) (các cam kết được thực hiện theo Hiệp định Paris 2015), và đảm bảo rằng họ đủ tham vọng để đạt được các mục tiêu chấm dứt tình trạng khẩn cấp về khí hậu.
Vượt qua sự chia rẽ, định giá cácbon
Những dấu hiệu tiến bộ đáng khích lệ đã được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh về hành động chống biển đổi khí hậu của LHQ được tổ chức hồi tháng 9. Trong đó có các sáng kiến được đề xuất bởi các quốc đảo nhỏ và các nước kém phát triển nhất, các thành phố lớn và nền kinh tế khu vực, cũng như khu vực tư nhân và lĩnh vực tài chính.
Có khoảng 70 quốc gia đệ trình NDCs vào năm 2020, với 65 quốc gia và các nền kinh tế lớn cam kết giảm lượng khí thải bằng 0 vào năm 2050. Trong khi đó, việc các quốc gia và các nhà đầu tư đang đẩy lùi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng được coi là dấu hiệu tích cực.
Ông Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo chấm dứt sự phân chia về biến đổi khí hậu (BĐKH) và đạt được sự đồng thuận về định giá cácbon, một công cụ quan trọng để cắt giảm khí thải nhà kính.
“Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ có “thị trường và vận hành, huy động khu vực tư nhân và đảm bảo mọi quy tắc giống nhau cho tất cả mọi người”, ông Guterres nhấn mạnh.
Loay hoay chống chọi với BĐKH?
Ông Guterres cảnh báo rằng việc không định giá cácbon sẽ có nguy cơ phân mảnh thị trường cácbon, điều này có thể làm suy yếu nỗ lực giải quyết khủng hoảng khí hậu.
Trong suốt bài phát biểu của mình, Tổng thư ký đã trình bày rõ ràng về tình trạng khẩn cấp của cuộc khủng hoảng khí hậu. Ông Guterres nhấn mạnh: “Thất bại trong hành động sẽ đồng nghĩa với việc chúng ta đầu hàng: Chúng ta có muốn được nhớ đến như một thế hệ đang loay hoay trong cuộc chiến chống lại BĐKH trong khi Trái đất đang bị phá hủy?”
Không thể chối bỏ các dấu hiệu của thảm họa tiềm ẩn. Chẳng hạn, nồng độ CO2 trong khí quyển hiện nay tương đương với nồng độ từ 3 - 5 triệu năm trước, khi nhiệt độ ấm hơn từ 2 - 3 độ C so với hiện tại và mực nước biển cao hơn 10 – 20m so với hiện nay.
Các minh chứng khác bao gồm một thực tế là 5 năm qua là khoảng thời gian nóng nhất trong lịch sử và đã chứng kiến các sự kiện thời tiết cực đoan và các thảm họa liên quan như bão, hạn hán, lũ lụt và cháy rừng. Các tảng băng đang tan chảy với tốc độ nhanh, mực nước biển đang dâng cao và đại dương đang bị axit hóa, đe dọa tất cả các sinh vật biển.
Trong khi đó, các nhà máy than tiếp tục được lên kế hoạch và xây dựng, những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế toàn cầu - từ nông nghiệp đến giao thông, từ quy hoạch và xây dựng đô thị đến xi măng, thép và các ngành công nghiệp cácbon khác vẫn đang hoạt động theo cách không bền vững.
“Chúng ta không có thời gian và không có lý do gì để trì hoãn. Chúng ta có các công cụ, khoa học và nguồn tài nguyên. Chúng ta hãy chứng minh ý chí chính trị mà mọi người yêu cầu từ chúng ta. Nếu chúng ta không nhanh chóng hành động, điều đó sẽ là sự phản bội đối với nhân loại và các thế hệ tương lai” - ông Guterres kết luận.
Thời gian để các chính trị gia đi đầu về BĐKH
Phát biểu tại hội nghị bàn tròn với các nguyên thủ quốc gia và chính phủ các nước tham dự COP25, ông Guterres kêu gọi họ “đi đầu” chứ không phải “chạy theo” BĐKH trong bối cảnh dư luận về môi trường đang phát triển rất nhanh và các thành phố, khu vực và cộng đồng doanh nghiệp đang hành động để giải quyết khủng hoảng khí hậu.
Tổng thư ký cũng lưu ý rằng tại cuộc họp G20 gần đây của các nền kinh tế hàng đầu thế giới ở Osaka, Nhật, một nhóm các công ty quản lý tài sản, sở hữu khoảng 34.000 tỉ USD đã yêu cầu các nhà lãnh đạo chính trị tăng cường hành động khí hậu, chấm dứt trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch và định giá cácbon.
Khủng hoảng khí hậu ảnh hưởng đến “những người chịu ít trách nhiệm nhất”
Tổng thư ký cũng đề cập đến một diễn đàn về các quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu, ông đã chỉ ra “sự bất công lớn” về BĐKH, sự ảnh hưởng của nó đối với những người ít chịu trách nhiệm nhất.
Ông Guterres đã đưa ra các dẫn chứng, bao gồm Mozambique và vùng Caribe bị tàn phá bởi những cơn bão, ảnh hưởng đến cuộc sống của cộng đồng dân cư và nền kinh tế tê liệt; hạn hán ở Sahel và vùng Sừng châu Phi.
Tuy nhiên, một số quốc gia dễ bị tổn thương nhất lại đang dẫn đầu trong hành động khí hậu, thể hiện sự đi đầu tại Hội nghị Thượng đỉnh về hành động chống BĐKH hồi tháng 9. Ông Guterres hy vọng những quốc gia tiên phong này sẽ được các nước phát thải lớn trên thế giới noi theo.