Tuần trước, Huawei ký hợp đồng với nhà mạng lớn nhất nước Nga - MTS để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng 5G tại nước này vào năm 2020. Trước đó, Trung Quốc cũng đã thông qua việc cấp phép sử dụng thương mại mạng 5G.
Huawei ký thỏa thuận với nhà mạng MTS sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nga hội kiến Tổng thống Vladimir Putin. Ảnh: Getty Images. |
Truyền thông Trung Quốc mô tả đây là “thời kỳ mới của ngành công nghiệp viễn thông” và Huawei sẽ đóng vai trò quan trọng. Công ty cho biết cũng đã ký hơn 45 hợp đồng thương mại 5G với 30 quốc gia trên toàn thế giới, nhưng con số này vẫn thấp hơn kỳ vọng của Huawei. Trong vòng 2 tháng qua, Nokia (Phần Lan) ký 12 thỏa thuận 5G mới so với 3 của Huawei, dù công ty Trung Quốc được đánh giá là đi đầu về công nghệ 5G và bán sản phẩm với mức giá phải chăng hơn đối thủ.
Đây có thể là một phần hệ quả của chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Đến nay, Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu đã bị bắt ở Canada, công ty này cũng bị cấm hợp tác với các công ty Mỹ và chính quyền Tổng thống Donald Trump còn lôi kéo các đồng minh tẩy chay tập đoàn công nghệ Trung Quốc.
Đối với sự quan trọng của việc phát triển 5G, các chuyên gia cũng nhận định 5G tạo ra kết nối Internet với băng thông vượt trội so với 4G, giúp kết nối vạn vật, là tiền đề quan trọng trong phát triển những công nghệ tương lai như xe tự hành, nhà thông minh… Do đó nếu không muốn bị tụt hậu các quốc gia phải tập trung phát triển hạ tầng 5G nhanh chóng.
CNN dẫn lời nhà phân tích James Griffiths - tác giả cuốn The Great Firewall of China (Phòng Hỏa Trường Thành) nhận định quá trình này sẽ tạo ra một “bức màn sắt” chia rẽ thế giới. Các nước đồng minh của Trung Quốc, ví dụ như Nga, hoàn toàn không có vấn đề gì với Huawei và sẵn sàng mua phần cứng cũng như dịch vụ của hãng này.
Màu đỏ là những nơi Huawei bị cấm vận và màu xanh là những khu vực tập đoàn Trung Quốc bị giám sát chặt chẽ. Ảnh: CNN. |
Trong khi đó, Mỹ và một số quốc gia đồng minh - điển hình là Australia và New Zealand - quyết tẩy chay Huawei. Còn ở giữa, nhiều nước ở khu vực châu Âu - vốn thân Mỹ đang lưỡng lự và tính toán, bởi tẩy chay Huawei đồng nghĩa với việc chậm triển khai mạng 5G.
Nhà phân tích Griffiths cho rằng ở thời điểm hiện tại, Mỹ chậm chân hơn Trung Quốc về công nghệ 5G. Tất nhiên Mỹ hoàn toàn đủ sức đuổi kịp và vượt qua Trung Quốc, nhưng điều đó cần thời gian và công sức.
Với ông Griffiths và nhiều chuyên gia, kịch bản xấu nhất là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chia rẽ hoàn toàn thế giới, buộc chính phủ các nước lựa chọn một là Washington, hai là Bắc Kinh. Khi đó, hạ tầng Internet thế hệ mới sẽ bị chia thành hai khu vực Đông - Tây.
“Tồn tại trong từng khu vực công nghệ riêng biệt không đơn giản chỉ là việc tham gia nguồn cung ứng riêng. Với các quốc gia trên thế giới, mỗi thỏa thuận kinh doanh và quyết định đầu tư đều mang tính chính trị cao”, CNN dẫn lời nhà phân tích Tim Culpan.
Chuyên gia Griffiths cho rằng sự tồn tại của 2 hoặc 3 khu vực công nghệ tách biệt sẽ dẫn tới sự hình thành của những tiêu chuẩn và quy định riêng về Internet và công nghệ tại từng khu vực đó. “Hãy nghĩ đến cuộc đối đầu giữa iOS và Android với sự cực đoan vượt xa”, ông Griffiths so sánh.
“5G với tốc độ cực nhanh được kỳ vọng sẽ đưa thế giới xích lại gần nhau hơn. Nhưng sự chia rẽ vì Huawei có thể khiến 5G trở thành bức tường ngăn cách 2 nửa thế giới”, ông Griffiths nhấn mạnh.