Chất lượng tài sản thấp, đầu tư không hiệu quả
Về cơ bản, tài sản của một ngân hàng được chia ra thành hai phần chính, bao gồm tài sản có khả năng sinh lời và tài sản không sinh lời. Trong đó, tài sản có khả năng sinh lời thường chiếm trên 90% tổng tài sản, được sử dụng với mục đích thu lãi, là nguồn tạo ra lợi nhuận cho ngân hàng.
Trong nhiều năm nay, tỷ lệ tài sản có khả năng sinh lời trên tổng tài sản của NCB luôn ở mức khiêm tốn trên dưới 80% và có xu hướng đi xuống, giảm về mức 75% từ năm 2020. Tỷ lệ này ở các ngân hàng cùng nhóm như Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VBB) là 95,3% hay Ngân hàng An Bình (ABB) là 94,3%, Nam Á Bank là 95%..., cao hơn rất nhiều so với NCB.
Phần tài sản không sinh lời, hay còn gọi tài sản bị “đóng băng” của NCB chủ yếu là khoản phải thu với 14.615 tỉ đồng. Nhưng NCB không hề có thuyết minh cụ thể cho khoản phải thu quá lớn này.
Với một ngân hàng quy mô nhỏ như NCB, không hiểu ngân hàng này có những khoản công nợ phải thu từ đâu mà lớn tới hơn 14.000 tỉ đồng, thậm chí còn cao hơn cả khoản phải thu của các "ông lớn" BIDV (9.900 tỉ đồng), Vietcombank (10.000 tỉ đồng)...
Nhấn mạnh rằng, số tiền phải thu của NCB chiếm 15% tổng tài sản của ngân hàng và lớn hơn gấp 3 lần số vốn điều lệ của ngân hàng (4.000 tỉ đồng). Chưa kể, NCB còn khoản lãi dự thu lên tớn 2.116 tỉ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Đây cũng chính là các khoản lãi dự thu dồn tích qua nhiều năm, thực tế chưa thể thu hồi được.
Với tỷ lệ lãi dự thu quá lớn và tăng quá nhanh của NCB, đặc biệt khoản lãi dự thu được cô đặc trong một khoảng thời gian dài như vậy, có thể thấy đây là một dấu hiệu cảnh báo về chất lượng tài sản, nợ xấu tiềm ẩn cũng như lợi nhuận thực của NCB.
Các khoản phải thu là một phần của vốn lưu động của ngân hàng, doanh nghiệp. Rõ ràng, vốn và dòng tiền của ngân hàng đang bị “nghẽn” và chiếm dụng khi "đóng băng" trong những năm qua.
Không chỉ phần tài sản không sinh lời bị coi là phần tài sản đóng băng quá lớn, các khoản tài sản để đầu tư của NCB cũng không đem lại lãi lời gì.
Hiện, NCB đầu tư 200 tỉ đồng vào công ty con là Công ty NCB AMC và góp vốn đầu tư dài hạn vào 4 công ty khác với số vốn 720 tỉ đồng. Nhưng theo ghi nhận trong các báo cáo tài chính riêng của ngân hàng, nhiều năm nay NCB không thu về được khoản lợi nhuận nào từ đầu tư, góp vốn dài hạn, ngoại trừ năm 2019 thu về vỏn vẹn 2,7 tỉ đồng, tương đương mức lãi 0,3% cho cả năm, quá thấp cho một khoản đầu tư lớn. Còn lại những năm 2017, 2018 và 2020, số tiền thu về từ khoản đầu tư, góp vốn này là con số 0, không thu một đồng lãi nào mà chỉ chôn tiền tại chỗ.
Giá trị tài sản được xem như là “tiền chết” này tuy có thể làm đẹp bảng cân đối tài sản, nhưng thực tế đang khiến NCB trì trệ trong kinh doanh. Khi khoản phải thu giảm thì quy mô tổng tài sản của ngân hàng cũng giảm theo. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2021, do biến động khoản phải thu ngân hàng giảm, tổng tài sản của NCB cũng giả 6,4% so với đầu năm.
Gian nan tái cơ cấu ngân hàng
Hội đồng quản trị (HĐQT) NCB đã đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2021, với chỉ tiêu tổng tài sản đạt 95.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 6/2021, quy mô tổng tài sản của NCB không tăng lên mà còn giảm đi so với cuối năm 2020, chỉ đạt 84.000 tỉ đồng, bằng 88% kế hoạch, do phụ thuộc vào khoản tiền phải thu.
Để hoàn thành chỉ tiêu về quy mô tài sản theo kế hoạch trên, NCB phải tăng cường cho vay khách hàng. Nếu không, ngân hàng lại đi theo lối mòn bằng cách tăng số liệu trên sổ sách, trên bảng cân đối bằng các con số công nợ phải thu cao hơn, dồn tích nợ xấu để hạch toán vào lãi dự thu nhiều hơn. Nhưng cách này chứa đựng quá nhiều rủi ro cho ngân hàng.
Thực tế, tổng dư nợ cho vay khách hàng của NCB trong nửa đầu năm 2021 ở mức thấp, thuộc nhóm tăng trưởng nhất trong hệ thống, với mức tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 3,5%. Trong khi đó, các ngân hàng có cùng quy mô vốn như NamABank tăng trưởng tín dụng tới 7,5%, Việt Á Bank tăng trưởng tín dụng 6,2%... Không kể tới loạt ngân hàng khác đã chạm trần tăng trưởng tín dụng.
Theo kế hoạch HĐQT đề ra, trong năm 2021, NCB sẽ cho vay khách hàng được 45.000 tỉ đồng, tương đương mức tăng trưởng tín dụng 11,6%.
Trường hợp trong nửa cuối năm, hoạt động cho vay của NCB không tích cực hơn, ngân hàng sẽ khó có thể đảm bảo kế hoạch mục tiêu xây dựng kịch bản tăng trưởng đã trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để đảm bảo hiệu quả trong giai đoạn 2018 - 2028.
Trước đó, NCB đã cam kết với NHNN, dùng toàn bộ lợi nhuận để trích lập các khoản cần xử lý theo “Phương án tái cơ cấu gắn liến xử lý nợ xấu của NCB” đã được NHNN phê duyệt. Do đó, lợi nhuận của NCB sẽ bị khấu trừ dần, ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng lợi nhuận của nhà băng này.
Trong quý 1/2021, NCB đã trích lập 180 tỉ đồng để xử lý theo Đề án tái cơ cấu ngân hàng. Năm 2020, ngân hàng đã trích lập các hoản xử lý theo Đề án là 800 tỉ đồng. Lợi nhuận của NCB vì thế bị ảnh hưởng và giảm đi rất nhiều.
Mặc dù đang trong giai đoạn tái cơ cấu, NCB vẫn quyết định triển khai việc tăng vốn điều lệ từ 4.100 tỉ đồng lên 7.100 tỉ đồng thông qua việc chào bán 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tổng giá trị chào bán tương đương 1.500 tỉ đồng và phát hành 3.000 trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ với mệnh giá 1 tỉ đồng/trái phiếu. Tổng giá trị trái phiếu dự kiến phát hành tương đương 3.000 tỉ đồng.
Đến nay, NHNN đã có văn bản chấp thuận NCB tăng vốn điều lệ thêm tối đa 1.500 tỉ đồng, đưa tổng vốn điều lệ NCB đạt trên 5.600 tỉ đồng.
Bất chấp "sóng ngân hàng" giảm và đang đi ngang, thị giá cổ phiếu NVB của Ngân hàng này có vẻ cao bất thường, tăng liên tiếp trong 3 tuần gần đây, đặc biệt kể từ sau thời điểm NCB thay chủ tịch HĐQT mới là bà Bùi Thị Thanh Hương (cũng là CEO của Sun Group).
Nếu tính từ ngày 26/7 đến nay, cổ phiếu NVB của ngân hàng NCB đã tăng hơn 71%. Chốt phiên giao dịch ngày 13/6, giá cổ phiếu NVB là 29.200 đồng/cổ phiếu, cao ngang ngửa với MBB, MSB, STB ( những cổ phiếu của các ngân hàng có quy mô và chất lượng tài sản tốt vượt trội theo cấp số nhân so với NCB).
Tuy nhiên, với một ngân hàng có chất lượng tài sản, tăng trưởng tín dụng yếu và kém như NCB, việc tăng nóng giá cổ phiếu của ngân hàng cũng là một dấu hỏi lớn cho các nhà đầu tư.